Demo & Benchmark Snapdragon 820: hiệu năng rất cao dù 4 nhân, không còn nóng, nhiều tính năng hay
Tại khu vực demo và benchmark, Qualcomm đã tiết lộ nhiều thông tin hơn về Snapdragon 820 như sạc nhanh QuickCharge 3.0, sạc không dây WiPower, bảo mật Smart Protect, Wi-Fi chuẩn ad và những cải tiến về vi xử lý ảnh, âm thanh. Bên cạnh đó, hiệu năng của Snapdragon 820 cũng đã được kiểm nghiệm với những công cụ benchmark phổ biến như AnTuTu, Geekbench, GFXBench, anh em cùng xem qua và thử so sánh với hiệu năng của chiếc máy của mình nhé.
Hiệu năng CPU: Kryo vs ARM Cortex vs Krait
Như đã công bố, Snapdragon 820 là một SoC 4 nhân Kryo - kiến trúc chip do Qualcomm tự phát triển tương tự như Krait trên Snapdragon 800 đời đầu và đây được xem là lời giải của Qualcomm đối với những hạn chế trên Snapdragon 810 vốn dùng nhân ARM Cortex-A57. Snapdragon 820 có 4 nhân Kryo 2 nhân xung cao, 2 nhân xung thấp, chế tạo trên quy trình 14 nm FinFET tiên tiến của Samsung sẽ giải quyết vấn đề về nhiệt cố hữu trên 810 đồng thời mang lại hiệu năng tốt hơn cũng như tiết kiệm điện năng hơn. Chúng ta hãy thử so sánh về thông số của Snapdragon 820 với 810 và 805.
Thiết bị mình được cho mượn để thử nghiệm benchmark là một chiếc máy tham chiếu của Qualcomm có tên Snapdragon 820 MDP/S. Đây là một chiếc phablet màn hình khoảng 6", độ phân giải 2560 x 1600 px, cấu hình gần hoàn chỉnh với SoC Snapdragon 820 MSM8996, 3 GB RAM LPDDR4, bộ nhớ 64 GB UFS, camera 21 MP (tiếc là không xài được), Wi-Fi ac, cảm biến vân tay Sense ID (cũng không xài được do bị khóa). Mình đã tiến hành benchmark bằng các phần mềm quen thuộc như AnTuTu, Geekbench, GFXBench, PCMark và 3DMark để tìm hiểu xem Snapdragon 820 có điểm số như thế nào, từ đó so sánh với điểm số của Snapdragon 810 và 805. Dưới đây là biểu đồ so sánh cũng với hình ảnh chụp màn hình mình lưu lại được từ chiếc máy tham chiếu để anh em có thể tham khảo thêm.
Điểm số AnTuTu của Snapdragon 820 trên chiếc máy tham chiếu MDP/S đạt mốc trên 130 ngàn điểm, cao hơn 2,2 lần so với Snapdragon 810 và 805 dùng kiến trúc Krait. AnTuTu là bài test tổng thể bao gồm thử nghiệm khả năng xử lý đa lõi của CPU dựa trên trải nghiệm thực tế, thử nghiệm UX với các nội dung xử lý dữ liệu, bảo mật dữ liệu, game, xử lý hình ảnh, hiệu năng truy xuất I/O.
Để có cái nhìn chính xác hơn, anh em có thể so sánh điểm số Geekbench 3. Hiệu năng xử lý đơn lõi của Snapdragon 820 rất đáng chú ý với 2 lõi hiệu năng cao xung nhịp 2,15 GHz, chỉ hơn đôi chút so với ARM Cortex-A57 trên Snapdragon 810 nhưng hiệu năng xử lý cao hơn gấp đôi. Đây là một cải tiến rất quan trọng bởi hiệu năng xử lý đơn lõi áp dụng cho phần lớn tình huống sử dụng bình thường.
