Pages

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

[Bình luận] Chuyện về cái cảm biến vân tay trên smartphone, hành trình tìm ông tổ

Ngày Tết cũng là dịp anh em chơi công nghệ ngồi lại tán chuyện, câu chuyện hôm nay mà mình gặp xoay quanh cái cảm biến vân tay trên smartphone. Mấy ông bạn thì thi nhau bàn luận cái điện thoại nào có cảm biến vân tay trước. Ông dùng iPhone thì cứ chắc nịch rằng iPhone 5S đi đầu - đúng nhưng không phải đầu tiên, ông dùng Android thì khoe "Tui xài cảm biến vân tay từ thời Motorola Atrix". Mình thì biết đến cảm biến vân tay trên điện thoại kể từ thời Windows Mobile. Vậy rốt cuộc đâu là smartphone đầu tiên trang bị cảm biến vân tay?

HP 8710p.jpg
Cảm biến vân tay dạng quẹt mở trên HP Compaq 8710p.
Hẳn nhiều anh em cũng đang thắc mắc, cái cảm biến vân tay nó xuất hiện trên điện thoại thông minh từ bao giờ? Mình chắc mẻm rằng mặc dù đến lúc này chúng ta mới được dùng cảm biến vân tay nhiều như vậy, tiện lợi như vậy nhưng kỳ thực chúng ta đã thấy cái thứ được gọi là cảm biến vân tay từ rất lâu trước đây. Không phải trên điện thoại mà là laptop. Thật vậy bản thân mình biết đến cảm biến vân tay, quẹt ngón tay qua là mở khi thấy nó trên chiếc laptop của ThinkPad, sau đó mình cũng dùng một vài chiếc máy dòng doanh nhân của HP (như 6910p) và phát hiện ra nó gần như là một trang bị bảo mật tiêu chuẩn trên mọi chiếc máy laptop doanh nhân và máy trạm.

Mình từng rất ghiền Windows Mobile cũng như những thiết bị thời những năm đầu 2000 được gọi là PPC hay PDA. Đây có thể xem là những chiếc smartphone đầu tiên, thường hướng đến đối tượng doanh nhân và cũng là công cụ hỗ trợ rất đắc lực đối với các doanh nghiệp nhờ nền tảng Windows Mobile. PPC hay PDA giống như chiếc máy tính chạy Windows thu nhỏ và cảm biến vân tay cũng xuất hiện từ đó. Cụ thể hơn:

Toshiba G500.jpg
Toshiba là hãng đầu tiên ra mắt điện thoại có cảm biến vân tay với chiếc đầu tiên là Toshiba G500 nắp trượt rất huyền thoại và hiếm có ra mắt năm 2007, sau đó là G900 bàn phím trượt và G910 vỏ sò. Mình thì từng có cơ hội sở hữu phiên bản Toshiba G910 mở vỏ sò hao hao O2 Xda Exec, cũng được tích hợp cảm biến vân tay tại cạnh máy. Toshiba G500 là một sản phẩm thuộc dòng Portege doanh nhân, nó chạy Windows Mobile 5.0 Smartphone thời mới ra mắt, có màn hình 2,3" bé tẹo phân giải QVGA, dùng con CPU được xem là khá mạnh lúc đó là Intel Xscale PXA270 tốc độ 312 MHz, RAM 64 MB và camera chính 2 MP.

Toshiba G900 G500.jpg
Toshiba Portege G900 (trái) và G500 (phải) đều có cảm biến vân tay ở mặt sau.
Mình có một anh bạn từng chơi con máy này, nó rất là ngầu, trượt ra thì cảm biến vân tay nằm ở mặt sau của màn hình. Dĩ nhiên với cái vị trí không mấy thuận lợi này cùng với công nghệ cảm biến vân tay đời cũ là vuốt qua để mở thành ra trải nghiệm sử dụng cảm biến vân tay trên G500 không sướng như bây giờ. Nói chung ít khi dùng đến và cũng chỉ là một trang bị để đi khoe giữa mấy ông chơi PDA với nhau :D.

Toshiba G910.jpg
Con G910 (hình trên) mình từng dùng qua thì cảm biến nằm ở cạnh máy, cũng dạng quẹt để mở y hệt G500 và dễ dùng hơn tí. Tuy nhiên do Windows Mobile không phải là một hệ điều hành hiện đại như bây giờ nên vai trò của cảm biến vân tay đúng nghĩa là mở khóa máy, mình phải mở cái màn hình vỏ sò ra và quẹt ngón tay qua cảm biến để mở. Nếu so với thao tác nhập code mở khóa thì nó quá chậm.

First PDA fingerprint.jpg
Nối gót Toshiba, các hãng làm PDA đình đám thời đó như HTC, Acer (sau khi mua lại Eten Glofiish), Motorola hay thậm chí LG cũng đã ra mắt những chiếc điện thoại chạy Windows Mobile tích hợp cảm biến vân tay. HTC có con P6500 (Sedna) to như cục gạch hỗ trợ 2 thẻ nhớ mà gần đây có một bạn đăng bán lại trên nhattao; Acer có con M900 bàn phím trượt ngang, màn hình to; LG thì có con Expo GW820 hỗ trợ đèn chiếu Pico mà mình từng làm trên tay năm 2010 còn Motorola có ES400 chạy Windows Mobile 6.5.3 cũng hỗ trợ cảm biến vân tay ở mặt sau nhưng chiếc máy này chủ yếu dùng trong doanh nghiệp.


