Để so sánh, mình chọn Oppo F3 Lite, sản phẩm bán rất chạy và có giá 5.5 triệu đồng, cao hơn 500 ngàn so với Zenfone 4 Max Pro. F3 Lite là máy khá gọn và đẹp trong tầm giá, có camera selfie và cấu hình không thấp so với giá như những máy Oppo trước kia.
Trước khi so sánh, các bạn cần lưu ý phiên bản Zenfone 4 ở Việt Nam là bản cấu hình cao với SnapDragon 430, còn hầu hết các thị trường khác là SnapDragon 425.

Oppo F3 Lite và Zenfone 4 Max Pro (tạm gọi Zen 4) đi theo hai phong cách thiết kế rất khác nhau, nếu như F3 Lite được chế tạo theo đúng truyền thống của hãng với thiết kế gọn gàng, mảnh mai vốn có thì viên pin 5000mAh lại làm cho Zen 4 dày hơn rất nhiều. Đó là chưa kể đến việc Zen 4 có màn hình 5.5" nên kích cỡ tổng thể sẽ lớn và nặng hơn nhiều so với F3 Lite. Chọn thiết kế làm điểm để đánh giá thì câu hỏi bạn nên đặt ra là bạn ưu tiên sự gọn gàng, mỏng nhẹ hay ưu tiên tính năng với pin cực trâu và màn hình lớn.


Màn hình:
Cả F3 Lite và Zen 4 đều không mạnh về màn hình, hai sản phẩm này chỉ có độ phân giải 720p thôi trong khi một số đối thủ khác trong tầm giá đều đã lên FullHD rồi. Chất lượng hiển thị của cả hai máy đều ổn, dùng tấm nền IPS nên góc nhìn rộng và màu trắng trung tính, không quá rực. Cá nhân mình thích cách mà Oppo hiển thị hơn, nó có phần nào hơi trong hơn là Zen 4. Nhưng những bạn nào thích màn hình lớn thì chắc chắn sẽ ưu tiên cho chiếc máy đến từ Asus rồi.

Bản chất hai máy có cấu hình gần như tương tự nhau nên tất cả các bài thử benchmark đều cho điểm số gần như không khác biệt. Con chip 435 chỉ khác 430 ở moderm LTE X9 so với X6, cho bằng thông 4G rộng hơn còn hiệu năng gần như không khác biệt. Các bạn cũng cần lưu ý phân biệt rõ SnapDragon 425 với 430/435 vì 425 lên 430 là một đột phá rất lớn. SnapDragon 425 chỉ có 4 nhân xử lý trong khi bộ đôi 430 và 435 là 8 nhân, bộ nhớ RAM hỗ trợ cũng chỉ dừng lại ở 677MHz so với 933MHz.
Đó là về các phép thử benchmark, còn hiệu năng thực tế thì sao? Oppo F3 Lite nhạy hơn khoảng 0.3 giây khi bấm vào màn hình mở ứng dụng, tức độ trễ thâp hơn một chút nhưng khi tải các game hay ứng dụng nặng thì Zenfone 4 Max Pro lại nhanh hơn 0.5-1 giây, còn các ứng dụng nhẹ thị thời gian gần như là giống hệt nhau.
Như vậy, hiệu năng không phải là yếu tố cần cân nhắc giữa hai chiếc máy này. Nhưng có một lưu ý nhỏ là Oppo F3 Lite đang chạy Android 6 còn Asus là Android 7.
Camera:

Mời các bạn xem một số hình ảnh so sánh giữa Zenfone 4 Max Pro và Oppo F3 Lite, máy Oppo bên trái còn bên phải là Zen.


















Dưới đây là một số hình ảnh so sánh 3 camera, camera Oppo F3 lite, ống kính thường của Zenfone 4 và ống kính góc rộng của Zenfone 4. Nhận xét về camera góc rộng là chủ yếu nó mang tính trang trí nhiều hơn tác dụng thực tế, ít hữu dụng vì camera chính cũng rất ổn rồi. Độ phân giải của camera góc rộng cũng chỉ là 5MP, hơi kém và dải tương phản động cũng kém, ảnh chỉ tốt với ánh sáng đều.









Pin
Pin của Oppo F3 lite không phải là tệ, nó có thể giúp bạn sống sót được một ngày nhưng với Zenfone 4 Max Pro thì mọi chuyện khác hẳn. Thay vì chỉ dừng lại ở 1 ngày thì bạn có thể dùng Zen 4 tới 2 hay thậm chí là 2.5 ngày tùy vào cường độ sự dụng. Đây là điểm mạnh và cũng khác biệt lớn nhất của Zenfone 4 Max Pro so với các đối thủ khác trên thị trường.
Với viên pin lớn như vậy thì nhưng hơi đáng tiếc khi Asus không trang bị sạc nhanh cho Zen 4, dù SnapDragon 430 hay 435 hỗ trợ QuickCharge 3.0. Trong hộp họ chỉ tặng kèm cục sạc 5V 2A, đẩy tổng thời gian sạc đầy máy từ 0 lên 100% là 5 tiếng.