Pages

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

ESA bắt đầu chế tạo PLATO - tổ hợp kính thiên văn chuyên săn tìm ngoại hành tinh hỗ trợ sự sống

PLATO được Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) khởi xướng nhằm tìm kiếm các ngoại hành tinh có thể hỗ trợ cho sự sống đã được bật đèn xanh để chuyển từ giai đoạn thiết kế sang chế tạo.

Sứ mạng này được chọn năm 2014 trong khuôn khổ chương trình Cosmic Vision Programme của ESA nhưng thời điểm triển khai đã bị lùi lại đến 2 năm từ 2024 sang 2026. Mục tiêu của sứ mạng là nhằm tìm kiếm những hành tinh có kích cỡ như Trái Đất hoặc những siêu Trái Đất đang bay quanh một ngôi sao trong vùng có thể cư trú - một khu vực có các điều kiện cho phép nước lỏng và khí quyển tồn tại.

Dự án này được dẫn đầu bởi các nhà vật lý học thiên thể đến từ đại học Warwick, VQ Anh. Don Pollacco - giáo sư vật lý tại đại học Warwick cho biết: "Việc triển khai sứ mạng PLATO sẽ mang lại cho chúng tôi cơ hội để đóng góp vào những phát hiện lớn nhất về vũ trụ trong thập niên tới, đồng thời giải đáp những câu hỏi cơ bản về sự tồn tại của chúng ta và sau cùng là giúp phát hiện những sự sống ngoài Trái Đất."

Plato_XL.jpg
Theo kế hoạch thì vào năm 2026, ESA sẽ phóng PLATO - một tổ hợp 34 kính thiên văn góc rộng và camera, săn ngoại hành tinh bằng phương pháp đo quang trắc cắt mặt - một phương pháp phổ biến để phát hiện các hành tinh bằng cách phân tích ánh sáng phát ra từ ngôi sao mẹ của chúng. Nếu độ sáng của ngôi sao giảm theo chu kỳ thì nhiều khả năng có một hành tinh bay quanh ngôi sao này và che ánh sáng của nó. Phương pháp quan sát cắt mặt sẽ cho phép các nhà nghiên cứu ước lượng kích thước của hành tinh và so sánh với bán kính của Trái Đất.

Để dự đoán các đặc tính khác của hành tinh chẳng hạn như khối lượng thì các nhà vật lý thiên thể sẽ sử dụng các phương pháp như tính vận tốc xuyên tâm hay đo quang phổ Doppler. Vị trí của ngôi sao mẹ sẽ thay đổi nhẹ do lực hút của các ngoại hành tinh bay quanh và chuyển động này sẽ thay đổi các bước sóng ánh sáng đo được bằng kính quang phổ.

Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ có thể phát hiện được những hành tinh hứa hẹn hỗ trợ sự sống, từ đó tiếp tục quan sát để thăm dò sâu hơn về khí quyển của chúng. Hiện tại sứ mạng này đã được bật đèn xanh, các đối tác công nghiệp sẽ được trao cơ hội đấu thầu để chế tạo các bộ phận của kính thiên văn cũng như phát triển nền tảng phần mềm.

Sứ mạng PLATO khá giống với sứ mạng của kính thiên văn vũ trụ Kepler của NASA. Nhờ Kepler, NASA đã phát hiện ra một loạt các ngoại hành tinh khả năng hỗ trợ sự sống. Họ đã xác định 219 hành tinh tiềm năng và 10 trong số chúng có kích thước tương tự Trái Đất, nằm trong vùng có thể cư trú và hiện tại, có khoảng 4000 ngoại hành tinh đang được đặt trong tầm quan sát của chúng ta.

Theo: The Register