Header ads

Header ads
» » Chàng "Mọi" chăn trâu và chiếc ghế tổng giám đốc

Vị GĐ chưa đầy 30 tuổi này là chuyên gia tái thiết, tư vấn triển khai - bảo trì văn hóa DN cho MB Bank, Sacombank - SBJ, Mai Linh Express, Hợp Trí Copooration, Đất Xanh Group, Thép Tây Nguyên, Bệnh viện Từ Dũ...


Ấn tượng ban đầu về Loan Văn Sơn – Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn và Đào tạo Toppion Group - là một con người nhỏ nhắn, đôi mắt cương nghị và nụ cười hiền.

Mới ngoài ba mươi tuổi nhưng anh là chuyên gia tái thiết doanh nghiệp, tư vấn triển khai - bảo trì văn hóa doanh nghiệp cho các công ty, tập đoàn lớn như: MB Bank, Sacombank - SBJ, Mai Linh Express, Hợp Trí Copooration, Đất Xanh Group, Thép Tây Nguyên, Bệnh viện Từ Dũ, Kantar Media Group, CLB Doanh nghiệp Việt kiều, Thép Nam Vinh, Tập đoàn bất động sản Chuangs, Tập đoàn bất động sản Trung Nam, Siêu thị điện máy Nguyễn Kim,…
Anh là một trong những chuyên gia trẻ nhất tại Việt Nam đạt chứng nhận Balance Scorecard Master Professional (BSC), tạm dịch là Thẻ điểm Cân bằng - công cụ quản trị hiện đại giúp quản lý hiệu quả công việc, kết nối chiến lược do Hiệp hội BSC Hoa Kỳ cấp.
Để tham gia tất cả các bài học về xây dựng bài giảng điện tử bằng Articulate Storyline, Bạn nhấn vào đây

Loan Văn Sơn đã cùng sáu chuyên gia khác đến từ khu vực Trung Đông tham gia triển khai bốn mẫu dự án ứng dụng BSC cho một số doanh nghiệp tại Dubai.
Anh bắt đầu câu chuyện bằng một kỷ niệm về sự khác biệt của mình với các bạn cùng lớp:
Tôi là người dân tộc Tày, cũng là con trai duy nhất trong gia đình sáu anh chị em. Bạn cùng lớp thường gọi tôi là “Mọi” vì tôi không phải người dân tộc Kinh như các bạn ấy.
Áp lực từ bạn bè khiến tôi chán học, chỉ thích dùng “nắm đấm” để trừng phạt mấy đứa bạn hay chọc ghẹo nên tôi không thi đậu lên lớp Ba.
Bố tôi giận lắm, mẹ tôi vừa mắng tôi vừa khóc. Tôi ức đến mức không có được một giọt nước mắt nào. Từ giây phút ấy, tôi quyết tâm học thật tốt để chứng minh cho cả bố mẹ và bạn bè thấy rằng tôi không phải là người dễ bỏ cuộc.
Anh đã làm được chứ?
Vâng. Dù phải làm thêm việc đồng áng để phụ mẹ, tôi vẫn học giỏi lên từng ngày. Từ lớp Ba đến lớp Năm, tôi liên tục được đề cử chức lớp trưởng và nằm trong số ba học sinh giỏi nhất. Mỗi lần đi chăn trâu, sau lưng tôi thường có từ năm đến bảy đứa bạn “hộ tống” để nhờ tôi phụ đạo. Tôi vào lớp Sáu được nhà trường miễn thi chuyển cấp vì học giỏi.
Tuy nhiên, gia đình tôi gặp nhiều sự cố từ khi tôi học cấp hai như bị mất trộm hai phần ba rẫy cà phê, bị lừa tiền, hỏa hoạn… Nên tôi phải vừa đi làm việc ở vườn cà phê, vừa phụ mẹ nấu nướng thức ăn phục vụ đám cưới, lại vừa đi học.
Sáng sáng, lúc bạn bè trên đường đi học thì tôi đang chạy ngược đường để kịp phiên chợ sớm mua đồ cho mẹ nấu đám cưới cho khách.
