
Mọi sự luôn chuyển động! Biết là chẳng có gì bất di bất dịch. Nhưng có những cái mới xuất hiện xoá mất dấu cái cũ, trong lòng cũng vướng chút động lòng. Dẫu gì thì cũng chẳng có gì trên mặt đất này vạn tuế hay vĩnh cữu cả. Khi mọi thứ qua đi, quên lãng tất cả, thì những bức hình sẽ còn lại. Nó không phải tư duy ký ức, nhưng nó vẫn sẽ còn đó để làm cho ký ức con người nhận dạng một thời quê mình đã từng như nào. Bộ hình mình chụp bằng điện thoại Oppo F7, cảm ơn anh @tuanlionsg đã tư vấn nội dung và Oppo đã hỗ trợ thực hiện bộ hình này.

Sự thay đổi chóng vánh
Du lịch phát triển đến đâu, các công trình xe ủi xuất hiện ở đó. Khi lượng du khách đổ về Hội An ngày càng nhiều, các vùng lân cận phải nỗ lực, tìm tòi và làm mới mô hình dịch vụ nhằm thu hút khách, và thôn Thanh Tam cũng không là ngoại lệ. Xuất phát điểm có phần chậm hơn nhiều so với các khu khác như làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng... nhưng thôn Thanh Tam trong một thời gian ngắn đã là điểm đến mà du khách, đặc biệt là khách quốc nội và khách Hàn Quốc, phải ghé thăm khi về Hội An để trải nghiệm tour thuyền thúng vào rừng dừa nước Bảy Mẫu bao quanh thôn.







Đón khách vô tour
Khoảng 9 giờ sáng hàng ngày người dân ở đây đã tất bật cho những lượt khách đầu tiên, nhưng thời điểm 2 giờ chiều trở đi mới là khoảng thời gian náo nhiệt, sôi động nhất của thôn này. Ngay cửa ngõ dẫn vào thôn, cắt ngang bằng cầu mới Cửa Đại và một đại lộ đang thành hình nối Cẩm Thanh đến thẳng đường chính Cửa Đại và tuyến huyết mạch đi Đà Nẵng, cơ man xe bus ra vào đổ, đón khách đoàn nườm nượp vào ra. Vừa qua đến bến đỗ xe là ngay lập tức khách được mời mọc mua các đồ lưu niệm lẫn thực phẩm, giải khát. Đại đa số các hộ dân ở thôn Thanh Tam đã tập trung làm dịch vụ chèo thuyền thúng đưa khách đi thưởng ngoạn rừng dừa.











Du nhập tiếp nhận
Có tiếng nhạc sôi động vang lên khắp nơi trong không gian thôn: ở đây, để phục vụ du khách Hàn Quốc - lượng khách chủ đạo - người dân đã mua các thiết bị âm thanh cho lên thuyền thúng, mở hết công suất các bài nổi tiếng của dòng K-pop, đặc biệt là Gangnam Style, và biểu diễn lắc thúng theo nền nhạc bài ấy. Cùng với việc cờ Hàn Quốc được treo nhiều nơi và "thúng thủ" mặc đồng phục hữu nghị Việt-Hàn chào đón du khách, không lạ khi thôn Thanh Tam là một điểm đến ưa chuộng của các tour dành cho người Hàn Quốc.











Biểu diễn thúng chai
Khách lên thúng, thường là một thúng chở hai khách, được đưa đi dạo vào rừng dừa bảy mẫu, sau đó sẽ ra tới vùng nước lớn giáp cửa biển. Đây cũng là nơi các nhóm thúng quây quần lại để xem các thúng thủ biểu diễn lắc thúng theo nhạc. Người dân nhún thúng theo kiểu nhún để đưa thúng đi tới khi không có cây chèo. Nhưng đây là nhún theo nhạc, dập dìu, mép thúng lên cao, vỗ xuống mặt nước...



















Từ lao động phục vụ du khách...
Theo lời một bác thúng thủ thì hiện ở Thanh Tam có gần cả ngàn thúng hoạt động. Thu nhập từ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch cải thiện rõ rệt so với trước đây khi chưa có mô hình này. Trung bình một ngày bác kiếm được khoảng 400 ngàn tiền chở khách. Ngoài ra, bác và các thúng thủ khác cũng kiếm được kha khá nhờ tiền tip của khách.





Sinh hoạt
Khoảng thời gian thưa, vắng khách thì bác và các bà con thúng thủ tập trung ở các bến nghỉ ngơi, tranh thủ về ăn uống hoặc có khi chỉ để lập sòng bài giải khuây. Cuộc sống hiện nay, theo lời của bác, từ khi có du lịch về thôn đã được cải thiện rõ rệt, thoải mái hơn rất nhiều so với trước đây.




Một lễ tế truyền thống
Một buổi lễ tế đình của ngư dân trong thôn. Dù hiện nay số người chuyển qua làm du lịch trong thôn đã chiếm quá bán nhưng người dân trong thôn vẫn còn giữ các nghi lễ, tập tục của thôn thời tiền du lịch.















Mình nhớ, thầy Trần Ngọc Thêm có lần nói: "Bảo tồn và phát triển là song hành, trước hết phải hiểu bảo tồn không phải là bảo vệ, giữ không để mất đi chứ không phải là không để cho biến đổi. Bảo tồn không phải là ôm khư khư không cho thay đổi, mà phải luôn làm cho nó lớn mạnh hơn, giàu có hơn, bổ sung cho nó những yếu tố mới, phát triển nó. Tuy nhiên, trong bảo tồn và phát triển, có rất nhiều thứ du nhập, vay mượn, cần một sự chọn lựa cái cần gìn giữ, chỉ dẹp bỏ cái vật cản cần dẹp bỏ. Thì tương tự, du nhập tiếp thu cũng phải có sự chọn lọc cái tinh, cái hay, cái cần, không ồ ạt, đua đòi tất cả và di nhiên là cũng tuỳ nơi, tuỳ lúc..."
Du lịch là một phần tất yếu của Hội An. Những thay đổi dưới tác động của ngành công nghiệp không khói về mặt kinh tế và xã hội là cơ hội, nhưng cùng với phát triển du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa, xã hội của mình vẫn còn là câu chuyện dài.