Chuyển sang hiệu năng xử lý đa lõi, Snapdragon 820 với 4 lõi Kryo tiếp tục qua mặt Snapdragon 810 với 8 lõi ARM Cortex. Tuy nhiên, sự chênh lệch về điểm số chỉ đầu đó khoảng 600 điểm. Trên Snapdragon 810, thiết lập 4+4 big.LITTLE cho phép 4 lõi Cortex-A53 hỗ trợ thực thi tác vụ cho 4 lõi Cortex-A57, cả 8 lõi đều chạy ở tốc độ gần như cao nhất. Trong khi đó Snapdragon 820 có 2 lõi tiết kiệm điện năng bên cạnh 2 lõi xung cao, với chỉ 4 lõi, điều gì khiến hiệu năng của Snapdragon 820 cao hơn Snapdragon 810?
Yếu tố có thể nhắc đến ở đây là băng thông bộ nhớ và kiến trúc Hexagon 680 cải tiến. Anh em có thể xem qua bảng so sánh trên đây, băng thông bộ nhớ LPDDR4-1803 MHz được Snapdragon 820 hỗ trợ cao hơn hẳn so với LPDDR4-1555 MHz của Snapdragon 810 và LPDDR3-933 MHz của Snapdragon 805 với cả 2 tình huống xử lý đơn luồng (ST) và đa luồng (MT). Băng thông bộ nhớ cao hơn cùng với kiến trúc Hexagon 680 mới áp dụng trên vi xử lý tín hiệu DSP giúp CPU xử lý đa tác vụ hiệu quả hơn.
Mình chốt lại bài kiểm tra hiệu năng bằng PCMark Work Performance. Điểm số của Snapdragon 820 gần 6000 điểm, cao hơn 2000 điểm so với Snapdragon 810 và 805. PCMark đánh giá hiệu năng toàn thiết bị, các bài test thành phần dựa trên các tác vụ hàng ngày như lướt web, phát video, nhập liệu, chỉnh sửa ảnh và nó phản ánh hiệu năng thực tế trên thiết bị.
Hiệu năng GPU: những cải tiến trên Adreno 530 liệu có đáng kể?
Snapdragon 820 tích hợp GPU Adreno 530 mới, cao nhất trong dòng Adreno 500 hiện tại. Mặc dù thông số của nó không được Qualcomm tiết lộ tại sự kiện Asia Debut nhưng qua các phần mềm, mình xác định được con GPU này chạy ở xung nhịp khoảng 624 - 625 MHz, hỗ trợ OpenGL ES 3.1 + AEP, Renderscript, Vulkan API và OpenCL 2.0 với bộ nhớ ảo chia sẻ (SVP). Hiệu năng của Adreno 530 được cho là cao hơn 40% so với Adreno 430 trên Snapdragon 810. Chúng ta hãy cùng kiểm chứng bằng GFXBench và 3DMark.
Đầu tiên là GFXBench 3.0 với kết quả đo khung hình của các nội dung. Điều cần lưu ý là thiết bị tham chiếu của Qualcomm dùng màn hình 2K, do đó mình chỉ so sánh các điểm số Offscreen ở độ phân giải tiêu chuẩn Full HD. Có thể thấy tỉ lệ khung hình trung bình mà Adreno 530 đạt được qua các nội dung Manhattan và T-Rex ở độ phân giải 1080p đều cao hơn gần gấp đôi so với Adren 430. Như vậy bước đầu có thể thấy công bố hiệu năng cao hơn 40% của Qualcomm là hợp lý.
Tiếp theo với 3DMark Unlimited, Snapdragon 820 với Adreno 530 đạt 24529 điểm, cao hơn khoảng 1500 điểm so với Adreno 430 và Adreno 420. Cả 3 kết quả trên đều được lấy từ thiết bị tham chiếu của Qualcomm tương ứng với mỗi phiên bản Snapdragon. 3DMark Unlimited đánh giá hiệu năng thành phần (không V-Sync), tỉ lệ phân giải hiển thị và các yếu tố khác của hệ điều hành. Qua những điểm số trên, có thể thấy mặc dù xung nhịp chỉ cao hơn đôi chút so với Adreno 430 nhưng với những cải tiến về kiến trúc đã mang lại hiệu năng đồ họa tốt hơn đáng kể so với thế hệ Adreno 400.
Vấn đề về nhiệt, liệu có còn nóng?
Trên thiết bị tham chiếu MDP/S của Qualcomm, mình đã cho chạy thử Hwbot Prime nhiều lần và đo nhiệt độ. Thiết bị này có thiết kế khá dày do đó nó chưa phản ánh chính xác nhiệt độ cảm nhận được khi chúng ta dùng máy. Mức nhiệt độ mình đo được sau 2 lần chạy đầu tiên la 34 độ C, sau 5 lần chạy thì nhiệt độ cao nhất đo được là 36 độ C. Dĩ nhiên để kiểm chứng độ mát mẻ của Snapdragon 820 thì cần phải đợi một thiết bị cho người dùng cuối. Tuy nhiên với mức nhiệt độ này thì có thể nói vấn đề về nhiệt trên 810 đã được Qualcomm khắc phục. 4 lõi Kryo trong đó có 2 lõi tiết kiệm điện, DSP mới, GPU mới, Snapdragon 820 vừa đáp ứng được yếu tố về hiệu năng, vừa giảm mức tiêu thụ pin đáng kể đồng thời không phát sinh nhiều nhiệt khi tải nặng.
Demo các tính năng độc đáo trên Snapdragon 820:
Qualcomm có bố trí một khu vực demo những tính năng đáng chú ý trên Snapdragon 820. Mình cũng đã thử trải nghiệm và anh em có thể xem trong video:
Video khá dài nên anh em có thể bấm vào số phút để xem chi tiết từng tính năng:
Sạc nhanh Quick Charge 3.0 và sạc không dây WiPower: 0:00 - 1:59
Wi-Fi chuẩn 802.11ad MU-MIMO tốc độ cao: 2:00 - 3:51
Phát video 4K độ trễ thấp qua dock Wi-Fi chuẩn ad: 3:52 - 5:16
Quay phim thiếu sáng tốt hơn nhờ cảm biến Spectre ISP: 5:17 - 6:16
Khả năng render theo thời gian thật của Adreno 530 và công nghệ chiếu sáng nền EcoPix: 12:04 - end
Đầu tiên về chuẩn sạc nhanh Quick Charge 3.0, chuẩn sạc nhanh mới nhất khai thác thuật toán INOV (Intelligent Negotiation for Optimum Voltage) cho phép thiết bị xác định cường độ điện năng cần thiết đối với mọi thời điểm sử dụng, qua đó tối ưu hóa năng lượng truyền tải trong khi duy trì được hiệu năng của thiết bị. QC 3.0 cũng hỗ trợ các tùy chọn điện áp rộng hơn, từ 3,6 V đến 20 V. Theo Qualcomm thì với một cục sạc dòng cao cùng thiết bị hỗ trợ QC 3.0, bạn chỉ mất khoảng 35 phút để sạc từ 0 đến 80% pin.
Tiếp theo về chuẩn sạc không dây WiPower thì nó sử dụng công nghệ cộng hưởng từ tính trường gần NFMR (Near Field Magnetic Resonance), do đó thiết bị không bị bắt buộc phải đặt trực tiếp, chính xác lên tấm sạc không dây mà có thể để trong cự ly tối đa 10 cm, tức không cần tiếp xúc vật lý. Ngoài ra, các thiết bị WiPower sẽ cần đến nguồn điện gần 22 W để sạc, do đó Qualcomm cho biết những chiếc điện thoại có vỏ kim loại vẫn có thể sạc hiệu quả. Tốc độ sạc của chuẩn WiPower thì vẫn tương tự Qi.
