Pages

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Kỳ vọng gì ở các điện thoại và máy tính bảng Android trong năm 2015?

Best_Android_phone_2014.

Trong năm 2014 Google đã nâng cấp Android bằng một ngôn ngữ thiết kế hoàn toàn mới, đi kèm theo đó còn là rất nhiều những tính năng hay và hữu ích dành cho người dùng. Chúng ta có thể xem Android 5.0 như một bản cập nhật lớn nhất từ trước đến nay đối với nền tảng di động của Google. Đi kèm theo đó các hãng sản xuất cũng liên tục cải thiện sản phẩm về mặt phần cứng cũng như trải nghiệm người dùng để thu hút được nhiều khách hàng hơn. Vậy trong năm sau thì sao? Chúng ta có thể kỳ vọng những tính năng mới nào sẽ có mặt trên các thiết bị Android?

1. 64-bit, 64-bit khắp mọi nơi

Android 5.0 đã bắt đầu hỗ trợ cho điện toán 64-bit nhằm tận dụng tốt hơn sức mạnh của những con chip mới. Bạn đừng nghĩ rằng CPU 64-bit chỉ có thể được khai thác khi dung lượng trên 4GB, bởi vì các con chip được xây dựng trên kĩ thuật điện toán này còn có nhiều điểm mới về mặt hiệu năng, về tốc độ trao đổi dữ liệu giữa các linh kiện cũng như về mặt thiết kế mạch.

Qualcomm_Snapdragon_64-bit.

Thực chất thì những cải tiến đó đến từ vi kiến trúc ARMv8, vốn đang được sử dụng trên các chip mới của Apple (A7, A8), Qualcomm (Snapdragon 410, 610, 810), MediaTek, NVIDIA cũng như Samsung. Số lượng register nhiều hơn giúp các con chip ARMv8 xử lí dữ liệu một cách tốt hơn, giảm đáng kể thời gian chạy những tác vụ nặng như giải mã hoặc nén video. ARMv8 có 31 register loại general purpose (một loại bộ nhớ vừa chứa được địa chỉ, vừa chứa được dữ liệu và nằm rất gần CPU) sẵn sàng để truy cập bởi CPU bất kì lúc nào, trong khi đó ở chip ARMv7 thì số general purpose chỉ là 16 cái. Điều này có nghĩa là CPU ARMv8 sẽ tốn ít thời gian tìm kiếm dữ liệu từ cache và RAM hơn, đẩy nhanh tốc độ thực thi của hệ thống, ngay cả khi bạn không xài trên 4GB RAM.

Xem thêm: 64-bit là gì và nó giúp ích như thế nào cho chúng ta?

Cuối cùng, sự phổ biến của 64-bit còn đến từ sự đa dạng trong dải sản phẩm CPU. Qualcomm đã ra mắt hàng loạt chip 64-bit dành cho nhiều phân khúc khác nhau, từ tầm trung (Snapdragon 410) cho đến trung cận cao cấp (Snapdragon 610) và cao cấp (Snapdragon 810). Chính vì vậy, trong năm 2015, chúng ta có thể kì vọng khá nhiều smartphone và tablet sẽ được quảng bá với con số 64-bit.

2. Thời lượng pin tốt hơn, công nghệ sạc nhanh

Đây là một vấn đề xảy ra với cả những chiếc điện thoại đầu bảng trong thế giới Android hiện nay. Những thiết bị đời mới càng lúc càng mạnh mẽ hơn, càng đáp ứng được nhiều tác vụ phức tạp hơn và mang lại trải nghiệm tốt hơn nhưng nếu pin không đủ lâu thì mọi thứ sẽ không là gì cả.

Trong năm 2014 Google đã triển khai dự án Project Volta vào Android 5.0 nhằm cải thiện thời lượng pin cho nền tảng của mình. Dự án nội bộ này bao gồm rất nhiều phân tích để dẫn đến việc tối ưu mức độ tiêu thụ điện của hệ thống. Kết hợp với những con chip đời mới tiết kiệm điện hơn và công nghệ pin được cải thiện (dù chậm chạp), chúng ta có thể kỳ vọng những mẫu smartphone, tablet có thể dùng được lâu hơn sau mỗi lần sạc.
quick-charge-battery-fill_0_0.
Công nghệ sạc nhanh cũng sẽ xuất hiện phổ biến hơn. Oppo Find 7 và Samsung Galaxy Note 4 hiện là hai sản phẩm tích hợp công nghệ này, Motorola Nexus 6 cũng thế. HTC mới đây cũng ra mắt cục sạc có cường độ dòng điện lớn hơn tương thích chuẩn Qualcomm QuickCharge 2.0 để xài với những mẫu smartphone của hãng. Chính vì vậy, không có gì quá ngạc nhiên khi sạc nhanh có mặt trên nhiều thiết bị cao cấp trong năm sau.