Mẹ tôi rất chịu khó và quyết tâm. Bà làm thuê việc đồng áng tương đương sức của một người đàn ông. Một mình mẹ tôi cùng vài người làm thuê đã khai hoang cả 12ha rừng chỉ trong nửa tháng. Ăn cơm, bà chỉ gắp thức ăn một lần. Đợi đến khi cả nhà ăn xong, bà sẽ ăn những gì còn sót lại.
Những tính cách của anh hiện tại hẳn đã được thừa hưởng từ mẹ của mình?
Tôi thừa hưởng tính chịu khó và sự quyết tâm từ mẹ tôi, mọi việc đều phải làm đến nơi đến chốn, không nản và không bỏ cuộc. Tôi còn thừa hưởng sự từ tốn, suy nghĩ kỹ càng trước mọi quyết định từ người cha. Cha tôi không làm việc nhiều như mẹ tôi nhưng ông luôn là người định hướng cho các con, là chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình.
Vậy ra cha anh chính là người định hướng cho sự nghiệp hiện tại của anh?
Riêng nghề nghiệp của tôi thì không. Tôi học Đại học Ngoại thương năm thứ nhất trong tâm trạng chán nản vì chưa biết sẽ làm gì trong tương lai. Trong tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất: Mình phải làm lãnh đạo.
Muốn làm lãnh đạo, con đường ngắn nhất là trở thành trợ lý của lãnh đạo. Tuy nhiên, thông tin tuyển dụng trợ lý luôn đòi hỏi từ ba năm kinh nghiệm trở lên.
Thật tình cờ, tôi được làm trợ lý tập sự cho Tổng giám đốc Công ty An Vinh, một công ty tư vấn chiến lược ở TP. Hồ Chí Minh. Tôi làm tất cả mọi việc được yêu cầu: photocopy tài liệu, pha trà, xếp giấy tờ, rửa ly, đổ rác… Bù lại, tôi học được nhiều về tin học văn phòng, trình bày văn bản bằng cách học lỏm rồi ghi chép lại toàn bộ vào một cuốn sổ nhỏ theo dạng ký hiệu, sơ đồ.
Sau hai tuần, thấy tôi có những biểu hiện tốt, sếp tôi hỏi: “Em có khả năng viết chiến lược marketing cho Công ty gỗ Mộc Đại không?”. Lúc ấy, dù chưa biết khái niệm về marketing, tôi vẫn tự tin trả lời: “Dạ được”. “Viết trong bao lâu?”. “Dạ một tháng”.
Gần hai mươi ngày đầu, tôi tìm tất cả những thông tin, bài viết liên quan đến marketing từ sách vở, bạn bè, mạng internet… Vài người bạn cho tôi mượn những dự án mẫu về chiến lược marketing của những công ty lớn. Tôi cặm cụi viết trong hơn mười ngày.
Hai ngày cuối tôi ở lại công ty từ tối đến sáng, cánh tay bị bung nhọt mưng mủ, đầu óc quay cuồng, ngủ trên bàn phím máy tính để kịp nộp cho sếp đúng thời hạn.
Và dự án đầu tiên ấy đã thành công?
Vâng. Giám đốc đọc ngay bản thảo khi tôi đưa và nói ngắn gọn: “Về nghỉ đi, tuần sau thuyết trình”. Tôi vui sướng với chiến thắng đầu tiên đó. Nửa năm sau, tôi trở thành trợ lý chính thức. Sáu tháng sau đó, tôi được thăng chức phó tổng điều phối dự án, chuyên viết chiến lược marketing, chiến lược tổng thể cho khách hàng.
Sau khi tốt nghiệp, tôi trở thành giám đốc điều hành của công ty. Ngoài ra, tôi còn viết nhiều đề án thạc sĩ, tiến sĩ theo đơn đặt hàng.
Xin phép được cắt ngang. Tôi cho rằng việc viết đề án thạc sĩ, tiến sĩ theo đơn đặt hàng là không đúng. Anh nghĩ sao về điều này?
Thời sinh viên, tôi chỉ suy nghĩ giản đơn rằng mình sử dụng khả năng của mình để kiếm tiền là điều không sai. Hơn nữa, những người cấp lãnh đạo có đủ khả năng nhưng vì họ không đủ thời gian để viết đề án. Tôi hỗ trợ họ không chỉ có lợi cho tôi mà còn là việc nên làm.
