Header ads

Header ads
» » [Đánh giá phim] Tháng Năm Rực Rỡ - Đáng xem, đáng nhớ và đáng suy ngẫm

Tháng Năm Rực Rỡ có thể xem là một trong những bộ phim làm lại từ kịch bản Hàn xuất sắc nhất của điện ảnh Việt. Dẫu còn một số khuyết điểm, phim vẫn thổi được cảm xúc vào trái tim khán giả, dẫn dắt chúng ta đi suốt những tháng năm đẹp nhất cuộc đời của những cô bé đáng yêu trong nhóm nữ quái Ngựa Hoang.


Trong bối cảnh người Việt dần mất niềm tin vào kịch bản Việt, xu hướng làm lại phim Hàn nổi tiếng từ thời hồi đó vẫn tiếp tục được các nhà làm phim Việt đặt niềm tin. Đặc biệt là với sự hậu thuẫn của tập đoàn CJ, đem về kịch bản không khó, khó là làm sao Việt hoá cho nó ra hồn để khán giả Việt không cảm thấy mình đang xem "phim Hàn nói tiếng Việt". Thành công cũng nhiều mà thảm hoạ cũng không ít. Nếu nói về Việt hoá thành công thì mình thấy Tháng Năm Rực Rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chỉ kém đôi chút so với Em Là Bà Nội Của Anh, bộ phim đã đánh dấu sự bùng nổ của phim làm lại từ kịch bản nước ngoài.

Đang tải thang_nam_ruc_ro-4.jpg…

So với những bộ phim làm lại thời gian gần đây như Yêu Đi Đừng Sợ (Kiss and Spell) hay Sắc Đẹp Ngàn Cân (200 Pounds Beauty); có thể nói độ khó của Tháng Năm Rực Rỡ (Sunny) phức tạp hơn rất nhiều. Chính vì vậy là khi thấy Sắc Đẹp Ngàn Cân nhạt nhoà, Yêu Đi Đừng Sợ chỉ trung bình khá thì cá nhân mình không đặt nhiều kỳ vọng về sự thành công của Tháng Năm Rực Rỡ. Tuy nhiên mình đã sai, Tháng Năm Rực Rỡ cho thấy rằng nếu có sự đầu tư đúng mực thì điện ảnh Việt vẫn có thể làm nên những bộ phim chuyển thể hay đáng để khán giả thưởng thức.

Đang tải thang_nam_ruc_ro-10.jpg…

Nếu không biết trước, rất khó để bạn nhận ra Tháng Năm Rực Rỡ là một tác phẩm chuyển thể. Ê-kíp của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã khéo léo Việt hoá bối cảnh, nhân vật và các tình tiết trong bản gốc để khiến nó trở nên gần gũi với khán giả Việt. Nếu tinh ý thì bạn sẽ vẫn nhận ra cách xây dựng tình tiết, khai thác nội tâm nhân vật tinh tế đã trở thành thương hiệu của điện ảnh Hàn Quốc; nhưng nó không ảnh hưởng nhiều tới mức khiến chúng ta có cảm giác xem phim Hàn nói tiếng Việt.

Đang tải thang_nam_ruc_ro-6.jpg…

Cũng giống như Sunny, Tháng Năm Rực Rỡ kể về câu chuyện của Hiểu Phương (Hồng Ánh) tình cờ gặp lại người bạn cũ Mỹ Dung (Thanh Hằng) đang mắc bệnh hiểm nghèo. Mỹ Dung cũng chính là trưởng nhóm Ngựa Hoang ngày xưa, ghi dấu những năm tháng tươi đẹp nhất của Hiểu Phương. Xót xa trước tình cảnh của bạn, Hiểu Phương quyết tâm tìm lại các thành viên của nhóm Ngựa Hoang để giúp Mỹ Dung hoàn thành tâm nguyện gặp lại bạn bè. Và đó cũng chính là hành trình gợi nhớ lại cho cô những năm tháng rực rỡ nhất đời mình.

Đang tải thang_nam_ruc_ro-12.jpg…

Chìa khoá để tạo nên cảm xúc của Tháng Năm Rực Rỡ chính là sự phản chiếu của thực tại và quá khứ, giữa hình ảnh những cô bé trung học 25 năm trước và những người phụ nữ tuổi ngoài 30 ngày nay. Người ta nói rằng "thời gian có thể làm thay đổi tất cả", và chứng kiến hành trình tìm bạn của Hiểu Phương thì khán giả sẽ cảm thấy điều đó đúng hơn bao giờ hết. Năm thành viên của nhóm là năm ngã rẽ của số phận, dẫu thành công hay thất bại, người xem cũng không khỏi nuối tiếc khi thấy những năm tháng rực rỡ nhất của những cô gái trẻ bị bỏ lại phía sau dòng chảy thời gian.

Đang tải thang_nam_ruc_ro-11.jpg…

Tháng Năm Rực Rỡ thể hiện rất tốt 2 cột mốc thời gian của mình, đó là thực tại năm 2000 và hồi ức thành phố Đà Lạt năm 1975. Từ bối cảnh, phục trang, lời thoại cho đến giọng nói đều được chăm chút, với một sự chỉnh chu mà rất ít phim Việt nào thực hiện được. Ấn tượng nhất có lẽ là cái giọng bắc của Hiểu Phương lúc nhỏ được ChiBi Hoàng Yến thể hiện cực kỳ xuất sắc. Và nếu chú ý thì bạn sẽ thấy phim giải thích luôn là vì sao Hiểu Phương sau này do Hồng Ánh đóng lại nói giọng nam. Sự phối ghép một cách tinh tế giữa tình tiết thực tại vào những phân cảnh hồi ức, từ những tình tiết trong quá khứ trở lại bối cảnh hiện thực, đã giúp tạo nên một mạch phim tuy nhiều chi tiết nhưng không khiến người xem phải choáng ngợp.

