Pages

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Câu chuyện OnePlus 5: sinh ra để chứng minh OnePlus có thể làm camera tốt

Nhờ vào chuỗi cung ứng ngày càng phát triển mà giờ đây ai cũng có thể làm điện thoại vỏ kim loại, ai cũng có thể đặt hàng bộ xử lý mạnh mẽ nhất, cài Android và tạo ra vẻ ngoài xịn cho máy, nhưng nói về camera thì AppleSamsung vẫn đang dẫn đầu. iPhone 7 Plus và Galaxy S8 thật sự cho ra những bức ảnh ấn tượng, và cũng chỉ mới có Google là có thể tiệm cận được hai ông lớn này hồi năm ngoái. Và OnePlus sẵn sàng chấp nhận thách thức này trên chiếc smartphone mới nhất của họ: OnePlus 5.

Bạn nào coi được tiếng Anh thì có thể xem video hấp dẫn của mấy anh The Verge ở đây

OnePlus từ lâu đã được biết tới là một hãng làm máy mạnh, đẹp, xịn, ngoại hình tốt và giá tương đối hấp dẫn. Nó còn được cập nhật phần mềm nhanh nữa. Nhưng về mặt camera, OnePlus vẫn chưa thể chứng minh được vị trí của mình và vẫn còn ở khoảng cách xa so với hai đối thủ lớn của mình. Carl Pei, một trong những đồng sáng lập OnePlus, nhận xét: "OnePlus 3 có thể cạnh tranh được với những chiếc flagship khác, nhưng camera chỉ mới là một cái camera tốt chứ chưa đạt tới mức đáng kinh ngạc".

Do đó, trên chiếc OnePlus 5, công ty tập trung toàn bộ nguồn lực của mình để khắc phục vấn đề này. Mục tiêu được đề ra rất cụ thể: đưa tiêu chuẩn cao của OnePlus về mặt thiết kế, ngoại hình, phần cứng lên camera. Điều này sẽ giúp OnePlus giành lại được sự quan tâm của người dùng nói chung và của những fan OnePlus nói riêng vì khi đó họ vẫn có trong tay một cái smartphone xịn, đẹp, chụp ảnh ngon mà không phải chi nhiều tiền như các đối thủ.

Tất nhiên, OnePlus 5 năm nay sẽ không rẻ như những đời trước, và đây là một trong những cái giá phải trả để có được một sản phẩm tốt hơn. Đây sẽ là chiếc điện thoại đắt nhất mà OnePlus từng kinh doanh.

Lam_ra_OnePlus_5_tinhte_1.jpg

OnePlus không phải là một startup, nó được sở hữu bởi tập đoàn BBK Electronics, cũng là công ty sở hữu Oppo và Vivo, nhưng bản thân OnePlus luôn cố gắng để mình hoạt động như là một công ty khởi nghiệp. Họ đang có 700 người, ít hơn con số vài chục nghìn mà Apple và Samsung, Google đang có trong tay. Họ cũng không làm ra nhiều dòng máy khác nhau, chỉ dồn sức vào làm 1 sản phẩm duy nhất mỗi năm và vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy điều này sẽ thay đổi. Điều này giúp OnePlus có thời gian phát triển sản phẩm chỉ khoảng 12 tháng, thay vì 18 đến 24 tháng như các công ty smartphone khác. Nhưng đây cũng là một hạn chế vì OnePlus không thể tạo ra những công nghệ mới theo cách mà đối thủ đang làm vì thiếu nhân sự và quy mô.

Dù sao thì OnePlus cũng đã tận dụng tốt vị trí của mình tại Thâm Quyến. Đây là thiên đường của phần cứng, và theo lời Lau thì đây là nơi tuyệt vời nhất thế giới nếu bạn đang có ý định làm phần cứng. Công ty của bạn sẽ không chỉ gần các nhà máy mà còn gần những nhà cung ứng nữa. Anker cũng vì lý do này mà quyết định "dời đô" từ Mỹ sang Thâm Quyến làm nơi đặt công ty.

Shezen là một thành phố rất độc đáo. Năm 1980, đây là thành phố đầu tiên được chính phủ Trung Quốc chỉ định làm đặc khu kinh tế, nhờ vậy Thâm Quyến được phép vận hành với các quy định về kinh doanh khác với phần còn lại của đất nước. Điều này giúp Thâm Quyến bùng nổ và nhanh chóng trở thành thủ đô công nghệ của Trung Quốc. Tất cả những nhà cung ứng quan trọng cho việc làm ra một cái điện thoại đều tập trung tại đây.