Tuy nhiên, từ khi được mời về làm giám đốc điều hành tại Trung tâm đào tạo Pioneer (hiện nay là Trường Đào tạo Trợ lý Tổng giám đốc chất lượng cao Pioneer - một trong năm thành viên của Toppion Group) vào năm 2008 đến nay, tôi nhận ra rằng việc viết đề án thuê là hoàn toàn sai vì điều đó góp phần nhân rộng những học vị thạc sĩ, tiến sĩ kém chất lượng.
Nếu phát hiện một người làm việc đó, tôi chẳng những không đồng tình mà còn lên tiếng phản đối.
Vâng, vậy điều gì khiến anh chuyển hướng qua ngành giáo dục, đào tạo trợ lý cao cấp và tư vấn chiến lược cho doanh nghiệp?
Dù bạn bè phản đối vì cho rằng tôi không nên mạo hiểm với một ngành đào tạo ít hấp dẫn như vậy nhưng tôi tìm thấy tiềm năng ở ngành này. Thời gian ấy, trung tâm đào tạo thì nhiều nhưng đào tạo trợ lý cao cấp là ngành hoàn toàn mới và đầy triển vọng.
Không ít người muốn làm giám đốc điều hành mà không biết mình sẽ bắt đầu từ đâu. Bản thân tôi đi lên từ một trợ lý tập sự nên tôi hiểu được những khó khăn cũng như lợi thế của nghề. Tôi cho rằng mình là người thích hợp để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của nghề với sinh viên.
Bước đầu với Toppion, hẳn anh đã gặp không ít khó khăn?
Phải nói là tôi đã có một giai đoạn đầu cực kỳ khó khăn. Lúc ấy, tôi được giao chưa đến năm mươi triệu đồng để tiếp quản một công ty đang đứng trên bờ vực phá sản. Giáo trình không rõ ràng, giáo viên không có tinh thần hợp tác. Cả ba cổ đông đều khó khăn về tài chính do khủng hoảng kinh tế.
Tết năm 2009, tôi không còn đủ 500.000 đồng để trả nợ. May thay, tôi có những người bạn sẵn sàng giúp mình trong lúc khó khăn. Hai thầy giáo sẵn sàng giảng dạy không lương. Một người chủ cho thuê mặt bằng vui vẻ cho trả tiền sau. Toppion đã cải thiện và đi lên là nhờ những người bạn tâm huyết ấy.
Được biết, anh đã nghiên cứu về những bất cập của nền giáo dục của Việt Nam để viết nên chiến lược Không có gì mới dành cho giáo dục Việt Nam. Anh có thể giải thích rõ hơn về chiến lược này?
Trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy và khảo sát sinh viên, học sinh, tôi nhận thấy có đến hơn 90% học viên không biết mục đích của cuộc sống, không có định hướng rõ ràng và không có đam mê. Một số có ước mơ thành công nhưng không dám thực hiện hoặc không biết bắt đầu như thế nào.
Những sinh viên đã ra trường lận đận tìm kiếm việc làm, thử hết việc này đến việc khác, mất rất nhiều thời gian và tiền bạc. Họ đã bị mất hai nguồn động lực chính là tình yêu và định hướng, lại có thói quen suy nghĩ rằng khả năng của mình là có giới hạn.
Họ không có tầm nhìn nên cũng không biết phấn đấu, không có kỹ năng cũng như kiến thức cần thiết để có thể tìm được một việc làm đúng với đam mê và sở trường, không có năng lực cạnh tranh với người khác…
Có những sinh viên năm cuối, thậm chí khi đã ra trường mới phát hiện mình không đi đúng ngành mong muốn. Nguyên nhân do đâu?
So sánh với mô hình giáo dục ở Singapore, trẻ em nước này sau bốn năm tiểu học sẽ có hai năm định hướng trước khi bước vào trung học cơ sở. Đồng thời, sách giáo khoa Singapore có tính định hướng rất tốt từ tiểu học đến đại học.
Anh cho rằng sách giáo khoa Việt Nam thiếu tính định hướng?
