Thiết bị này do Nima - một công ty con của MIT phát triển và nó cũng mang tên gọi Nima. Nima có thiết kế hình tam giác, khá nhỏ gọn. Muốn biết thức ăn có chứa Gluten hay không, chúng ta chỉ việc trích một phần nhỏ thức ăn, cỡ bằng hạt đậu là được và cho vào một khay nhỏ tích hợp trên thiết bị. 2 đến 3 phút sau, màn hình trên Nima sẽ hiển thị kết quả.
Theo thống kê thì chỉ riêng tại Mỹ, có khoảng 3 triệu người mắc bệnh Celiac và những thiết bị như Nima sẽ có đối tượng người dùng rất lớn. Những rối loạn tự miễn dịch do ăn phải thức ăn có Gluten có thể dẫn đến những tổn thương ruột, do đó những bệnh nhân Celiac luôn phải cẩn trọng đối với thức ăn.

Cảm biến Nima có thể tìm ra gluten trong thức ăn với hàm lượng 20/1 triệu hoặc cao hơn. Để thực hiện điều này, Nima sử dụng một cơ chế phát hiện protein bằng kháng nguyên (immunoassay), khai thác các thể kháng nhạy cảm với Gluten và một khi có sự hiện diện của các phân tử Gluten trong thức ăn, thể kháng sẽ liên kết với chúng và bị đổi màu. Một cảm biến quang học sẽ thu nhận sự thay đổi này và biểu tượng mặt méo được hiển thị trên màn hình của Nima.
Cảm biến cũng giúp người dùng theo dõi kết quả kiểm tra Gluten bởi nó có thể đồng bộ qua một ứng dụng Nima trên điện thoại. Ứng dụng cho phép người dùng nhập thông tin về những gì họ ăn và điều quan trọng là những thức ăn không Gluten hoặc có Gluten đều được chia sẻ với những người dùng Nima khác, từ đó gợi ý cho các bệnh nhân Celiac những nơi có bán thức ăn không chứua Gluten.
Đối với Nima, cảm biến phát hiện Gluten chỉ là bước đầu tiên và MIT cũng đã lên kế hoạch tung ra 2 thiết bị tương tự vào năm 2017 với khả năng phát hiện thành phần đậu phộng (lạc) và bơ. Nima đang thuyết phục các nhà hàng sử dụng cảm biến này để phê chuẩn thức ăn không Gluten trên menu và hiện tại đã có một vài nhà hàng ở San Francisco dùng thử Nima.
Theo: Gizmag
[Xem tin khác]