Microsoft nói về dự án tạo nhạc chuông mới mang âm hưởng bản địa cho điện thoại Lumia
Trong một cuộc phỏng vấn với Lumia Conversations, trưởng bộ phận thiết kế âm thanh của Microsoft - Henry Daw đã chia sẻ về dự án thiết kế nhạc chuông mới cho dòng điện thoại Microsoft Lumia. Dự án này có tên gọi Sounds of the World và trong suốt 12 tháng qua, Henry cùng các cộng sự đã ghé thăm 4 lục địa, gặp gỡ hơn 150 học sinh và tạo ra 20 bản nhạc chuông mang âm hưởng địa phương. Bộ nhạc chuông này sẽ được tích hợp vào Lumia 535 - chiếc điện thoại Lumia đầu tiên mang thương hiệu Microsoft Lumia.
Bộ nhạc chuông mới được soạn dành riêng cho một số khu vực bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi. Henry cho biết: "Chúng tôi đã phải chuẩn bị rất lâu trước khi bắt đầu. Chúng tôi đã lên kế hoạch làm việc với 4 trường âm nhạc tại London, Cape Town, Thượng Hải và Chennai với mục tiêu tạo ra các bản nhạc chuông mang âm hưởng bản địa."
Ý tưởng của dự án này bắt nguồn từ khoa nghiên cứu văn khóa phi châu và phương đông (SOAS) thuộc đại học London. Henry nói: "Họ chủ yếu nghiên cứu về âm nhạc dân tộc, do đó họ sở hữu nhưng nhạc cụ rất tuyệt vời. Một ví dụ, tại SOAS họ có cả một phòng lớn dành cho Gamelan - một loại trống truyền thống của Indonesia. Chúng tôi nghĩ rằng nếu muốn tạo ra các bản nhạc chuông bản địa hóa dành cho điện thoại Lumia thì tạo sao lại không đưa dự án này ra toàn cầu để có được các bản nhạc chuông thật nhất, chính xác nhân cho các thiết bị của mình?"
Do đó, trong suốt năm 2014, Henry đã thành lập các xưởng soạn nhạc và hội nghị chuyên đề với các trường dạy nhạc tại 3 nước khác bên cạnh Anh quốc là đại học âm nhạc Nam Phi, nhạc viện Thượng Hải và nhạc viện KM tại Ấn Độ.
Theo Henry: "Bản địa hóa là yếu tố quan trọng đối với nhóm chúng tôi và các thiết bị Lumia. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ văn hóa âm nhạc bản địa qua nhạc chuông nhưng cũng đồng thời tiếp nhận các xu hướng mới và yêu cầu của người dùng ngoài khu vực châu Âu và phương tây. Chúng tôi nhận thức sâu sắc về việc thế nào là được tôn trọng. Là một người phương tây, những âm thanh mà tôi cho rằng phù hợp với mình có thể sẽ không phù hợp với phần còn lại của thế giới. Do đó, làm việc với các học sinh bản địa thật sự giúp chúng tôi rất nhiều."
Henry cùng các cộng sự đã tạo ra một loạt các bản nhạc chuông bản địa hóa bằng nhiều nhạc cụ khác nhau dựa trên sự hiểu biết về văn hóa và âm nhạc dân tộc. Henry chia sẻ:
"Chúng tôi đã được thấy một số nhạc cụ rất tuyệt vời. Tại Cape Town, các học viên thuộc khoa trống tại đại học âm nhạc Nam Phi đã giới thiệu cho chúng tôi một số loại trống mà chúng tôi chưa từng biết đến. Một ngày nọ, một học viên đến xưởng và giới thiệu một loại đàn phím chơi bằng ngón tay cái có nguồn gốc từ Mozambique. Nó phát ra âm thanh rất đẹp và tôi ngay lập tức nhận ra rằng âm thanh của nó sẽ tạo ra một bản nhạc chuông tuyệt vời. Cuối cùng thì tôi đã chọn loại nhạc cụ này."
"Từ Trung Quốc, chúng tôi cũng tạo ra một số bản nhạc chuông mang âm hưởng bản địa rất hay. Tôi nhớ có một bản nhạc chuông sử dụng một loại kèn trumpet của Trung Quốc có tên Suona. Một nữ sinh viên đã soạn bản nhạc chuông, bắt đầu với tiếng chim hót sau đó kết hợp với kèn trumpet bắt chước một bản hợp ca của loài chim. Tôi rất thích ý tưởng hòa quyện âm hưởng thiên nhiên và hiện đại. Cuối cùng thì tôi đã mua 1 chiếc kèn trumpet Suona."
"Tại Ấn Độ, chúng tôi cũng soạn được nhiều bản nhạc chuông và rất nhiều trong số chúng dùng Santoor - một loại đàn nhiều dây truyền thống. Ấn Độ là một nơi hội tụ nhiều phong cách âm nhạc, thứ đã ăn sâu vào nhận thức của người dân địa phương."
Tuy nhiên, một trong những thách thức mà các học viên trường nhạc phải đối mặt là họ phải tạo ra một bản nhạc được phát ra bằng loa ngoài của điện thoại. Và đây là lúc Henry sử dụng chuyên môn của mình. Thay vì chỉ đơn giản là soạn ra đoạn nhạc chuông và đưa vào điện thoại thì Henry sẽ giúp các học viên tinh chỉnh bản nhạc.
Henry nói: "Chúng tôi đã được gợi ý nhiều ý tưởng hay nhưng khi phát bản nhạc qua một chiếc loa nhỏ thì chúng không hay cho lắm - ở đây là vấn đề méo âm và nhạc hơi rối. Thông qua các buổi phản hồi góp ý, chúng tôi đã tiến hành tinh chỉnh lại từng bản nhạc.
Thông thường mỗi bản nhạc chuông sẽ có thời lượng khoảng 20 đến 30 giây và đây cũng là một thách thức đối với các học viên. Họ không thường hay soạn các đoạn nhạc ngắn như vậy mà phải bao gồm cả phần đầu, giữa và kết thúc.
Chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều về mỗi bản nhạc chuông. Nhưng làm gì đi nữa thì mỗi bản nhạc đều cần phải thực và chính xác dù là một đoạn nhạc thính phòng hay một bản dubstep. Điều chúng tôi phải làm là tìm ra sự cân bằng giữa một thứ gì đó dễ nghe mà không có tiềm năng làm phiền đến những người xung quanh. Với các học sinh, dù bản nhạc của họ không được chọn làm nhạc chuông thì tất cả đều có được một trải nghiệm lớn và kinh nghiệm học tập."
Với mỗi bản nhạc chuông được chọn, nhóm biên soạn bản nhạc sẽ được tài trợ 1000 EUR. Bạn có thể nghe toàn bộ 20 bản nhạc chuông mới dành cho Lumia 535 tại đây.