Đúng là có nhưng chưa đủ. Tôi đã nghiên cứu về sách giáo khoa và hệ thống giáo dục của nhiều nước như Nhật, Singapore, Ấn Độ, Mỹ… và nhận ra rằng sách giáo khoa phải được hình thành từ hệ tư tưởng quốc gia chứ không phải cố nhồi nhét để đủ kiến thức.
Vì sao chúng ta nhận ra ngay một tinh thần Nhật từ một đứa trẻ cho đến những người lớn tuổi? Ngay từ nhỏ, trẻ em Nhật đã được dạy tinh thần Nhật là gì. Hầu hết bài văn, bài thơ trong sách giáo khoa đều thể hiện tinh thần Nhật và cả người thầy cũng dạy học với tinh thần này.
Như vậy, sách giáo khoa sẽ giúp trẻ cân đối việc phát triển các giá trị, tính cách. Tôi rất ủng hộ những câu ca dao, tục ngữ ca ngợi giá trị nhân văn của con người, những bài thơ của Xuân Quỳnh, Tố Hữu, những áng văn bất hủ của dân tộc, đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, sách giáo khoa không chỉ là nơi cung cấp những tác phẩm hay mà là nơi tôn vinh các giá trị định hình tư tưởng của một thế hệ.
Theo tôi, những hệ giá trị cần bổ sung vào sách giáo khoa Việt Nam hiện nay là trách nhiệm, khả năng định hướng, khát vọng, tinh thần hợp tác, hành động và cải tiến...để tạo thói quen biết nhận trách nhiệm khi làm sai, kiên nhẫn xếp hàng khi chờ đợi…
Như vậy vấn đề chính trong ngành giáo dục là sách giáo khoa?
Không hoàn toàn như vậy. Chiến lược Không có gì mới dành cho giáo dục Việt Nam tôi thực hiện chỉ giới hạn trong nghiên cứu việc đào tạo người lao động làm việc cho các doanh nghiệp.
Ngoài chủ thể Nhà nước, tôi đề cập đến ba chủ thể tham gia vào vòng tròn chất lượng của nền giáo dục. Đó là: đơn vị đào tạo, sinh viên - học sinh và doanh nghiệp.
Về đào tạo hàn lâm (trung cấp, cao đẳng, đại học, cao học), chương trình chỉ tập trung vào kiến thức, ít thực hành, đôi khi có những kiến thức đã lỗi thời.
Trong khi đó, theo các chuyên gia tâm lý hành vi con người trên thế giới thì yếu tố quyết định năng suất con người là hệ thống tư duy - giá trị của người đó (tạm gọi là mô thức - mindset), chứ không phải kiến thức. Như vậy, quy trình đào tạo đúng là đi từ đào tạo mô thức đến kỹ năng, kiến thức và thực hành.
Hằng năm, lực lượng tham gia giảng dạy tại các trường đại học là những sinh viên giỏi được giữ lại trường, kinh nghiệm làm việc tại doanh nghiệp không nhiều. Họ không thể nắm rõ nhu cầu và khó khăn trong công việc thực tế nên khó truyền đạt tốt cho sinh viên được.
Người đi học là chủ thể chính nhưng lại thờ ơ, thiếu định hướng nghề nghiệp, mơ hồ về mục tiêu cá nhân, thụ động trong học tập. Năm 2010, tôi đã thực hiện một khảo sát trực tiếp trên 640 sinh viên đại học, cao đẳng, chỉ có 15% sinh viên có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, 75% đi học để có bằng cấp, số còn lại vì những lý do khác.
Hệ quả là hằng năm có khoảng 30% người làm đúng việc mình muốn, 50% làm trái nghề và khoảng 20% thất nghiệp.
Học sinh trung học phổ thông vẫn được tham gia các chương trình tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh trước ngưỡng cửa đại học đấy chứ?
Năm nào cũng có nhưng chưa đạt hiệu quả. Hàng ngàn học sinh mà chỉ có một, hai buổi tư vấn tập thể của 300 trường. Hầu hết giáo viên tham gia lại chỉ chú trọng giới thiệu trường họ thay vì tư vấn về nghề nghiệp, tiêu chuẩn tuyển dụng, tư vấn thiên hướng cá nhân của học sinh phù hợp với nghề nào.
