Châu Âu xây mạng cho Internet of Things, nhưng các thiết bị sẽ hòa mạng hay không?
KPN, một công ty viễn thông ở Hà Lan, vừa thông báo hồi tháng trước rằng họ đã phủ sóng một mạng Internet of Things trên phạm vi cả nước. Anh em có thể tưởng tượng mạng này giống như mạng di động của chúng ta, nhưng thay vì dùng cho điện thoại thì sẽ dùng cho các cảm biến, bộ điều khiển, máy quan trắc, hệ thống thời tiết... nói chung là những thứ Internet of Things. Mạng IoT đó có chi phí thấp, mức độ sử dụng điện ít và hiệu quả. Các mạng tương tự cũng đang được xây dựng ở Pháp, Đức, Hàn Quốc và rất nhiều nơi khác, nhưng vẫn còn đó câu hỏi liệu những thiết bị IoT đã sẵn sàng để hòa vào mạng này hay chưa. Nếu không có mạng, sẽ không có thiết bị IoT. Nếu không có IoT, mạng sẽ bị bỏ phế.
Hiện tại, giám đốc KPN Jacob Groote cho biết họ đã kí được hợp đồng để kết nối 1,5 triệu thiết bị vào mạng của mình. Tuy nhiên, trong số 1,5 triệu đó có rất nhiều thiết bị hiện tại vẫn còn chưa được kết nối vào Internet, và ngay cả khi chúng đã connect rồi thì cũng sẽ không tạo được một nguồn doanh thu đủ lớn và có tác động mạnh tới tình hình tài chính của KPN.
Theo lời Groote, KPN thấy được cơ hội cho nhiều nhóm đối tượng khách hàng khác nhau:
Chính phủ: sử dụng các cảm biến để quản lý cơ sở hạ tầng, ví dụ như cảm biến mực nước đặt tại các khu vực hẻo lánh
Doanh nghiệp: họ sử dụng cảm biến IoT để giám sát đèn tín hiệu, an ninh, chiếu sáng (hiện tại ở Rotterdam đã có một con đường dành cho xe đạp với hệ thống chiếu sáng điều khiển bằng sản phẩm IoT).
Người tiêu dùng: theo dõi thú cưng, dụng cụ tìm xe, thiết bị đo quãng đường đã tập luyện
KPN hiện tại đang chịu hết chi phí xây dựng mạng, tuy nhiên công ty không nói họ đã đầu tư bao nhiêu. Các chuyên gia nói rằng sẽ khá rẻ để làm một mạng IoT, trong khi để làm một hạ tầng 4G thì phải tốn nhiều tỉ USD cho phần cứng, mua bản quyền, giấy phép các thể loại. Mạng IoT này cũng chạy trên băng tần không cần đăng kí với chính quyền địa phương. Để bù lại chi phí đã bỏ ra, KPN cung cấp gói cước cho từng thiết bị hoạt động trên mạng, vào khoảng 4,50$ đến 16,50$ một năm tùy lượng dữ liệu ra sao.
Đây chính là mấu chốt của vấn đề: Các hãng phần cứng, IoT có sẵn sàng hòa mạng hay không? Pedro de Smit, quản lý của Clickey, một công ty thiết kế phần cứng cho KPN và các mạng IoT khác, cho biết: "Vấn đề về doanh thu chỉ bắt đầu xảy ra khi mà mạng đã xuất hiện". Kể từ khi KPN chính thức phủ sóng mạng lưới của họ thì Clickey cũng nhận thấy việc tăng doanh số. Và để giữ mức tăng này hay đẩy nó lên cao hơn, de Smit đưa ra một số yếu tố như sau:
Mạng sẽ phải chạy được các tính năng về vị trí, ví dụ để theo dõi xem thùng hàng đang nằm đâu trên đường vận chuyện (tính năng này sẽ có vào cuối năm 2016)
Mạng sẽ cần phủ sóng rộng hơn, không chỉ bó hẹp trong biên giới quốc gia. Siemens, Shimano và nhiêu công ty khác đang làm vụ này nhưng họ sẽ chỉ thật sự nhảy vào cuộc chơi lớn khi độ phủ địa lý đủ rộng. Sẽ cần vài năm nữa để đạt được điều này.
KPN không phải là công ty duy nhất làm mạng dạng này. SigFox - một startup ở Pháp - cũng cho biết họ đã xây dựng một mạng bao phủ 340 triệu người ở 22 quốc gia khác nhau. Công ty đã kiếm được hơn 100 triệu USD tiền đầu tư chỉ trong năm 2015 và đang dùng tiền đó để mở rộng nhanh nhất có thể. Theo Thomas Nicholls, phó chủ tịch SigFox, mục tiêu của công ty ông là nhanh chóng hạ giá đăng kí thuê bao cho từng thiết bị xuống mức thấp nhất có thể. Đây là các để các công ty sớm nhảy vào tham gia mạng lưới với số lượng lớn và thu hút người dùng mới. Hiện tại, các khách hàng lớn nhất của SigFox đang trả khoảng 1$/thiết bị/năm, tổng cộng có hơ 7 triệu thiết bị đã đăng kí. Theo ước tính của Nicholls, để phủ mạng ở một quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha chỉ cần "vài triệu" thuê bao là đủ tiền xây dựng.