

Trong bài viết, chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu kỹ hơn về kiến trúc đồ họa mới và hiệu năng thực tế của Radeon RX 480 dựa trên những công cụ benchmark tiêu chuẩn cùng một số tựa game nặng ở chuẩn Full HD và 2K.
Thiết kế, tính năng kỹ thuật

Radeon RX 480 là mẫu sản phẩm đầu tiên của thế hệ card đồ họa mới áp dụng quy trình sản xuất 14nm FinFET. Việc thu nhỏ quy trình sản xuất giúp việc đặt nhiều bóng bán dẫn hơn trên cùng kích thước đế bán dẫn so với quy trình cũ.
Cụ thể hơn với công nghệ FinFET 14nm, RX 480 mới tích hợp đến 5,7 tỷ bóng bán dẫn (transistor) trên kích thước đế chỉ 232 mm². So với GPU cũ là Radeon R9 380 chỉ có 5 tỷ transistor nhưng cần đế silicon lớn hơn, đến 359 mm².


Cũng theo AMD cho biết xung nhịp tiêu chuẩn RX 480 là 1.120 MHz và có thể đạt 1.266 MHz khi tăng tốc. Bộ nhớ GDDR5 dung lượng 8GB xung nhịp (mem clock) 8.000 MHz và độ rộng băng thông bộ nhớ 256 bit. Bên cạnh đó, AMD cũng ra mắt một phiên bản giá rẻ của RX 480 với 4GB GDDR5 nhằm cạnh tranh tốt hơn trong phân khúc đồ họa dưới mức 200 USD. Điểm khác nhau nữa là xung bộ nhớ bản RX 480 4GB GDDR5 chỉ đạt 7.000 MHz.

Về thiết kế, Radeon RX 480 có nhiều nét tương đồng với mẫu Radeon Fury X. Kiểu dáng đẹp với tông màu đỏ đen truyền thống. Hệ thống tản nhiệt dạng hộp kín với khối tản nhiệt áp trực tiếp lên GPU, quạt làm mát lồng sóc đẩy không khí qua các lá nhôm nằm ken dày theo suốt chiều dài card trước khi thoát ra ngoài qua các khe thoát nhiệt ở mặt sau, hạn chế sự gia tăng nhiệt độ bên trong thùng máy.
Các ngõ xuất tín hiệu hình ảnh gồm HDMI 2.0b và có đến 3 ngõ DisplayPort 1.4. Tất nhiên thế hệ card mới của AMD cũng không hỗ trợ xuất tín hiệu dạng analog nên không thể dùng với các màn hình VGA cũ. Trên thực tế thì điều này không ảnh hưởng đến việc sử dụng vì hầu hết nhà sản xuất đã loại bỏ cổng VGA và thay bằng HDMI. Thông qua các kết nối tiêu chuẩn tiên tiến, RX 480 có khả năng xuất tín hiệu hình ảnh, âm thanh dạng nén lẫn không nén ở độ phân giải 4K HDR @120Hz hoặc chuẩn 5K @60Hz.


Cấu hình thử nghiệm


Bên cạnh những công cụ quy chuẩn đánh giá tổng thể hiệu năng là 3DMark và Heaven Benchmark 4.0, Tinhte cũng kiểm thử khả năng chiến game ở độ phân giải Full HD và 2K (2.560 x 1.440 pixel). Quá trình thử nghiệm, hệ thống chạy với thông số thiết lập mặc định của nhà sản xuất và kết quả các phép thử chỉ được ghi nhận sau ba lần test.

Cũng cần nói thêm việc chọn tựa game nào làm công cụ benchmark phải thể hiện được sự nhất quán, ổn định và kết quả nhận được đáng tin cậy, có thể dùng đối chiếu với những sản phẩm từng thử nghiệm trước đó.
Đánh giá hiệu năng


Kết quả này đủ để bạn có được trải nghiệm tốt với những cung đường bụi bặm, gai góc và không chút màu mè của DiRT 3, thành phố nổi Columbia trong Bioshock Infinite hoặc thót tim khi chứng kiến Lara Croft rơi vào những tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc trong Tomb Raider.

Cụ thể qua phép thử đồ họa 3DMark Fire Strike, cấu hình thử nghiệm đạt 10.887 điểm tổng thể, trong đó Graphic đạt 12.077 điểm và CPU là 24.241 điểm. Tương tự trong phép thử 3DMark Cloud Gate đạt 37.470 điểm tổng thể, trong đó điểm Graphic là 71.934 điểm.
Với Heaven Benchmark, một phép thử có khá nhiều nét tương đồng với 3DMark nhưng nhấn mạnh công nghệ Tessellation, RX 480 đạt 93,9 fps với thiết lập đồ họa mặc định và đạt 49,5 fps ở chế độ Ultra, thiết lập đồ họa Extreme.

Với các game thử nghiệm ở độ phân giải 2K, chẳng hạn Tomb Raider - dòng game được phát triển một phần dựa trên công nghệ AMD Gaming Evolved đạt đến 85,5 fps chất lượng đồ họa High và giảm còn 50,3 fps khi đẩy các thiết lập đồ họa lên mức cao nhất. Riêng Thief 4, một tượng đài trong thể loại stealth action cũng đạt 73,5 fps và thấp nhất là 54,5 fps. Tham khảo chi tiết trong bảng kết quả bên dưới.

Công suất tiêu thụ

Như đề cập trên, thiết kế card dựa trên kiến trúc mới là GCN 4 nên có khả năng kiểm soát tốt hơn mức tiêu thụ điện năng trong khi vẫn đạt được hiệu suất như mong muốn. Chính vì vậy, không chỉ có hiệu năng cao hơn mà RX 480 còn có mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn thế hệ card cũ khi chạy ở mức tải tối đa (full load). Cụ thể trong phép thử đồ họa 3DMark và chơi game trong môi trường văn phòng, nhiệt độ trung bình khoảng 28 độ C, công suất tiêu thụ của hệ thống ghi nhận qua phần mềm Logger Lite là là 351,6 watt.
Tổng quan sản phẩm
Sau 4 năm "trung thành" với công nghệ 28nm, AMD đã có bước chuyển mình với thế hệ card đồ họa Polaris mới được sản xuất theo quy trình 14 nm, mang lại sức mạnh tính toán cao hơn đồng thời vẫn giữ được mức tiêu thụ năng lượng thấp.

Tuy chưa đạt được những kỳ vọng của người dùng nhưng kết quả thử nghiệm thực tế cho thấy sức mạnh vượt trội của RX 480 so với mẫu card thế hệ cũ là R9 380X và cả GeForce GTX 960 của Nvidia; thậm chí cũng không hề kém cạnh GTX 970 trong một vài phép thử.
Xét về giá, RX 480 có mức giá đề nghị 239 USD, tức khoảng 5,38 triệu đồng và đây là một trong những lựa chọn hấp dẫn nhất hiện nay do được đánh giá cao về tỷ suất hiệu năng và giá. Thích hợp với số đông người dùng trong khi vẫn đảm bảo khả năng chơi mượt các game offline ở độ phân giải 1440p với thiết lập chất lượng đồ họa cao mà vẫn vượt ngưỡng 60 fps.

Tuy nhiên tại Việt Nam, RX 480 bản 8GB hiện đang bị "làm giá" cao hơn đáng kể so với mức giá đề xuất của AMD. Điều này đã làm sản phẩm kém phần hấp dẫn, khả năng cạnh tranh không cao trước các sản phẩm phân khúc tầm trung khác của Nvidia.
Xem thêm một số kết quả thử nghiệm RX 480
[Xem tin khác]