Đông đảo sinh viên hiện nay nghĩ rằng kiến thức trên giảng đường sẽ không sử dụng trong công việc. Từ đó, họ chỉ học đối phó và thụ động, đánh rơi nhiều kiến thức hàn lâm hữu ích.
Còn vấn đề của đơn vị sử dụng lao động là gì?
Hiện nay, doanh nghiệp sử dụng lao động thường phải tốn chi phí không nhỏ để đào tạo lại cho người lao động. Nếu doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo thì hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn.
Thực tế, không mấy doanh nghiệp chịu đầu tư cho 100 sinh viên trong bốn năm chỉ để tuyển vài nhân sự cấp trung. Rất ít doanh nghiệp chịu tiếp nhận sinh viên chưa tốt nghiệp vào thực tập và làm đề tài.
Theo cách phân tích của anh thì bài toán giáo dục Việt Nam cần rất nhiều thời gian để giải quyết. Như vậy chúng ta không thể thay đổi thực tại trong ngắn hạn?
Bác Hồ đã nói rằng vấn đề giáo dục phải nhìn ở tầm từ 50 năm trở lên. Theo quan điểm của tôi, chúng ta không giúp đỡ người khác bằng cách cho họ con cá hay cái cần câu mà chúng ta nên chỉ cho họ cách làm cái cần câu và động lực để làm cái cần câu đó.
Trong đề án trên, tôi đề cập cách giải quyết bắt đầu từ chủ thể người học đến chủ thể người dạy, cuối cùng là cơ sở hạ tầng và những vấn đề liên quan nhưng vẫn đảm bảo
mang tính kế thừa.
Có lẽ đó là cách duy nhất thoát khỏi vòng luẩn quẩn: kinh tế chưa phát triển, cơ sở hạ tầng kém, thu nhập người dân thấp, học phí thấp, lương giảng viên thấp dẫn đến chất lượng sau đào tạo thấp, chất lượng thấp nên thu nhập lại thấp và cứ như thế.
Bằng cách nào, thưa anh?
Bằng cách bắt đầu thay đổi ngôn ngữ tư duy - thay đổi “mô thức”. Hiện tại Toppion đã triển khai dự án và bắt đầu đưa các chương trình vào các trường tiểu học - trung học cơ sở - trung học phổ thông. Chúng tôi đã được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các trường dân lập và các trường quốc tế.
Đồng thời, hằng tháng, chúng tôi mở các lớp ở TP. Hồ Chí Minh với quy mô khoảng hai trăm người mỗi lớp nhằm thay đổi nhận thức sống và thay đổi mô thức mới dựa trên bảy giá trị: trách nhiệm, định hướng, khát vọng, hành động, hợp tác, cải tiến và kiên trì.
Chương trình rất thành công với sự hỗ trợ của nhiều đơn vị. Bước kế tiếp, chúng tôi đang mở rộng ra các tỉnh khác. Những trường khó khăn về tài chính, chúng tôi sẽ thực hiện miễn phí.
Hiện nay, các doanh nghiệp đều rất quan tâm đầu tư cho đào tạo và huấn luyện nhằm nâng cao năng suất lao động, nhưng đào tạo xong thì không cho kết quả như mong muốn. Nguyên nhân do đâu, thưa anh?
Có hai nhóm nguyên nhân. Thứ nhất là nhóm do tư duy hệ thống. Ví dụ, về lý thuyết, chăm sóc khách hàng là khái niệm chung của các ngân hàng. Nhưng mỗi ngân hàng lại định hình một phong cách chăm sóc khách hàng riêng. Do đó, giáo trình đào tạo của mỗi ngân hàng phải được biên soạn dựa trên chuẩn mực giao tiếp của ngân hàng đó.
Trong trường hợp ngân hàng nào chưa có chuẩn mực này sẽ gặp khó khăn trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp vì bộ chuẩn mực này là tư duy hệ thống xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đây là một sai lầm mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải.
Như vậy, phải chăng doanh nghiệp phải tư duy lại hệ thống trước khi nghĩ đến đào tạo?
Đúng vậy. Nếu chưa hoàn thành tư duy lại hệ thống mà vẫn triển khai đào tạo thì tôi e sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.
