Để đưa ra kết luận nói trên, trợ lý giáo sư Daniel Belsky đến từ Đại học Duke (Carolina, Mỹ) cùng các cộng sự của ông, đã tiến hành thu thập dữ liệu đối với một nhóm 918 tình nguyện viên ở New Zealand, hiện nay đều đã 40 tuổi. Được biết, những người này được chọn để nghiên cứu từ lúc mới chào đời. Sau ngần ấy năm, lượng thông tin mà các nhà khoa học thu được vô cùng lớn, bao gồm tất cả mọi thứ về các cá nhân, từ độ tuổi mà họ bắt đầu biết nói, biết đi và sử dụng bô để đi vệ sinh, cho đến mọi hoạt động, công ăn việc làm, sức khỏe, trí thông minh, sự tự chủ và tính cách của họ. "Chúng tôi có một bức tranh phong phú về họ", Belsky cho biết.

Daniel Belsky - trưởng nhóm nghiên cứu. Ảnh: WSJ
Gen 'mã hóa' thành công
Khi Belsky và các đồng nghiệp của ông phân tích hồ sơ di truyền của những tình nguyện viên New Zealand, họ phát hiện những người có điểm số polygenic cao hơn không chỉ có trình độ học vấn cao hơn, mà còn có biểu hiện tích cực ở các mặt khác nhau. Ở tuổi 38, họ đã có một công việc tốt, thu nhập cao, nhiều tài sản và quản lý tài chính một cách tốt hơn.
Không phân biệt xuất thân giàu hay nghèo, những người có điểm polygenic càng cao càng có nhiều khả năng có địa vị xã hội cao hơn, và giỏi hơn so với cha mẹ của họ. Tuy nhiên, theo giáo sư tâm lý học Robert Plomin tại Đại học Hoàng gia London (Anh), "bạn sẽ không thể dự đoán địa vị xã hội dựa trên di truyền học". Ông cho rằng đó có thể chỉ là một dấu hiệu mang tính khuyến khích.
Ngoài ra, nhóm của ông Belsky cũng phát hiện những người thành công với điểm polygenic cao, thường dễ thương và thân thiện hơn, ngay khi họ còn bé hoặc đã lớn. Tuy nhiên, có một số khía cạnh mà điểm polygenic không phản ánh được, đó là sự hài lòng với cuộc sống và sức khỏe.
Điều chỉnh tỷ lệ thành công

Ảnh: Shutterstock
Theo các nhà khoa học, điểm số này có thể chỉ chiếm vài phần trăm trong sự khác biệt giữa các cá thể, và tất nhiên, còn có nhiều yếu tố khác quyết định đến cuộc đời của một con người. Tuy nhiên, nếu phát hiện này có thể đưa đến sự ra đời của một phương pháp, nhằm tinh chỉnh tỷ lệ thành công cho toàn bộ dân số dù chỉ rất nhỏ, tác động tổng thể có thể rất lớn, theo Belsky.
Ví dụ, ông phát hiện ra rằng những người có điểm polygenic cao thường có xu hướng học đọc khi họ còn nhỏ. Trong khi đó, hành động này được cho là có liên quan mật thiết đến đến những thành công sau này trong cuộc sống. "Bạn có thể cho rằng chúng ta nên đầu tư phát triển kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng đọc ngay trong giai đoạn đầu của trẻ nhỏ", Belsky nói.
"Điều quan trọng là mọi người công nhận và tôn trọng điểm số về di truyền", giáo sư Plomin cho biết. "Khi con trẻ làm điều gì đó không tốt, chúng ta đổ lỗi cho giáo viên và cha mẹ chúng, nhưng trẻ em khác nhau về mặt di truyền. Bên cạnh đó, điểm polygenic thấp không chứng minh một đứa trẻ không có khả năng học tập, nhưng ta nên chấp nhận rằng chúng sẽ phải nỗ lực hơn".
Lựa chọn khó khăn

Ảnh: Newscientist
Đôi khi, chỉ một gia tăng nhỏ trong tỷ lệ thành công của một đứa trẻ, cũng có thể đưa đến những kết quả ngoài mong đợi. Trong quá trình thụ tinh ống nghiệm, nhiều phôi được tạo ra, trước khi chúng được chọn để cấy vào tử cung. Khi sàng lọc, các nhà nghiên cứu phôi thai sẽ tìm kiếm dấu hiệu cho thấy đó là phôi thai khỏe mạnh. Trong một số trường hợp, các phôi này cũng được kiểm tra gen, nhằm xác định xem chúng có mắc phải những căn bệnh di truyền nào không. Trên lý thuyết, ở giai đoạn này, các nhà khoa học hoàn toàn có thể biết được điểm polygenic đối với mỗi phôi, cho phép cha mẹ chọn ra phôi mà tỷ lệ thành công của đứa bé trong tương lai là cao nhất.
"Bạn có thể làm được điều đó, mặc dù một số người có thể cảm thấy lo sợ trước ý tưởng này", theo giáo sư Richard Olson đến từ Khoa Tâm lý học của Đại học Colorado ở Boulder (Mỹ), người chuyên nghiên cứu những tác động của di truyền và môi trường đến kỹ năng đọc và các kỹ năng liên quan.
Mặc dù vậy, Belsky - tác giả chính của nghiên cứu cho rằng ông không ủng hộ việc lựa chọn phôi dựa trên điểm số polygenic, một phần vì có rất nhiều gen liên quan, và chúng ta cũng hoàn toàn lường trước được tất cả các tác động mà nó gây ra. "Nếu chúng ta được phép lựa chọn, chúng ta cũng có thể sẽ chọn những kết cục khác nhau, bao gồm cả kết cục ít được mong muốn".
Tham khảo: Sciencedaily, Psychological Science, Ảnh: Newscientist
[Xem tin khác]