Cung cấp năng lượng cho búp bê là một cục pin nhỏ và trong quá trình hoạt động, hệ thống không có bất kỳ kết nối nào đến dữ liệu đám mây. Toàn bộ chi phí cho sự kết hợp giữa con chip và búp bê chỉ khoảng 128 đô la Mỹ, cho thấy việc sản xuất một sản phẩm với trí tuệ nhân tạo đảm đương một chức năng cơ bản nào đó không hề cao như chúng ta nghĩ.
"Trong tương lai gần, chúng ta sẽ thấy vô số những cặp mắt ở khắp mọi nơi. Chúng không chỉ dõi theo mà còn cố gắng giúp đỡ chúng ta", phó giáo sư Oscar Deniz đến từ trường đại học Castilla-La Mancha ở Ciudad Real (Tây Ban Nha), người đứng đầu dự án, cho biết. Gần đây, một số tiến bộ của AI trong việc tương tác với con người có thể kể đến như thuật toán nhận dạng đồ vật, đọc khẩu hình miệng, đưa ra các quyết định đơn giản và hơn thế nữa. Có lẽ sẽ không lâu nữa tất cả những khả năng này sẽ được đưa vào một con chip nhỏ giá rẻ, sau đó đặt nó bên trong các thiết bị tiêu dùng và tung ra thị trường.
"Chúng ta sẽ có các thiết bị đeo, đồ chơi, drone, robot nhỏ và những điều chúng ta thậm chí không thể tưởng tượng được. Tất cả đều có trí thông minh nhân tạo cơ bản", Deniz nói. Một trong những ưu điểm của con chip do nhóm nghiên cứu vừa phát triển là không cần internet, đồng nghĩa với việc nó sẽ đảm bảo được tính riêng tư của người dùng.
Năm ngoái, một con búp bê thông minh tên My Friend Cayla cũng đã thu hút rất nhiều tranh cãi vì nó không thể hoạt động mà không đồng bộ với đám mây. Để nhận ra những gì đứa trẻ nói, robot này lúc bấy giờ đã gửi các đoạn âm thanh tới kho dữ liệu trên mây sau đó mới đưa ra câu trả lời thích hợp. "Tớ có thể cho cậu biết một bí mật", một đứa trẻ có thể nói với món đồ chơi thông minh của nó và búp bê trả lời, "chắc rồi, cậu nói đi".
Trẻ em có thể chia sẻ hết những tâm tư trong cuộc sống với "người bạn" của nó, sau đó những thông tin này sẽ được ghi lại và gửi đến trung tâm dữ liệu. Rõ ràng, đó không phải là điều các bậc phụ huynh mong muốn ở món đồ chơi thông minh của con họ. Trong khi đó ở thời điểm hiện tại, dự án của Deniz tập trung vào việc xử lý dữ liệu từ máy ảnh thay vì microphone, nhưng vấn đề gần như giống nhau.
Theo Massimiliano Versace thuộc Đại học Boston, việc chạy thuật toán thị giác máy tính nội bộ cũng rất quan trọng trong nhiều tình huống. Một chiếc xe hơi đang di chuyển với tốc độ 120 km/giờ thật sự không có đủ thời gian để lục tìm tất cả các quyết định có trong đám mây vì thiếu băng thông. Do đó, những quyết định này cần phải được thực hiện ngay lập tức trong khả năng mà nó sẵn có.
"Hôm nay chúng ta sống trong một thế giới mà các thiết bị đều câm nín. Nhưng ngày mai, chúng ta sẽ sống trong một thế giới mà các thiết bị có thể suy nghĩ", Versace mô tả. Rời khỏi sự lệ thuộc vào đám mây là một bước đi quan trọng đối với AI, ông nói.
Theo: NewScientist