Đang tải thang_nam_ruc_ro-8.jpg…

Mình đặc biệt đánh giá cao những phân đoạn hồi ức về Đà Lạt những năm 1975, được ê-kíp làm phim đầu tư rất nghiêm túc. Từ những ngôi nhà, trường học, góc phố, con đường cho đến quán cafe dành cho người lớn đều được tái hiện một cách thuyết phục. Nói cho công bằng thì trừ những bạn mê sử, chẳng mấy ai trong chúng ta biết được Đà Lạt cái thời ấy nó như thế nào. Nhưng sự tương phản giữa bối cảnh hiện đại năm 2000 và hồi ức 1975 là quá rõ nét, rõ đến mức bạn hoàn toàn có thể phân biệt được đâu là quá khứ đâu là hiện tại dẫu chưa một lần đến. Thêm vào những bài hát nổi tiếng thập niên 70 như "Kim" (Y Vũ), "Niệm Khúc Cuối" ( Ngô Thuỵ Miên),... là chúng ta có một công thức tuyệt vời để khơi dậy cảm xúc hoài cổ trong lòng khán giả.


Âm nhạc cũng là điểm nhấn của Tháng Năm Rực Rỡ. Bài hát "Vết thù trên lưng ngựa hoang" trở thành nguồn cảm hứng để cho các cô gái trẻ ngày xưa chọn tên nhóm là Ngựa Hoang. Một cái tên không chỉ thuần Việt mà còn thể hiện được cá tính mạnh mẽ của những cô gái cao nguyên, về một mặt nào đó còn ý nghĩa hơn cả Sunny của nguyên tác. Hay ấn tượng không kém là ca khúc Yêu được thể hiện bởi Chibi Hoàng Yến, lấy cảm hứng từ cảnh hát dưới mưa kinh điển của Gene Kelly trong bộ phim Singing in The Rain, với tâm trạng của người con gái đang yêu đầy hạnh phúc. Và gần cuối phim thì khán giả còn cảm nhận được sự xót xa khi tình đầu tan vỡ của cô gái trẻ với bài hát "Nụ hôn đánh rơi".


Sự xuất sắc của Hoàng Yến trong vai Hiểu Phương lúc trẻ cũng thể hiện sự đầu tư trong việc tuyển chọn diễn viên của Tháng Năm Rực Rỡ. Phim Việt thường rơi vào vết xe đổ khi chọn diễn viên dựa theo nhan sắc hơn là tài năng, nhưng lần này có thể nói là ngoại lệ. Sự kết hợp giữa thế hệ diễn viên gạo cội (Hồng Ánh, Mỹ Uyên, Mỹ Duyên, Thanh Hằng,...) với dàn sao trẻ mới nổi (Hoàng Yến Chibi, Hoàng Oanh, Jun Vũ,...) đã thổi được cái hồn vào nhân vật. Từ tốt cho đến xuất sắc, quả thật khó đòi hỏi gì thêm được so với mặt bằng chung của phim Việt hiện nay.

Đang tải thang_nam_ruc_ro-7.jpg…

Tuy vậy Tháng Năm Rực Rỡ vẫn còn một số khuyết điểm vẫn có thể cải thiện thêm. Chẳng hạn như mấy câu thoại đỉnh cao kiểu "Xin lỗi vì tao quá đẹp" khiến toàn rạp phải sửng sốt hay một số phân đoạn xây dựng tình huống hơi thiếu cao trào như cảnh cuối phim. Nếu khó tính hơn một chút thì phim Việt vẫn chưa biết cách sử dụng màu và góc quay để truyền tải thông điệp của phim điện ảnh, vẫn sử dụng cái tông màu rực rỡ và lạm dụng bokeh như kiểu phim truyền hình Hàn Quốc. Tuy vậy Tháng Năm Rực Rỡ cũng đã tiến khá gần với các phân cảnh quá khứ, sử dụng tông màu vàng ấm để tạo cảm giác hoài cổ cũng như đoạn sử dụng phong cách phim 8 ly đen trắng rất cảm xúc.

Đang tải thang_nam_ruc_ro-2.jpg…

Tóm lại thì Tháng Năm Rực Rỡ đã chứng tỏ rằng nếu có sự đầu tư đúng mực, chúng ta vẫn sẽ làm được những bộ phim hay từ kịch bản mua lại của nước ngoài. Một số bạn có thể không thích, nhưng cho đến khi các biên kịch Việt chứng minh được khả năng thì điện ảnh Việt vẫn sẽ tiếp tục xu hướng này. Và dù thích hay không, Tháng Năm Rực Rỡ vẫn là bộ phim Việt đáng xem và đáng nhớ.

Chúc các bạn vui vẻ!
 

About Học viện đào tạo trực tuyến

Xinh chào bạn. Tôi là Đinh Anh Tuấn - Thạc sĩ CNTT. Email: dinhanhtuan68@gmail.com .
- Nhận đào tạo trực tuyến lập trình dành cho nhà quản lý, kế toán bằng Foxpro, Access 2010, Excel, Macro Excel, Macro Word, chứng chỉ MOS cao cấp, IC3, tiếng anh, phần mềm, phần cứng .
- Nhận thiết kế phần mềm quản lý, Web, Web ứng dụng, quản lý, bán hàng,... Nhận Thiết kế bài giảng điện tử, số hóa tài liệu...
HỌC VIỆN ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN:TẬN TÂM-CHẤT LƯỢNG.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn