Pages

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Sự thật về loài thủy quái khổng lồ Kraken

Truyền thuyết kể rằng Kraken là một con bạch tuộc khổng lồ sống tại vùng biển Na Uy và Iceland, chuyên dùng vòi để phá hủy và thậm chí nuốt chửng những con thuyền. Hóa ra từ lâu các nhà khoa học đã kết luận rằng Karen là một con mực khổng lồ có thật với tên khoa học là Architeuthis, sau đó khi người xưa nhìn thấy và thêm thắt một số chi tiết để trở nên một câu chuyện hấp dẫn về loài thủy quái khổng lồ, dữ tợn.

Truyền thuyết kể lại rằng con quái vật này có thể nuốt chửng cả một con thuyền cùng toàn bộ thủy thủ đoàn trên đó. Mặc dù câu chuyện đó là khá đáng sợ nhưng người ta còn cho rằng ở đâu có Kraken thì cũng kèm theo một bầy cá nhỏ, và nếu những ngư dân nào đủ dũng cảm thì có thể tận dụng thời khắc để bắt cá.

Sức ảnh hưởng của truyền thuyết này vẫn còn mạnh mẽ tại Châu Âu vào thế kỷ 18, khi mà cuộc điều tra khoa học hiện đại đầu tiên đang được tiến hành. Ngay cả Carl Linnaeus - người đã khai sinh ra hệ thống danh pháp sinh học hiện đại - đã thừa nhận sự tồn tại của con bạch tuộc này và ông xếp nó vào nhóm động vật chân đầu (Cephalopoda) thuộc lớp thân mềm trong phiên bản đầu tiên của cuốn sách Systema Naturae (1735).

muc_khong_lo_tinhte_1.
Một con mực khổng lồ được tìm thấy tại Ranheim, Na Uy và đang được đo đạc bởi nhà 2 giáo sư Erling Sivertsen và Svein Haftorn

Nhưng vào năm 1853, một con Cephalopoda đã bị mắc cạn tại bờ biển Đan Mạch, và sau đó nhà tự nhiên học người Thụy Điển Japetus Steenstrup đã tiếp cận, sắp xếp lại những cái vòi của nó và sử dụng tên khoa học Architeuthis để đặt tên cho nó Và kể từ giây phút này, một con quái vật trong truyền thuyết đã được khoa học công nhận là có thật, giúp con người có một cái nhìn khách quan hơn về loài động vật này.

Trong 150 năm tiếp theo đó, các nhà khoa học đã tìm hiểu về môi trường sống cũng như đặc tính của Architeuthis trên các đại dương khắp thế giới, và cho tới nay, người ta vẫn tranh cãi rằng liệu Architeuthis chỉ là 1 loài duy nhất hay là đại diện cho hơn 20 loài mực có kích thước lớn. Cho tới nay, con Architeuthis lớn nhất từng được ghi nhận có chiều dài 18 mét bao gồm cả cặp xúc tu rất dài. Ngoài ra người ta cũng đã phát hiện ra thêm một số mẫu vật nhỏ hơn. Nó cũng sở hữu con mắt lớn nhất trong thế giới động vật và đây cũng là một đặc điểm quan trọng giúp nó có thể sống được trong môi trường sâu từ 1100 đến 2000 mét dưới đại dương.

Giống như một số loài mực khác, cơ bắp của Architeuthis cũng có chứa amoni nhẹ hơn nước biển, giúp nó có thể nổi bồng bềnh dưới đại dương, cho phép nó có thể giữ mình ổn định mà không cần bơi lội nhiều. Và cũng nhờ vào lượng amoni trong cơ bắp này nên hương vị của nó cũng không ngon và người ta cho rằng, nhờ đó mà nó không bị đánh bắt tới mức tuyệt chủng.

muc_khong_lo_tinhte_2.
Trong nhiều năm, các nhà khoa học vẫn tranh cãi rằng con mực khổng lồ này là một thợ săn nhanh nhẹn, mạnh mẽ vồ lấy con mồi giống như trong truyền thuyết hay chỉ nằm một chỗ chờ phục kích. Sau nhiều thập kỷ tranh luận, hồi năm 2005, các nhà khoa học Nhật đã có câu trả lời bằng một đoạn phim quay được đời sống của loài mực này dưới biển. Trong đoạn phim được 2 nhà khoa học là T. Kubodera và K. Mori quay lại ở độ sâu 900 mét thuộc vùng biển Bắc Thái Bình Dương, một con mực khổng lồ tỏ ra là một vận động viên bơi lội nhanh và mạnh mẽ, dùng các xúc tu của nó để bắt mồi.

Mặc dù có ưu thế cả về kích thước lẫn tốc độ, nhưng Architeuthis vẫn có thiên địch: cá nhà táng. Cuộc chiến giữa 2 con quái vật khổng lồ của đại dương này xảy ra thường xuyên bởi lẽ người ta rất dễ tìm thấy những vết sẹo trên da của con cá nhà táng do những cái răng sắc nhọn bằng kitin nằm trong các xúc tu của con mực để lại. Tuy nhiên, Architeuthis không có đủ sức mạnh để chống lại cá nhà táng mà chủ yếu là bỏ chạy sau khi đã phóng ra một đám mực tung hỏa mù đối phương.

Mặc dù hiện nay, chúng ta đã biết rằng mực khổng lồ không chỉ là huyền thoại mà nó có thật, nhưng rất khó để quan sát bởi nó thường lẩn tránh sâu dưới biển và cứ thế, nhiều người vẫn tin rằng nó là một truyền thuyết. Mặt khác, các bộ phim và truyện thần thoại đã vô tình đưa loài vật này tiến gần tới truyền thuyết hơn là có thật, trong đó, nó cũng mang diện mạo của một con quái vật hung tợn, tấn công những con thuyền nào đi qua vùng đất mà nó cai quản.