Nhân sinh nhật thứ mười của Firefox (9/11/2014), tổ chức nguồn mở phi lợi nhuận Mozilla khẳng định: "Chúng tôi tin rằng Web phải được tự do, phải là nguồn mở, phải là của bạn. Chúng tôi không bị ràng buộc bởi lợi ích của cổ đông nào cả. Chúng tôi chỉ ràng buộc với bạn, người dùng Firefox. Chúng tôi có được sự ủng hộ của hàng ngàn người tình nguyện, hàng triệu người dùng khắp thế giới, những người tin tưởng và tranh đấu cho các quyền của mỗi cá nhân".
Chính vì không bị ràng buộc bởi lợi ích của công ty nào, Firefox luôn phải nỗ lực để tồn tại. Trong tháng 10/2014, theo dữ liệu của trang NetMarketShare, thị phần Firefox trên PC tiếp tục xu hướng giảm, chỉ còn gần 14%, nhỏ hơn thị phần của trình duyệt Chrome (21%) và Internet Explorer (58%). Trên thiết bị di động (điện thoại/máy tính bảng), trình duyệt Firefox có thị phần chưa đến 1%, kém xa các trình duyệt Safari (45%), Chrome (22%), Android (19%) và Opera Mini (8%). Trong thời đại "sau PC", Firefox chưa nhìn thấy con đường để trở lại thời hoàng kim, chưa có cách nào để chinh phục thiết bị di động.
Nhắc đến Firefox, không thể không nhắc đến trình duyệt Netscape Navigator - tiền thân của Firefox, ra đời trước Firefox mười năm (Netscape Navigator 1.0 được phát hành ngày 15/12/1994). Đối với người dùng PC làm quen với Internet trong thập niên 1990, Netscape Navigator lúc ấy gần như là biểu tượng đồng nhất với mạng Web toàn cầu. Marc Andreessen - người sáng lập Công ty Netscape - từng được ca ngợi là một trong những "chàng trai vàng" của vùng Silicon Valley.
Năm 1992, khi Mark Zuckerberg - người sáng lập Facebook - còn là cậu học sinh tiểu học, Andreessen đang là sinh viên thực tập tại trung tâm nghiên cứu NCSA (National Center for Supercomputing Applications) thuộc Đại học Illinois. Công việc của Andreesen giúp anh quen thuộc với Web trong khi Web chưa được công chúng biết đến. Trình duyệt lúc ấy còn thô sơ, chỉ có thể hiển thị văn bản và hình ảnh trên màn hình riêng biệt. Muốn xem hình nào đó được liên kết với văn bản, người dùng trình duyệt phải gõ "chỉ số liên kết" tương ứng (mỗi liên kết trong văn bản có một chỉ số).
Andreessen quyết định viết một trình duyệt dễ dùng hơn, có thể trình bày đồng thời hình ảnh và văn bản như trên trang sách, cho phép dùng chuột bấm vào liên kết trong trang đang xem để "nhảy" qua trang khác. Với sự giúp sức của Eric Bina - chuyên viên của NCSA - trình duyệt "mơ ước" của Andreessen trở thành hiện thực với tên gọi Mosaic. Mosaic lập tức được đón nhận nồng nhiệt. Cho đến nay, diện mạo của mọi trình duyệt về cơ bản vẫn giống với Mosaic.
Hiểu rõ tầm quan trọng của trình duyệt, Andreessen sáng lập công ty Netscape để kinh doanh trình duyệt Netscape Navigator - trình duyệt mới chạy nhanh hơn, nhiều chức năng hơn trình duyệt miễn phí Mosaic của NCSA. Netscape Navigator chỉ miễn phí trong lĩnh vực giáo dục. Trong năm 1995, công ty Netscape của Andreessen không có đối thủ.
Khi trình duyệt Netscape bắt đầu trở thành một loại nền tảng để phát triển ứng dụng độc lập với hệ điều hành (ứng dụng Web), Microsoft nhanh chóng vào cuộc để ngăn chặn hậu họa! Microsoft mua quyền phát triển mã nguồn trình duyệt Mosaic từ NCSA và đổ vào dự án trình duyệt Internet Explorer (IE) một khoản tiền lớn hơn giá trị của công ty Netscape. IE được cung cấp miễn phí dưới dạng phần bổ sung của hệ điều hành Windows 95.
Năm 1998, sau thời gian "chạy đua" với Microsoft, Netscape bắt đầu đuối sức. Trình duyệt nhiều chức năng IE4 vượt qua Netscape, trở thành trình duyệt phổ biến nhất thế giới, đặt dấu ấn công nghệ của Microsoft lên các chuẩn kỹ thuật của Internet, bảo vệ vững chắc vị thế của hệ điều hành Windows. Trong nỗi âu lo, Andreessen quyết định thành lập Tổ chức Mozilla theo mô hình của Tổ chức Phần mềm Tự do, nhằm phát triển mã nguồn trình duyệt Netscape, để nó không bị tiêu vong cùng với Công ty Netscape. Mozilla là từ ghép của mosaic và killa (tức killer - sát thủ), vốn là cách nói "dữ dằn" được ưa chuộng trong nhóm lập trình viên của Netscape. Mozilla lại có âm điệu giống như Godzilla, quái vật khổng lồ của điện ảnh Nhật Bản. Chính vì vậy, biểu tượng của Mozilla được thể hiện dưới dạng "khủng long bạo chúa", dường như ẩn chứa nỗi khát khao sức mạnh của kẻ yếu thế.
