
"CIMON sẽ là hệ thống trí tuệ nhân tạo đầu tiên làm nhiệm vụ trên không gian", kỹ sư Manfred Jaumann tại Airbus, người tham gia dự án phát triển robot cho biết. Theo ông, CIMON đóng vai trò như 1 bộ não lơ lửng xung quanh phi hành đoàn, tương tác, hỗ trợ và học hỏi từ họ.
Dự kiến vào thứ 2 tuần sau, tàu Rồng sẽ cập bến và cung cấp cho Trạm Vũ trụ Quốc tế thực phẩm, nước, dụng cụ thí nghiệm cùng nhiều vật tư khác.

Chìa khóa của thiết bị này nằm ở phần mềm được phát triển bởi IBM Watson - thứ đã đánh bại 2 nhà vô địch Ken Jennings và Brad Rutter trong 1 trò chơi truyền hình năm 2011 và giành giải thưởng 1 triệu USD. Một đích của CIMON là xem các phi hành gia sẽ xoay sở ra sao với sự hiện diện của một trợ lý thông minh trong một thời gian nhất định, theo báo cáo trước đó của NASA.
CIMON được tạo ra chủ yếu bởi Trung tâm hàng không vũ trụ Đức với sự cộng tác của IBM, Cơ quan Vũ trụ châu Âu cùng một số đơn vị khác. Thời gian đầu, người bạn duy nhất của CIMON sẽ là phi hành gia người Đức Alexander Gerst, người vừa được đưa vào không gian vào ngày 6/6 năm nay.

Nhóm phát triển CIMON đã dạy nó nhận ra được giọng nói của Gerst qua micro cũng như khuôn mặt của ông qua camera. Trên trạm không gian, robot sẽ "lẽo đẽo" đi theo Gerst nhờ một động cơ đẩy. Với việc được tích hợp Watson AI, CIMON có thể phân tích tài liệu, phản hồi với các lệnh và giải quyết vấn đề. Nói chung, CIMON sẽ hoạt động một cách độc lập và không cần đến bất kỳ kết nối internet nào.
Phi hành gia Alexander Gerst sẽ bắt đầu làm việc với CIMON ngay khi nó cập bến vào thứ 2 tới cho đến tháng 10. Trong khoảng thời gian này, hệ thống sẽ giúp Gerst giải quyết các vấn đề cơ bản và theo dõi lịch làm việc như một trợ lý kỹ thuật số.
Theo Airbus, có 3 nhiệm vụ chính mà robot sẽ đảm đương, đầu tiên là cùng với Gerst làm thí nghiệm về sự tăng trưởng của các tinh thể, 2 là hướng dẫn cho Gerst cách giải một khối rubik và cuối cùng là quay lại và hỗ trợ Gerst khi ông thực hiện các bài thí nghiệm y tế phức tạp. "Thí nghiệm này có thể đòi hỏi đến 100 bước khác nhau để hoàn thành", theo ông Matthias Biniok, kiến trúc sư trưởng của Watson ở Đức.

Ngoài việc hỗ trợ hoàn thành các thí nghiệm, CIMON còn được trang bị các cảm biến có thể cảnh báo cho phi hành gia các dấu hiệu nguy hiểm khi họ không ở gần trạm điều khiển. Ít nhất trong giai đoạn đầu tiên, Cimon sẽ sử dụng một mạng lưới thần kinh để tương tác và học hỏi từ Gerst. Mục tiêu sau cùng mà robot hướng đến chính là giám sát hoạt động của các nhà du hành, từ đó đánh giá cảm xúc và tâm lý của họ.
Dữ liệu thu thập được có thể sẽ được khai thác nhằm ứng dụng cho các chương trình phát triển robot trợ lý trong tương lai, giúp hoàn thiện robot đến mức nó có thể làm giảm bớt sự nhàm chán trong các hành trình siêu dài đến Mặt Trăng hay sao Hỏa. Đến một lúc nào đó, CIMON có thể tự tìm đường để quay về Trái Đất khi cần thiết.
Nguồn: BI