Lam_ra_OnePlus_5_tinhte_5.jpg

Và với một công ty nhỏ như OnePlus, việc đặt trụ sở ở Thâm Quyến cho phép họ liên hệ với các đối tác nhanh chóng, dễ dàng hơn, tạo được những nguyên mẫu mau lẹ hơn. Các hãng lớn như Apple, Samsung có tiền và nguồn lực để mau sắm đồ cho phòng thí nghiệm của riêng họ, còn OnePlus thì không nên buộc phải dựa vào các đối tác bên ngoài. "Ví dụ, nếu chúng tôi muốn làm một nguyên mẫu, chúng tôi có thể gọi một cuộc vào ngày hôm nay và bản mockup đó sẽ nằm trong tay chúng tôi vào ngày mai. Rất nhanh", Lau cho biết. "Một số người nói rằng phần mềm có thể thay đổi nhanh, và ở Thâm Quyến, bạn có thể làm mới phần cứng nhanh như vậy".

Nhưng ngay cả khi có lợi thế địa lý như vậy, OnePlus không phải lúc nào cũng tìm được những linh kiện tốt nhất. Như Apple hay Samsung, cả hai đều tự làm chip của mình rồi, Samsung thậm chí còn tự làm được pin, màn hình nữa. Những linh kiện này sẽ chỉ được dành riêng cho máy flagship của hãng và phải rất lâu chúng mới được bán ra ngoài, hay trong trường hợp của Apple là không bao giờ cung cấp cho bên thứ ban sử dụng cả.

Với OnePlus 5, điều này có nghĩa là họ không thể sử dụng cái màn hình dài dài mà LG và Samsung đang xài. "Đây cũng là thứ mà chúng tôi muốn thử, nhưng chúng tôi không có đủ nguồn lực hoặc không thể tiếp cận được những màn hình này".

Lam_ra_OnePlus_5_tinhte_4.jpg

Thế là Lau quyết định toàn bộ nỗ lực của công ty giờ sẽ tập trung vào làm ra một cái camera tốt hơn. OnePlus 5 sử dụng camera kép và đây là lần đầu tiên họ làm điều đó. Hiện smartphone camera kép không hiếm, nhưng mỗi hãng có một cách làm khác nhau. LG sử dụng ốc góc rộng, Huawei dùng làm camera trắng đen tăng độ tương phản.

Còn OnePlus chọn đi theo con đường mà Apple đã đi, kết hợp giữa ống góc thường và ốc tele. "Từ năm ngoái chúng tôi đã cân nhắc tới việc sử dụng camera kép, nhưng chúng tôi nhận thấy rằng chi phí để giáo dục người dùng biết về chức năng này quá cao." Lau chia sẻ. Nhưng kể từ khi Apple ra mắt iPhone 7 Plus, hàng loạt quảng cáo, hàng loạt bài viết, hình ảnh, cũng như các câu chuyện truyền miệng từ người này sang người khác đã giúp rất nhiều người biết về camera kép và công dụng của nó. "Chúng tôi phải cảm ơn Apple vì đã giúp giáo dục thị trường giùm chúng tôi".

Camera chính của OnePlus 5 có độ phân giải 16MP, khẩu f/1.7, do Sony sản xuất. Camera thứ hai cũng do Sony cung cấp với ống tele, f/2.6 và độ phân giải 20MP. OnePlus nói rằng đây là hệ thống camera kép có độ phân giải cao nhất hiện nay được dùng cho smartphone.

Để mua được những linh kiện này, OnePlus đã nhờ vào sức mạnh của Oppo (vì một phiên bản tương tự cũng đã được xài cho Oppo R11). Nhưng sau khi mua xong, mọi thứ khác từ phần mềm và phần cứng đều do kĩ sư của OnePlus chịu trách nhiệm, Oppo không tham gia vào bước nào thêm.

Lam_ra_OnePlus_5_tinhte_6.jpg

Chiếc camera thứ hai của OnePlus 5 có tác dụng như một ống zoom, đồng thời cho phép chụp ảnh chân dung giống như iPhone 7 Plus. Máy sẽ giả lập hiệu ứng chiều sâu giống như khi bạn chụp bằng DSLR. Lau nói: "giá trị lớn của camera kép với khách hàng chính là chế độ chân dung. Cũng có công nghệ giúp camera đơn làm được chuyện này nhưng kết quả không tốt".