3. Màn hình 2K phổ biến hơn, bắt đầu có 4K?

Trong năm 2014 chúng ta đã chứng kiện sự ra đời của những mẫu điện thoại màn hình 2K 2560 x 1440, chẳng hạn như LG G3, Oppo Find 7, Samsung Galaxy Note 4, Motorola Droid Turbo... Giờ đây màn hình độ phân giải rất cao này không còn là chuyện hiếm trong thế giới Android nữa, chính vì thế chúng ta có thể kỳ vọng rằng những mẫu smartphone hay tablet cao cấp trong năm 2015 sẽ tiếp tục xu hướng đó. Hình ảnh sẽ trở nên mịn màng hơn, sắc nét hơn, chữ viết hiển thị ngon lành và dễ đọc hơn, đó là những gì mà độ phân giải 2K có thể mang lại cho người dùng.

Và theo đà này, rất có thể những thiết bị Android đầu tiên sử dụng tấm nền màn hình 4K sẽ ra mắt trong năm sau, hay ít nhất là vào cuối năm sau. LG, Samsung, Sharp đều được cho là đang thử nghiệm tấm nền 4K ở các kích thước khác nhau. Trong khi đó, con chip Qualcomm Snapdragon 810 sắp có mặt trên hàng loạt mẫu smartphone, tablet đầu bảng năm 2015 cũng đã hỗ trợ cho việc xuất hình ảnh 4K ra màn hình nhờ vào sức mạnh của chip.

Man_hinh.

Nói đi thì cũng phải nói lại, cũng có khả năng smartphone Android 4K sẽ không có mặt kịp trong năm sau bởi các giới hạn về mặt sản xuất, về chi phí cũng như mức độ tiêu thụ năng lượng. Màn hình 4K có độ phân giải 3840 x 2160 pixel nên mật độ điểm ảnh rất dày đặt, chính vì thế nó cần phải được chiếu sáng mạnh hơn để đảm bảo hình ảnh đủ sáng. Nếu chỉ áp dụng thuần túy cách tăng số bóng LED của đèn nền thì sẽ làm pin nhanh hết hơn. Vậy các hãng sản xuất phải đối phó ra sao? Chúng ta hãy chờ xem.

Xem thêm: Chúng ta có thật sự cần màn hình 2K, 4K trên điện thoại?

4. Khả năng quay phim 4K phổ biến hơn, âm thanh tốt hơn

4K sẽ là độ phân giải của tương lai, và hiện tại tính năng quay video 4K đã có trên nhiều smartphone cao cấp rồi. Trong năm sau, chúng ta có thể kỳ vọng rằng tính năng này sẽ xuất hiện trên nhiều thiết bị hơn nữa. Trong bối cảnh giá màn hình hay TV 4K đang giảm rất nhanh thì yêu cầu tiêu thụ nội dung 4K của người dùng cũng sẽ tăng cao, thế nên smartphone và tablet cần phải chạy theo để đáp ứng kịp.

Am_thanh.JPG

Chưa dừng lại ở đó, âm thanh của video cũng sẽ được cải thiện. Con chip Snapdragon 810 sở hữu một thuật toán đặc biệt kết hợp với 3 micro trên smartphone để ghi lại những âm thanh quan trọng chứ không phải là tạp âm xung quanh người dùng. Ví dụ, khi bạn quay phim một ca sĩ đang hát thì phần âm nhạc mới là thứ được ghi lại, không phải những tiếng hò hét xung quanh. Cách tính năng này hoạt động tương tự như những microphone định hướng hiện nay, tức là chỉ thu âm trong một trường rất hẹp nhưng chính xác. Qualcomm chia sẻ thêm rằng công nghệ mang tên Fluence Pro này còn có thể được áp dụng khi gọi điện để loại bỏ tiếng ồn.

5. Chuẩn Wi-Fi tầm gần 802.11ad

Chuẩn mạng này còn được gọi là WiGig. Nó hứa hẹn mang lại tốc độ lên đến vài Gigabit trên băng tần 60GHz, ngoài ra nó cũng hỗ trợ thêm băng tần 2,4GHz và 5GHz truyền thống. Số lượng ăng-ten mà một thiết bị 802.11ad có thể sử dụng lên tới 10 cái, cao hơn con số 8 của 802.11ac và 4 của 802.11n.

WiGig_Wi_Fi_802_11_ad.

Ở triển lãm MWC 2014, công ty Wilocity (Israel) đã trình diễn bản mẫu của con chip "Sparrow Wil6300" 60GHz và họ đạt được tốc độ truyền tải tối đa vào khoảng 7Gbps. Tốc độ này tương đương với khả năng phát sóng của một router 802.11ac với 8 ăng-ten, trong khi con chip 802.11ad nói trên lại rất nhỏ gọn. Mới đây Qualcomm đã mua lại Wilocity để tiếp tục tích hợp chuẩn mạng mới vào các SoC di động và trước mắt sẽ có chip Snapdragon 810 hỗ trợ 801.11ad. Như vậy đồng nghĩa với việc các smartphone, tablet hàng đầu của năm 2015 sẽ có được chuẩn mạng này.