Sau này Windows Mobile chết, Android thế chỗ thì cảm biến vân tay cũng biến mất một thời gian. Hẳn anh em còn nhớ thời điểm năm 2011 thì ngoài những thiết bị chạy Android của HTC như Dream, Magic thì Motorola cũng rất nổi đình nổi đám với dòng Droid và cũng chính hãng này đã đem cảm biến vân tay trở lại trên con Atrix. Chiếc máy này cũng định hướng đến doanh nghiệp và là chiếc đầu tiên khai mở cho ý tưởng biến điện thoại thành laptop với phụ kiện Atrix Laptop Dock. Và rồi Atrix cũng chết yểu, cảm biến vân tay một lần nữa biến mất.

iPhone 5S.jpg
Mãi đến năm 2013 khi iPhone 5S ra mắt thì cảm biến vân tay mới được khai thác nhiều hơn. Lý do đơn giản là iPhone 5S có thể xem là chiếc điện thoại đầu tiên được trang bị cảm biến vân tay dạng chạm mở, mở rất nhanh và tiện dụng. Thời điểm này Apple vẫn là đầu tàu, iPhone vẫn là thiết bị đầu bảng mà mọi nhà sản xuất điện thoại khác phải đeo bám. Do đó trên thị trường cũng xuất hiện nhiều mẫu điện thoại Android tích hợp cảm biến vân tay, điển hình nhất là HTC One Max và Pantex Vega LTE-A.

HTC One Max.jpg
Nếu như iPhone 5S đi đầu xu hướng cảm biến vân tay đặt ở nút Home tại mặt trước máy thì HTC One Max và Pantex Vega LTE-A đại diện cho trường phái cảm biến đặt tại mặt sau. Lần này mình có cơ hội dùng cả 2 chiếc máy là iPhone 5S và HTC One Max nhưng phải thừa nhận rằng cảm biến vân tay của One Max quá cùi bắp. Một phần là do kích thước máy quá lớn, cảm biến đặt cao khiến ngón tay khi với tới thì không chính xác, một phần do công nghệ cảm biến phản hồi chậm và nhận diện cũng không ngon. Trong khi đó iPhone 5S có cảm biến vân tay ngon hơn hẳn. Hãng này đã mua lại công ty AuthenTec chuyên làm cảm biến vân tay vào năm 2012 và cảm biến trên iPhone 5S chính là sản phẩm đầu tiên sau thương vụ này.

LG V10.jpg
Nối gót iPhone 5S, cảm biến vân tay tiếp tục được trang bị trên nhiều mẫu điện thoại cao cấp trong suốt những năm 2014, 2015, bắt đầu với Samsung Galaxy S5. Samsung tích hợp trên dòng Galaxy cao cấp, LG cũng đưa lên dòng G5, V10, Sony Xperia cũng có, tích hợp vào phím nguồn, Google Nexus và hàng loạt các nhà sản xuất điện thoại đến từ Trung Quốc, điển hình là Xiaomi, Huawei. Theo thống kê thì tính đến nay có hơn 70 smartphone Android tích hợp cảm biến vân tay.

iPhone vs Galaxy.jpg
Với phiên bản Android 6.0, cảm biến vân tay đã được tích hợp sâu hơn và hỗ trợ nhiều chức năng hơn trên Android thay vì chỉ khóa mở máy, tương tự như Touch ID trên iOS kể từ thế hệ iPhone 6 khi cho phép đăng nhập vào dịch vụ iTunes, thanh toán trên App Store và hỗ trợ thanh toán qua Apple Pay. Kể từ iPhone 6S thì Apple đã trang bị cho máy thế hệ cảm biến vân tay thứ 2, cho tốc độ nhận dạng nhanh gấp đôi so với thế hệ đầu trên iPhone 5S, 6 và SE. Và những thiết bị Android cũng đã nhanh chóng chạy theo xu thế này khi trang bị cảm biến vân tay nhanh không kém.

Redmi Note 3.jpg
Cảm biến vân tay hiện đang xuất hiện trên không chỉ những thiết bị di động cao cấp mà cả giá rẻ, tầm trung và không ngạc nhiên khi một ngày nào đó, cảm biến vân tay sẽ trở thành một trang bị gần như không thể thiếu trên điện thoại. Hết tích hợp vào nút Home, nút nguồn hay tại mặt lưng, cảm biến vân tay trong thời gian tới sẽ được tích hợp vào màn hình.

Trên đây là những chia sẻ dựa trên hiểu biết và thông tinh mình thu lượm được. Anh em kỳ vọng gì về công nghệ này trong tương lai? Mời anh em bình luận bên dưới :).