Cả 2 đều có thiết kế tương tự nhau về hình dáng lẫn kích thước. Bộ đôi này thể hiện nhiều sự đổi mới của Logitech khi mà hãng đã thiết kế dựa trên ý kiến người dùng và trải nghiệm của các game thủ chuyên nghiệp đến từ team Cloud9.

Chất liệu được Logitech sử dụng cho cả 2 bàn phím là nhựa cứng, hoàn thiện khá tốt với bề mặt vỉ phím được xử lý dạng mềm, không ám dấu vân tay và trông khá bền. Trong khi đó các viền phím được xử lý dạng bóng, tăng thêm cảm nhận cao cấp nhưng cũng khá dễ trầy nếu như chúng ta bảo quản không kỹ. Phần dây cáp được hoàn thiện rất tốt với dây cáp dày, bọc sợi rất chắc chắn.

Mặt dưới của cả 2 bàn phím đều có thiết kế rất chắc chắn với nhiều miếng cao su chống trượt và 2 chân chống cỡ lớn cho góc mở khoảng 7 độ. Tuy nhiên, do phần viền khá cao nên để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cũng như ngăn ngừa tình trạng mỏi và các chân thương tay sau thời gian sử dụng thì mình khuyến anh em nên mua thêm một miếng kê cổ tay. Logitech không tặng kèm phần kê cổ tay cho 2 chiếc phím này, khá dở!

Với kích thước bằng nhau, layout của G610 Orion và G810 Orion Spectrum cũng y hệt nhau. Ngoài hệ thống phím chính, phím numeric thì cả 2 đều có thêm các phím đa phương tiện và phím cuộn cỡ lớn để điều chỉnh âm lượng. Phím cuộn này cũng là một đặc điểm thiết kế truyền thống trên những chiếc bàn phím chơi game của Logitech. Ngoài ra trên bàn phím còn có một phím giúp khóa nhanh cụm phím Windows và Context Menu giúp loại trừ nguy cơ bấm nhầm khi đang chơi game.
Điểm khác biệt giữa 2 chiếc bàn phím này nằm ở loại switch nó sử dụng, hệ thống đèn nền backlit và keycap.
G810 Orion Spectrum dùng switch Romer-G - một loại switch đặc biệt do Logitech hợp tác cùng Omron phát triển. Loại switch này từng được hãng sử dụng trên 2 dòng phím cơ trước đó là G310 Atlas Dawn và G910 Orion Spark. Ưu điểm của loại switch này là nó có tốc độ kích hoạt rất nhanh, chỉ 5 mili giây, lực nhấn 45 g. Theo Logitech thì tuổi thọ của switch Romer-G lên đến 70 triệu lần nhấn, cao hơn 40% so với switch Cherry. Cảm nhận của mình đối với loại switch này là nó khá giống Cherry MX Brown về lực nhấn và cảm nhận xúc giác do cũng có tactile pump nhưng hành trình thì ngắn hơn một chút.
Điểm mình thích nhất và cũng là ưu điểm lớn nhất của switch Romer-G là nó có thiết kế rỗng ở giữa, do đó Logitech đã tích hợp vào giữa switch một thanh tinh thể để truyền ánh sáng từ bóng LED dưới lên giữa tâm keycap. Từ đó hiệu ứng chiếu sáng của đèn LED với switch Romer-G tốt hơn, ánh sáng được tập trung vào phần ký tự mà không bị lọt sáng xuống nền phím. Khi sử dụng ban đêm, mọi thứ đều đen thui chỉ riêng các ký tự phát sáng, tạo sự kích thích cao khi sử dụng. Qua phần mềm Logitech Gaming Software thì chúng ta có thể tùy biến hệ thống đèn với 16,8 triệu màu sắc, tùy biến trên từng phím và nhiều chế độ sáng khác nhau.

Do thiết kế không giống ai nên switch Romer-G phải dùng keycap được thiết kế riêng. Dưới keycap có 4 chấn kết nối với switch thay vì một chân trụ được khoét hình dấu + như keycap dùng cho switch Cherry hay Kailh, Gretech thông thường. Đây cũng là điểm hạn chết lớn nhất đối với G810 Orion Spectrum cũng như switch Romer-G bởi chúng ta khó có thể tìm mua và tùy biến keycap trên chiếc bàn phím này.

Điểm đáng khen của Logitech với G810 Orion Spectrum đó là hãng đã rút kinh nghiệm từ G910 Orion Spark, thay đổi kiểu thiết kế keycap thành dạng cylindrical keycap - tiêu chuẩn hơn thay vì kiểu diamond shape với nhiều góc cạnh mà hãng đã dùng trên G310 và G910. Nhờ vậy trải nghiệm gõ phím trên G810 Orion Spectrum khá tương đồng với những chiếc phím cơ dùng switch Cherry. Tuy nhiên, do thiết kế keycap đặc biệt, rỗng hơn và switch Romer-G cũng rỗng ở giữa nên khi nhấn xuống, chúng ta sẽ nghe thấy tiếng bộp bộp không giòn chắc như tiếng của keycap và switch Cherry.

Chuyển sang người anh em song sinh G610 Orion thì chiếc bàn phím này cá nhân mình nghĩ rằng sẽ tiếp cận được nhiều người dùng hơn bởi nó mang thiết kế y hệt G810 Orion Spectrum nhưng lại sử dụng switch Cherry MX. Logitech phát hành cả 3 phiên bản switch Cherry cho dòng phím này gồm Red, Blue và Brown do đó tên gọi của G610 Orion sẽ kèm theo loại switch được dùng. Tại Việt Nam theo mình được biết thì có cả 2 phiên bản switch là Brown và Blue.

Không cần phải nói nhiều nữa về switch Cherry bởi sự ưa chuộng của cộng đồng dùng phím cơ truyền thống và phím cơ game thủ. G610 Orion đáp ứng được nhu cầu tùy biến bằng keycap, mang lại trải nghiệm rất quen thuộc. Phiên bản G610 Orion Brown dùng switch Cherry MX Brown có lực nhấn vào khoảng 45 g và có tactile pump mang lại cảm giác phản hồi với đầu ngón tay mỗi khi nhấn xuống.
Thiết kế bàn phím và layout tương tự như G810 Orion Spectrum nhưng G610 Orion chỉ tích hợp đèn LED màu trắng. Mặc dù vậy, các tính năng tùy biến vẫn tương tự như G810 Orion Spectrum đó là tùy biến đèn trên từng phím và các chế độ sáng khác nhau. Mặc dù chỉ có 1 màu trắng nhưng bạn cũng có thể tùy biến sang các màu đơn sắc như xám, xám tro … Mình dùng chiếc phím này nhiều hơn so với G810 Orion Spectrum bởi đã quen với switch Cherry, nhược điểm vẫn là thiết kế phím hơi cao và cần phải có kê tay để có thể gõ thoải mái hơn. [Xem tin khác]