Pages

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Đánh giá card ASUS GTX 1080 Ti Poseidon Platinum: Dòng siêu khủng, tản nhiệt hybrid, 25 triệu

Lấy tên vị thần biển cả trong thần thoại Hy Lạp, ASUS GTX 1080 Ti Poseidon là một trong những dòng card cao cấp nhất hiện nay tại Việt Nam. Tản nhiệt hybrid kết hợp giữa nước và khí của sản phẩm này không những độc đáo mà còn khiến bạn phải tốn thêm cả khối tiền để xây dựng hệ thống tản nhiệt nước để khai thác hết khả năng của nó. Đây không chỉ đơn thuần là một chiếc card dành để chơi game, nó là chiếc card dành cho những game thủ chịu chơi nhất.

Poseidon_asus-5.jpg
Thông số kỹ thuật
  • Tên sản phẩm: ASUS Poseidon GTX 1080 Ti Platinum
  • Chip đồ hoạ: Nvidia GeForce GTX 1080 Ti
  • Tiến trình sản xuất: 14 nm
  • Số nhân CUDA: 3584
  • Xung nhịp: 1708 MHz boost
  • Bộ nhớ đồ hoạ: 11 GB GDDR5X 352 bit
  • Chuẩn giao tiếp: PCIe 16x 3.0
  • Cổng cấp nguồn phụ: 2 cổng 8 pin
  • Bộ nguồn đề xuất: 600 W
  • Bảo hành: 3 năm
  • Giá bán tham khảo tại Việt Nam: 25 triệu đồng
Chắc chắn sẽ có rất nhiều bạn tự hỏi vì sao lại phải bỏ ra số tiền cao ngất ngưởng để mua, rồi phải cần cả dàn tản nước để tận dụng tối đa khả năng của ASUS Poseidon GTX 1080 Ti Platinum (mình sẽ gọi tắt là Poseidon để bạn dễ theo dõi). Và nếu bạn nghĩ như vậy thì gần chắc chắn bạn không phải là đối tượng mà ASUS cũng như các dòng card siêu cao cấp khác hướng đến. Đối tượng mà thương hiệu Đài Loan hướng đến là những bạn muốn sở hữu cho mình một chiếc card độc đáo và sẵn sàng chi ra số tiền khổng lồ để thoả mãn đam mê của mình.

Thiết kế cực kỳ ấn tượng
Tản nhiệt hybrid kết hợp giữa nước-khí

Poseidon_asus-1.jpg
Điều đầu tiên đập vào mắt bạn chính là ngoại hình của chiếc Poseidon cực kỳ sang chảnh. Từng chi tiết được chăm chút đến mức tối đa có thể. Mặt nạ được thiết kế theo phong cách "cyber" với sự kết hợp giữa 2 tông màu đen-xám đem lại cảm giác cực kỳ hiện đại. Một điểm thú vị là so với dòng STRIX, ngôn ngữ thiết kế của Poseidon được tối ưu để bạn ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên thay vì phải chờ đến khi lên đèn.

Poseidon_asus-11.jpg
Một phần trong hệ thống tản nhiệt Hybrid của Poseidon là 2 cánh quạt gió được thiết kế với công nghệ cánh quạt độc quyền của ASUS cho phép tối ưu lượng gió tạo ra. Bạc đạn của cánh quạt này đạt tiêu chuẩn chống bụi IP5X giúp tăng cường tuổi thọ hoạt động, đặc biệt là ở môi trường nhiều bụi như ở Việt Nam chúng ta. Bên cạnh đó dĩ nhiên cũng không thể thiếu công nghệ 0 dB, chỉ kích hoạt quạt khi nhiệt vượt ngưỡng 55 độ.

Poseidon_asus-15.jpg
Phần còn lại là hệ thống block tản nhiệt nước được tích hợp, sử dụng van tiêu chuẩn G 1/4 inch cho phép bạn có thể dễ dàng kết nối Poseidon vào hầu hết các hệ thống tản nhiệt nước custom của máy tính hiện nay.

Poseidon_asus-12.jpg
Poseidon_asus-13.jpg
Mặc dù có kích thước khá "gọn" so với một dòng card cao cấp, Poseidon cực kỳ nặng khi bạn cầm lên. Điều này là bởi vì ASUS họ đã thiết kế một khối lá tản nhiệt tuy nhỏ gọn nhưng lại cực kỳ nhiều lá đem đến khả năng tản nhiệt không kém gì những dòng to bự. Trọng lượng này cũng đem đến cảm giác rất sang chảnh cho Poseidon.

Poseidon_asus-7.jpg
Phía sau card chúng ta vẫn có ốp lưng đặc trưng của ASUS, không quá nổi bật nhưng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ bo mạch PCB phía sau cũng như chống cong card.

Poseidon_asus-6.jpg
Poseidon_asus-8.jpg
Ngoài ra thì bạn cũng sẽ thấy những đặc điểm của card cao cấp như hệ thống cấp nguồn phụ 8+8 pin và chân cắm chạy SLI. Bo mạch chủ Poseidon được thiết kế lại hoàn toàn để cho phép nó có khả năng hỗ trợ ép xung tốt hơn, nếu không muốn nói là tốt nhất trong tất cả các dòng card GTX 1080 Ti của ASUS hiện nay.