Một tính năng hay mà Qualcomm không công bố trong lễ ra mắt Snapdragon 820 hôm qua là chuẩn Wi-Fi Qualcomm VIVE MU-MIMO 802.11ad. Đây là một chuẩn cải tiến dùng 3 băng tần, kết hợp giữa công nghệ VIVE 802.11ac, MU|EFX Multi-user MIMO trên băng tần 5 GHz và VIVE 802.11ad dùng băng tần 60 GHz và 2,4 GHz của 802.11n. Trên Snapdragon 810, Qualcomm đã trang bị chip Wi-Fi dùng chuẩn VIVE MU|EFX và trên Snapdragon 820, tốc độ truyền tải trên lý thuyết của Wi-Fi VIVE MU-MIMO 802.11ad cao hơn gấp 12 lần. Trong video các bạn có thể thấy rõ tốc độ truyền tải lý tưởng của chuẩn Wi-Fi này lên tới 2705 mbps trong khi ac MIMO chỉ 228 mbps.
Khai thác tốc độ truy cập cao của Wi-Fi ad, Qualcomm đã trình diễn một hệ thống truyền xuất hình ảnh giữa điện thoại và màn hình ngoài qua một chiếc Streaming dock không dây dùng chung mạng Wi-Fi ad. Mình đã thử nghiệm phát một bộ phim 4K ra màn hình ngoài và độ trễ của hình ảnh rất thấp.
Về vi xử lý tín hiệu ảnh Spectra thì trên Snapdragon 820, Spectra có thể hỗ trợ 3 camera cùng lúc với độ phân giải tối đa 25 MP, quay phim ở tốc độ 30 fps độ trễ gần 0. Cùng với sự hỗ trợ của vi xử lý tín hiệu số Hexagon 680 DSP và Adreno 530 GPU, chất lượng ảnh chụp thiếu sáng sẽ được cải thiện đáng kể. Tại sự kiện, Qualcomm không có khu vực demo khả năng chụp ảnh, chỉ demo khả năng quay phim 4K thiếu sáng. Chủ yếu là trình diễn các công nghệ thuật toán giảm nhiễu hạt, tăng chi tiết WNR (Wavelet Noise Reduction), TNR (Temporal Noise Reduction) và làm sáng vùng LTM (Local Tone Mapping). Chiếc máy tham chiếu mình không mở được camera nên không có tấm hình chụp thực tế nào, tiếc quá .
Bên cạnh khả năng chụp, quay thiếu sáng cải tiến thì Qualcomm còn giới thiệu đến một công nghệ máy học (Machine Learning) độc đáo có tên gọi Qualcomm Zeroth. Đây là nền tảng xử lý nhận thức đầu tiên của Qualcomm và hãng đã áp dụng nó lên camera, giúp camera có thể học được thói quen sử dụng của chúng ta cũng như phân biệt được hoàn cảnh chụp. Qua quá trình học hỏi, camera có thể tự động đưa ra thiết lập phù hợp tùy theo hoàn cảnh chụp, chủ thể trong ảnh cũng như hỗ trợ chúng ta sắp xếp ảnh thông minh hơn trong Album.
Không chỉ hình ảnh, Qualcomm Snapdragon 820 cũng được tích hợp chip xử lý âm thanh WSW8815 nhằm mang lại hiệu ứng âm thanh vòm 5.1 chỉ với 2 loa stereo trên thiết bị. Cách hoạt động của hệ thống này vẫn là mô phỏng và đánh lừa tai của chúng ta khi tiếp nhận âm thanh, về mặt định hướng âm thanh và độ lớn của âm. Ngoài ra, Qualcomm còn giới thiệu công nghệ bảo vệ âm thanh giúp giữ cường độ âm thanh ở mức 4 W - 8 ohm, giúp cho hệ thống loa của thiết bị không bị rè qua thời gian sử dụng.
Tính năng thú vị cuối cùng mà mình được trải nghiệm trong khu vực demo là chiếu sáng nền EcoPix. Đây là một công nghệ tích hợp trên Snapdragon Display engine, giúp tự động tăng cường độ sáng của từng điểm ảnh để mang lại khả năng hiển thị tốt nhất khi sử dụng thiết bị dưới nguồn sáng trực tiếp.
Bonus: chiếc điện thoại tham thiếu của Qualcomm, tại sao hãng không làm điện thoại nhỉ