Vấn đề của WiGig đó là băng tần 60GHz có thể mang lại tốc độ cao nhưng khả năng truyền đi xa lại kém, ngoài ra việc truyền sóng xuyên qua các bức tường, chướng ngại vật cũng là một bài toán cần giải quyết. Chính vì thế, hiện tại WiGig chỉ phù hợp để truyền nội dung từ thiết bị di động sang màn hình ngoài (thông qua một đầu thu Miracast gắn vào TV hoặc màn hình) ở khoảng cách gần. Một tình huống có thể ứng dụng được 802.11ad đó là khi bạn đang trong phòng và chiếc TV cũng như smartphone của bạn ở gần nhau, lúc này bạn có thể thoải mái trình diễn những tấm ảnh hay đoạn phim mình đã chụp cho mọi người xem.

Xem thêm: Tương lai của Wi-Fi sẽ ra sao?

6. Tính năng zoom quang học

Bạn thường nhận được lời khuyên rằng khi đã xài smartphone thì đừng bao giờ zoom khi chụp ảnh. Đây là lời khuyên không sai bởi hầu hết smartphone hiện nay sử dụng kĩ thuật zoom kĩ thuật số, tức là nội suy điểm ảnh cho lớn lên mà thôi chứ không phải đưa hình ảnh lại gần cảm biến hơn về mặt quang học. Chính vì vậy mà chất lượng ảnh sẽ bị giảm đi, ảnh nhòe hơn. Một số thiết bị có sensor độ phân giải cao như Lumia 1020, 930 hay 1520 thì tận dụng sensor này để cắt cụp lại một phần ảnh mà không bị vỡ hạt.

Còn trong năm 2015, với sự giúp đỡ của Snapdragon 810, mọi thứ sẽ khác đi nhờ một công nghệ được phát triển bởi Qualcomm và Corephotonics. Công nghệ này sử dụng hai hệ thống thấu kính khác nhau - một để ghi nhận ảnh góc rộng và một cho ảnh tele - kết hợp với nhiều thuật toán để cho phép zoom quang 3x khi chụp ảnh tĩnh hoặc 5x khi quay video.

Zoom_quang.
Trái: một thấu kính 7mm telephoto tiêu chuẩn dùng cho smartphone. Phải: thấu kính 7mm telephoto của Corephotonics, nhỏ gọn hơn rất nhiều

Điều đáng nói đó là cụm camera sẽ không chạy ra chạy vào như trên các máy ảnh truyền thống, bạn cũng chẳng phải lo đến việc camera quá to làm mất thẩm mĩ bởi kĩ thuật do Corephotonics phát triển sẽ kết hợp hình ảnh từ hai hệ thống thấu kính nói trên và tạo ra một tấm hình sắc nét duy nhất. Quá tuyệt phải không nào? Ngay cả khi bạn zoom trên mức quang học 3x, 5x thì hệ thống của Corephotonics vẫn sẽ cho ra những tấm hình rõ ràng hơn so với kĩ thuật zoom kĩ thuật số hiện nay.

Tất nhiên, tính năng thì có sẵn đó, nhưng chuyện có triển khai vào sản phẩm thực tế hay không thì còn tùy thuộc vào nhà sản xuất. LG, Samsung, Sony, HTC dường như chắc chắn sẽ xài Snapdragon 810 trên các smartphone mới chạy Android của họ, nhưng không phải hãng nào cũng sẽ đưa zoom quang lên sản phẩm.

7. Chạm hai lần để mở thiết bị

Tính năng này có mặt trên hầu hết những mẫu điện thoại Windows Phone, nhưng trong thế giới Android thì chỉ có vài hãng như HTC hay LG là có đưa tính năng này vào sản phẩm của mình. Trên trang Reddit, rất nhiều người dùng đã bày tỏ ước muốn được chạm hai lần để mở màn hình thay vì phải nhấn vào nút unlock như hiện nay. Trong bối cảnh điện thoại càng lúc càng to ra, việc chạm như thế sẽ giúp người dùng thoải mái hơn so với việc với tay nhấn vào một nút nguồn nằm đâu đó ở tít phần trên của điện thoại.

8. Kết luận

Như những gì các bạn đọc ở trên, rất nhiều cải tiến của thiết bị Android sẽ đến từ Qualcomm, một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực chip di động hiện nay. Họ ra mắt các CPU mới rất mạnh mẽ và có nhiều tính năng mới vô cùng hữu ích. Nhưng chỉ Qualcomm không thì chưa đủ, cần phải có sự phối hợp triển khai từ các hãng phần cứng kết hợp với việc liên tục nghiên cứu, phát triển thì mới có thể đưa giấc mơ của người dùng thành hiện thực. Các hãng phải nghiên cứu công nghệ pin tốt hơn, công nghệ màn hình xịn và đẹp hơn, đồng thời cải tiến thiết kế sản phẩm để không chỉ mang lại những thiết bị Android tốt về mặt phần mềm và còn cả ngoại hình. Còn bản thân các bạn thì sao? Các bạn kì vọng gì ở những mẫu smartphone, tablet Android trong năm sau? Hãy bình luận ngay bên dưới nhé.