Pages

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

NASA thử nghiệm máy bay điện, hướng đến mục tiêu trở thành 'Tesla của bầu trời'

Tại NASA, một thử nghiệm có thể thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp hàng không đang được tiến hành: một chiếc máy bay hoạt động hoàn toàn bằng điện. Khi xe điện được tung ra trên toàn thế giới, nó giảm đi nhu cầu thanh toán cho việc mua nhiên liệu hóa thạch, và Cơ quan Hàng không & Vũ trụ Mỹ đang muốn làm điều đó trên bầu trời, bằng phương tiện tên là X-57 hay " Maxwell".

Maxwell là chiếc máy bay một chỗ ngồi nhỏ gọn, sử dụng động cơ đẩy vận hành nhờ điện, thay vì phải đốt cháy nhiên liệu. Nó sở hữu tổng cộng 14 động cơ điện bố trí đều hai bên cánh.

Được biết sự ra đời của mẫu máy bay nói trên là một phần của dự án "New Aviation Horizons" trị giá 790 triệu USD thuộc NASA, một chương trình kéo dài 10 năm với tham vọng thay thế máy bay phản lực chạy xăng, bằng loại phương tiện yên tĩnh và 'xanh' hơn. Ông Charles F. Bolden Jr - giám đốc NASA, cho biết: "X-57 sẽ có những bước tiến khổng lồ đầu tiên, trong việc mở một kỷ nguyên mới của ngành hàng không".

NASA cho rằng Maxwell có thể sẵn sàng cất cánh trong vòng 4 năm tới, và ngay sau đó là sự xuất hiện của các mẫu máy bay điện khác thuộc dòng X-plane, với khả năng chở được nhiều người hơn cũng như hàng hóa. Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu tại NASA cũng đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm đối với Greased Lightning GL-10, một phiên bản máy bay điện không người lái.


Tất nhiên, Maxwell sẽ không phải là chiếc máy bay đầu tiên có thể hoạt động mà không cần đến một giọt nhiên liệu nào. Tháng 4 vừa qua, máy bay năng lượng mặt trời Solar Impulse do Thụy Sĩ sản xuất đã hạ cánh xuống California, sau chuyến bay kéo dài 2 ngày rưỡi băng qua Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, tốc độ lại không phải là điểm mạnh của nó, vốn chỉ đạt được 48 ~ 64 km/h. Trong khi đó, máy bay Maxwell được cho là có thể sẽ đạt tốc độ lên đến 282 km/h. Nếu thành công, NASA cho biết công nghệ mới sẽ được áp dụng để Maxwell có thể 'tung cánh' trên bầu trời, và đối tượng mà họ hướng đến là những khách hàng tư nhân.

Mục tiêu trở thành 'Tesla của bầu trời'

Không riêng gì NASA, các nhà sản xuất hàng đầu trong ngành công nghiệp máy bay được cho là cũng đang lao vào cuộc đua, nhằm trở thành một 'Tesla của bầu trời'.

Nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus Group và hãng điện khí Siemens AG của Đức tháng 4 vừa qua cho biết họ có kế hoạch cho 200 kỹ sư làm việc cùng nhau, nhằm phát triển công nghệ điện hoặc hybrid (động cơ truyền thống kết hợp động cơ điện), có thể được sử dụng trong ngành hàng không vũ trụ. "Chúng tôi đang đổ một số tiền đáng kể vào nỗ lực đó", Tom Enders - Giám đốc điều hành Airbus, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Ông cho rằng những chiếc máy bay lai điện 100 chỗ ngồi đầu tiên, sẽ tung cánh trên bầu trời vào năm 2030.

máy-bay-nasa_tinhte_03.jpg

Airbus năm ngoái đã thử nghiệm máy bay điện 2 chỗ ngồi mang tên E-Fan, trong hành trình bay qua eo biển Anh. Chiếc máy bay này sử dụng pin lithium để cấp năng lượng cho chuyến bay kéo dài 36 phút, cho thấy vẫn còn một chặng đường dài, trước khi công nghệ pin đủ phát triển để được dùng cho các máy bay lớn hơn.

Trong khi đó, hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Boeing hiện đang làm việc trên một mẫu máy bay chỉ sử dụng động cơ phản lực khi cất cánh, và chuyển sang năng lượng điện trong suốt chuyến bay. Cánh tay công nghệ của Lầu Năm Góc - cơ quan nghiên cứu các dự án Quốc phòng tiên tiến (DARPA), cũng đang hoạt động với các đối tác bao gồm nhà sản xuất động cơ Rolls-Royce Holdings và Honeywell International, nhằm cho ra đời loại máy bay không người lái sử dụng động cơ đẩy hybrid - điện.

Tế bào nhiên liệu hydro có thể cho phép máy bay chở khách vận hành mà không cần động cơ chính phải hoạt động, từ đó giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ và tiếng ồn. Một ý tưởng đầy hứa hẹn khác cũng được đưa ra: Khai thác động năng tạo ra từ chuyển động xoay các bánh xe trong quá trình cất và hạ cánh, chuyển nó thành năng lượng điện có thể sạc pin của máy bay. Ýtưởng này đã được sử dụng trong những chiếc xe đua công thức 1, cho phép nó lưu trữ năng lượng từ phanh, sau đó dùng để tạo ra lực đẩy đáng kể nhằm vượt qua các đối thủ trên đường đua.

máy-bay-nasa_tinhte_01.jpg

Máy bay phản lực hiện đại đã tiết kiệm nhiên liệu hơn so với 40 năm trước hơn 70%, tuy nhiên, chi phí hiện tại dành cho nhiên liệu của ngành hàng không, luôn là những con số khổng lồ. Các hãng hàng không trong năm nay dự kiến sẽ đốt cháy 80 tỷ gallon nhiên liệu. Ngay cả những lúc giá dầu thấp như hiện nay, hóa đơn nhiên liệu hàng năm vẫn vào khoảng 127 tỷ USD cho ngành công nghiệp hàng không.

Do đó, việc tạo ra những chiếc máy bay vận hành một phần nhờ điện hoặc dùng điện 100%, chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc cách mạng đối với lĩnh vực hàng không, tương tự như những gì CEO Tesla - ông Elon Musk đã và đang làm với ngành công nghiệp ô tô.

Tham khảo: CNN, Wall Street Journal
 
[Xem tin khác]