Việc đưa camera kép vào mặt sau điện thoại làm nảy sinh nhiều thách thức mới mà OnePlus 5 chưa gặp bao giờ. Ví dụ, nó chiếm gấp đôi không gian, chiếm gấp đôi diện tích, ngoài ra cả 2 camera đều phải có độ bền như nhau xuyên suốt vòng đời smartphone. Chỉ một cái hỏng là coi như nguyên cụm camera phải vứt đi. OnePlus cho hay 2 cụm camera trên OnePlus 5 đã được ép chặt với nhau để chúng không bị lệch vị trí.

Lam_ra_OnePlus_5_tinhte_3.jpg

Nó cũng ảnh hưởng tới thiết kế của điện thoại. OnePlus 3 đặt camera ở chính giữa, nhưng điện thoại camera kép thì không thể làm vậy. "Bởi vì cụm camera kép lớn nên phần gù lên cũng sẽ quá lớn. Để giảm độ mỏng, chúng tôi buộc phải tìm chỗ khác, và chỗ được chọn là góc trên bên trái của máy". Kết quả là mặt sau của OnePlus 5 trông giống với iPhone 7 Plus, nhưng OnePlus nói rằng không có cách nào khác cả. "Thật khó để làm camera kép với hai cái lỗ mà điện thoại vẫn đẹp và trông không ngớ ngẩn".

Và với chiếc camera kép này, OnePlus phải bỏ sức cho phần mềm nhiều hơn là phần cứng. Đến 80% thời gian phát triển camera cho OnePlus 5 là viết phần mềm. Họ cũng phải tìm cách tận dụng được sức mạnh từ bộ xử lý tín hiệu mà Qualcomm cung cấp kèm với con chip Snapdragon. Bằng cách này OnePlus sẽ không phải tự làm chip xử lý hình ảnh của riêng mình, nhưng tính ra thì họ vẫn phải làm nhiều việc để nó hỗ trợ tốt nhất cho camera kép. "Hai cảm biến cần rất nhiều sức mạnh xử lý, nó có thể làm thay đổi sự cân bằng của cả hệ thống. Nó có thể ảnh hưởng tới gần như bất kì thứ gì khác trong chiếc OnePlus 5".

Phần mềm đóng vai trò nhận diện và xóa mờ hậu cảnh sau khi camera kép ghi nhận hình ảnh, và nếu không có phần mềm tốt thì ảnh sẽ bị xóa sai, bị lẹm vào chủ thể, hoặc thậm chí không xóa hết phông nền. Ở những nguyên mẫu đầu tiên, OnePlus 5 cũng gặp tình trạng này. Làm phần mềm cho camera kép chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Ngay cả Apple cũng chỉ đưa ra chế độ chụp Portrait ở dạng Beta trong thời gian đầu, ít lâu sau đó họ mới cho nó thành bản chính thức.

Lam_ra_OnePlus_5_tinhte_2.jpg

Phần còn lại của OnePlus 5 đều là những điểm đặc trưng mà bạn có thể kỳ vọng ở một chiếc điện thoại gắn logo số 1 kèm dấu cộng. RAM mạnh mẽ (8GB?), chip mạnh nhất hiện tại, vỏ nhôm cao cấp, phần mềm ít tùy biến. Giá của sản phẩm này sẽ cao nhất là 700$, thấp nhất là 479$.

Việc làm ra một cụm camera tốt dường như là sứ mệnh cuối cùng mà OnePlus cần thực hiện trong nhiệm vụ làm ra chiếc smartphone Android tốt nhất mà công ty từng đặt ra nhiều năm trước. Và điều này cũng là thứ quyết định xem fan của hãng có còn tiếp tục gắn bó với OnePlus hay không. Thiết kế độc đáo, các hãng khác đều có. Cấu hình mạnh, các hãng khác cũng không hề thua kém. Giờ giá của OnePlus cũng không phải là quá rẻ. Nếu camera không tốt, có thể fan OnePlus sẽ chuyển sang mua sản phẩm của đối thủ, và ở vị trí của OnePlus thì đây là rủi ro mà công ty không thể nào chấp nhận được.

Hãy chờ chiếc OnePlus 5 về Việt Nam và trên tay xem thế nào nhé!