Poseidon_asus-4.jpg
Một trong những điểm nhấn trong thiết kế của Poseidon là hệ thống đèn được thiết kế rất ư là thông minh cho phép phản chiếu cực kỳ độc. Chiếc card mà mình trên tay là hàng trưng bày nên phần bề mặt đèn này đã bị trầy khá nhiều. Tuy vậy đây cũng là một điểm trừ nhỏ trong sự hoàn thiện tổng thể của Poseidon.

Poseidon_asus-10.jpg
Ở phiên bản cao cấp này, ASUS hào phóng cho chúng ta một chân cắm đèn WRGB và tận 3 chân cắm quạt. Cá nhân mình thì cũng không hiểu vì sao mà họ lại nghĩ người dùng cần nhiều quạt đến vậy, nhưng thôi có mà không dùng còn tốt hơn lúc dùng mà không có.

Poseidon_asus-3.jpg
Về phần kết nối thì chúng ta vẫn có đầy đủ các cổng ăn chơi, với 2 DisplayPort, 2 HDMI và 1 DVI. Và tiếp đến là tiết mục lên đèn:

Poseidon-1.jpg


Hiệu năng xứng tầm đầu bảng
Để thử nghiệm hiệu năng của Poseidon, mình xây dựng cấu hình như sau: CPU Core i7-7700K, mainboard MSI Z270 GAMING M7, 32 GB Corsair Vengence RGB DRR4-3200, 512 GB M.2 WD Black SSD, PSU Raider 650 W, hệ điều hành Windows 10. Tất cả phép thử đều ở thiết lập cấu hình tối đa và không bật khử răng cưa (trừ khi mặc định có sẵn như Rise of The Tomb Raider). Lưu ý là để cho đồng bộ, tốc độ khung hình trong bảng mình sử dụng hệ số 100 (chẳng hạn như 60 fps thì trong bảng sẽ là 6000).




Với các thông số giống nhau, cũng không mấy ngạc nhiên khi kết quả của Poseidon cũng gần giống với người anh em GTX 1080 STRIX OC. Và dĩ nhiên, nó cũng cho phép bạn cân tốt tất cả các trò chơi hiện nay, ngay cả ở độ phân giải 4K. Do mình không có tản nhiệt nước nên không thể test được hết khả năng hệ thống tản nhiệt Poseidon, vì vậy các bạn tạm tham khảo trạng thái của card khi chỉ dùng tản khí.

Poseidon_test-1.jpg Poseidon_test_x-1.jpg

Ở phía góc trái bạn sẽ thấy tình trạng của card khi chơi game, được lấy bằng ứng dụng MSI After Burner. Phần GPU chúng ta có lần lượt là hạn mức điện năng (99%), nhiệt độ (75 độ), mức tải GPU (99%), bộ đếm quạt (0%), mức độ quạt (64%), tốc độ quạt (1521 RPM), xung nhịp (1974 MHz). Môi trường test là phòng máy lạnh 24 độ. Các trò chơi lần lượt là Battlefield 1, Rise of The Tomb Raider, Witcher 3: Wild Hunt, Doom 2016, Rainbow 6 Siege.

Về cơ bản, nếu chỉ sử dụng quạt thì nhiệt độ của Poseidon không mấy ấn tượng, tuy nhiên vẫn đủ để cho phép xung nhịp boost lên đến 1974 MHz (mặc định công bố của hãng là 1708 MHz). Đứng ở góc độ tích cực, đây là mức khởi điểm rất tốt, vì khi sử dụng thêm tản nước thì card sẽ mát hơn rất nhiều. Cũng cần lưu ý là hiệu quả của tản nước phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng dàn của bạn (linh kiện, cách đi ống, nước,...), nhưng về lý thuyết thì tản nhiệt nước thì thường sẽ hiệu quả hơn tản khí.

Kết luận

Poseidon_asus-16.jpg
Ưu điểm:
  • Dòng siêu cao cấp
  • Thiết kế đẹp
  • Hoàn thiện tốt
  • Tản nhiệt hybrid nước-gió
  • Hiệu năng cao
  • Có thể hoạt động độc lập
Nhược điểm
  • Giá siêu cao
  • Cần dàn tản nhiệt nước để khai thác hết khả năng
  • Phần đèn ROG dễ trầy
ASUS ROG Poseidon 1080 Ti Platinum là dòng card sinh ra để dành cho các hệ thống máy sử dụng tản nhiệt nước. Chiếc card này hoàn toàn có thể hoạt động độc lập, tuy nhiên bạn sẽ không thể tận dụng hết khả năng của nó (về thiết kế và tản nhiệt, còn hiệu năng thì không ảnh hưởng). Một sản phẩm chỉ dành riêng cho các bạn game thủ không chỉ muốn sở hữu một chiếc card màn hình mạnh mẽ mà còn độc đáo, và dĩ nhiên là không quá quan trọng chi phí :D