Intel tăng sản lượng tại nhà máy tại Việt Nam nhằm giải quyết khủng hoảng thiếu CPU
Intel đang gặp khủng hoảng khi nhu cầu về các CPU sản xuất trên tiến trình 14 nm hiện tại tăng cao trong khi dây chuyền sản xuất không đáp ứng kịp. Hãng đã buộc phải sử dụng lại dây chuyền 22 nm cho một số dòng chipset cũng như thuê TSMC sản xuất để cân đối sản lượng. Trong chuyển biến mới nhất, Intel cho biết sẽ tăng năng suất tại nhà máy ở Saigon Hi-tech Park, quận 9, TP. HCM, Việt Nam. Với việc tăng năng suất tại đây thì Intel hứa hẹn những lô chip mới sẽ được giao đến tay người dùng sau 2 tuần nữa.
Theo thông báo của Intel, nhà máy tại Việt Nam được xây dựng theo triết lý Copy Exactly! (CE!) - chiến lược thiết lập dây chuyền sản xuất của Intel trong đó các nhà máy của hãng trên toàn cầu sẽ có năng lực thiết kế và sản xuất chip y hệt nhau. Như vậy, CPU ra lò từ nhà máy tại Việt Nam sẽ có chất lượng theo tiêu chuẩn của Intel áp dụng trên mọi nhà máy của hãng xưa nay.
Đây là tín hiệu tốt bởi việc tăng năng suất tại nhà máy mới sẽ giúp Intel thêm tự tin về khả năng đáp ứng được nhu cầu CPU 14 nm đang tăng cao trong khi vẫn có thể tập trung nghiên cứu tiến trình 10 nm. Tiến trình 14 nm của Intel đã trải qua rất nhiều tinh chỉnh và hiện tại là kiến trúc có hiệu năng cao nhất trong thế giới bán dẫn. Dù TSMC đã công bố tiến trình 7 nm tương đương với tiến trình 10 nm của Intel nhưng vẫn chưa đủ tiên tiến để cho phép các đế chip đạt được hiệu năng cao ở xung nhịp cao như những gì Intel làm được. Hiện tại cả 2 đều đã đưa ra lộ trình năm 2019 cho các phiên bản chip 7nm và 10 nm. AMD - đối thủ truyền kiếp của Intel cũng đã vừa tiết lộ những vi xử lý đầu tiên sản xuất trên tiến trình 7 nm, cụ thể là dòng EPYC Rome với 64 nhân.