Những người lập trình làm việc cho Mozilla đều là người tình nguyện. Trong số những người tình nguyện trẻ măng đến với Mozilla vào năm 2000, Blake Ross và Ben Goodger đề xuất dự định giản lược và tối ưu hóa mã nguồn của Netscape Navigator để phát triển trình duyệt mới, đặt tên là Firefox, nhằm thực hiện bằng được mục tiêu quan trọng nhất: vượt trội trình duyệt IE về tốc độ trong khi chỉ dùng công nghệ mở.
Ngay khi vừa được công bố, Firefox 1.0 có hàng triệu lượt tải xuống mỗi ngày, chiếm được cảm tình của nhiều người dùng, những người đã mệt mỏi với trình duyệt IE6 đầy lỗi bảo mật do bị Microsoft "bỏ bê" trong thời gian dài. Firefox đã khởi động cuộc đua trình duyệt mới, trong đó trình duyệt dần dần trở thành nền tảng hoàn chỉnh để phát triển ứng dụng Web tinh tế, thể hiện xu hướng mà Andreessen hằng tin tưởng từ những ngày đầu của Netscape.
Khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Wired (4/2012), Andreessen khẳng định: "Tôi nghĩ rằng điều đó (trình duyệt trở thành nền tảng của mọi ứng dụng) là "mệnh lệnh công nghệ", như các nhà tư tưởng thường nói. Cứ như là công nghệ muốn điều đó xảy ra. Công nghệ giống như nước vậy, nó luôn tìm đến cái mức cần có. Mô hình của ứng dụng trên thiết bị trong tương lai là mô hình ứng dụng Web. Ứng dụng sẽ sống trên Web. Những ứng dụng di động trên nền tảng iOS và Android hiện nay là bước tạm thời hướng đến Web di động hoàn chỉnh. Bước tạm thời này có thể diễn ra trong thời gian rất dài vì mạng còn nhiều hạn chế. Nhưng tôi dám chắc rằng đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ có kết nối không dây tốc độ cao rộng khắp, khi đó mọi thứ sẽ trở về với mô hình Web".
Theo hình dung của Andreessen, ứng dụng trên thiết bị di động rốt cuộc sẽ là ứng dụng Web, nghĩa là mỗi khi được dùng trên thiết bị, ứng dụng được tải xuống lập tức. Người dùng luôn chạy phiên bản ứng dụng mới nhất trên thiết bị của mình. Sẽ không cần cài đặt ứng dụng thích hợp cho từng hệ điều hành cụ thể vì mọi loại ứng dụng sẽ đều chạy trên hạ tầng của trình duyệt. Ứng dụng Web sẽ thích nghi với các kích thước màn hình, điều khiển các bộ cảm ứng trên các thiết bị khác nhau theo cùng một cách, người lập trình không cần viết lại ứng dụng cho các thiết bị khác nhau.
Công nghệ "muốn" có nền tảng chung nhưng nếu các công ty công nghệ nhất định... không muốn? Các trình duyệt khác nhau vẫn có nhiều dị biệt ở hạ tầng, không hoàn toàn dùng công nghệ mở. Trong hệ điều hành iOS của iPhone/iPad, Apple cương quyết giữ vững vai trò độc quyền của trình duyệt Safari, không cho trình duyệt khác thay thế. Trình duyệt Chrome trên iOS thực chất chỉ là "áo khoác" biến thể nằm trên hạ tầng của trình duyệt Safari.
Không chấp nhận phát triển Firefox trên iOS do sự đóng kín nghiêm ngặt của Apple, Mozilla chỉ có thể tiến vào lĩnh vực di động với trình duyệt Firefox trên Android. Tuy nhiên, trên thiết bị di động Android, Firefox vẫn luôn ở thế yếu so với trình duyệt mặc định hoặc trình duyệt Chrome của Google. Để tạo ra điểm đột phá cho công nghệ mở, Mozilla quyết định xây dựng Firefox OS - hệ điều hành mới của thiết bị di động, hợp nhất với trình duyệt Firefox. Trên Firefox OS (phiên bản đầu được phát hành vào tháng 4/2013), mọi ứng dụng đều là ứng dụng Web. Mozilla hy vọng Firefox OS sẽ là hệ điều hành được lựa chọn cho điện thoại thông minh giá thấp.
Như để cạnh tranh với điện thoại Android One tại Ấn Độ có giá khoảng 100 USD, Firefox OS vừa xuất hiện trên điện thoại thông minh Cloud FX có giá 35 USD! Tuy nhiên, theo nhận định của tạp chí Ars Technica (7/10/2014) sau cuộc khảo sát tỉ mỉ, những ai dùng Cloud FX như điện thoại thông minh đầu tiên sẽ vĩnh viễn không còn chút hứng thú nào với điện thoại thông minh! Firefox OS là hệ điều hành mới nhưng cấu hình của Cloud FX lạc hậu ít nhất bảy năm.
Firefox OS không mong chinh phục thị trường cao cấp, nhưng "cuộc đua xuống đáy" của thị trường điện thoại vẫn đầy gian khó.
NGỌC GIAO