Để tham gia tất cả các bài học về xây dựng bài giảng điện tử bằng Articulate Storyline, Bạn nhấn vào đây

Đâu là nhóm nguyên nhân thứ hai?
Nhóm nguyên nhân thứ hai là “mô thức” của mỗi nhân viên khác nhau, về giá trị niềm tin, trạng thái, tình trạng thể lý, suy nghĩ, cảm xúc cá nhân, câu hỏi tự thoại trong vô thức cá nhân, nguồn tham chiếu (từ môi trường giáo dục, phim ảnh, gia đình…).
Phải thay đổi “mô thức” này mới dẫn đến những thay đổi về hành vi, kỹ năng và năng suất mỗi thành viên.
Thay đổi “mô thức” không đơn giản vì “cha mẹ sinh con trời sinh tính”?
Tôi đồng ý là việc thay đổi hành vi con người không đơn giản. Nhưng về mặt tâm lý hành vi cá nhân và hành vi tổ chức, chúng ta hoàn toàn có thể dẫn dắt hành vi của một nhân viên theo giá trị cốt lõi, hình ảnh mong muốn, gọi chung là môi trường văn hóa của tổ chức. Đó là phương pháp tôi đang ứng dụng trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Công việc của một người tái thiết doanh nghiệp, tư vấn triển khai - bảo trì văn hóa doanh nghiệp hẳn sẽ thuận lợi hơn nếu có một bề ngoài già dặn. Anh có gặp khó khăn trong công việc vì mình quá trẻ không?
Đúng vậy, ấn tượng ban đầu khi tôi giảng dạy không thật sự thuyết phục vì học viên chủ yếu của tôi là những lãnh đạo và quản lý cấp cao. Một phần các chủ đề tôi chọn đều là các chủ đề khó như: văn hóa doanh nghiệp, tư duy lãnh đạo, thẻ cân bằng điểm, tư vấn chiến lược…
Nhưng họ sẽ bị thuyết phục khi tôi làm thật những điều tôi nói, như đi trên gai hoa hồng, hít đất hơn một trăm lần… Tôi tìm nhiều cách để buộc họ thực hiện những điều họ đã biết nhưng không muốn thực hiện.
Anh tin mình sẽ “thuyết phục” được nền giáo dục Việt Nam chứ?
Vâng, vì tôi biết tôi đang đi con đường đúng đắn. Chiến lược giáo dục này là mô hình chung của tất cả các quốc gia. Việt Nam không thể đi con đường khác. Khi mô hình của tôi thành công ở các trường dân lập sẽ tự tạo ra một cuộc sát hạch theo cơ chế cạnh tranh.
Các trường khác muốn tồn tại thì phải thay đổi là điều đương nhiên. Doanh nghiệp cũng vậy. Họ muốn có lợi thế cạnh tranh thì phải hướng tới hiệu quả và năng suất lao động sau đào tạo. Cứ như thế tạo ra một đường cải tiến xoắn ốc cho nến giáo dục Việt Nam.
Cám ơn anh về cuộc trò chuyện.
Theo XUÂN LỘC
Doanh nhân Sài Gòn



Cập nhật công nghệ từ Youtube tại link: https://www.youtube.com/channel/UCOxeYcvZPGf-mGLYSl_1LuA/videos
Để tham gia khóa học công nghệ truy cập link: http://thuvien.hocviendaotao.com
Mọi hỗ trợ về công nghệ vui lòng liên hệ qua email: dinhanhtuan68@gmail.com

About Học viện đào tạo trực tuyến

Xinh chào bạn. Tôi là Đinh Anh Tuấn - Thạc sĩ CNTT. Email: dinhanhtuan68@gmail.com .
- Nhận đào tạo trực tuyến lập trình dành cho nhà quản lý, kế toán bằng Foxpro, Access 2010, Excel, Macro Excel, Macro Word, chứng chỉ MOS cao cấp, IC3, tiếng anh, phần mềm, phần cứng .
- Nhận thiết kế phần mềm quản lý, Web, Web ứng dụng, quản lý, bán hàng,... Nhận Thiết kế bài giảng điện tử, số hóa tài liệu...
HỌC VIỆN ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN:TẬN TÂM-CHẤT LƯỢNG.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn