

Đến bây giờ mình vẫn nghĩ, so sánh Mate 20X với Nintendo Switch giống như so sánh táo và cam xem quả nào ngon hơn vậy. Nó, về cơ bản, là chẳng liên quan. Chưa kể, Mate 20X có những đối thủ khác trong cùng "hạng cân", cùng thị trường để vượt qua chứ không phải chiếc máy độc đáo của Nintendo.
Mình nghĩ, Huawei ít ngày vừa rồi đã đọc hơi quá nhiều thông tin liên quan đến báo cáo của Strategy Analytics, qua đó dự đoán rằng với sức mạnh ngày càng khủng của những chiếc smartphone, cộng với sự cơ động cao sẽ dần thay thế máy chơi game truyền thống, vốn bắt anh em ngồi lỳ một chỗ để thưởng thức game trên màn hình lớn tại gia. Không trách được Huawei, vì giờ đây mobile gaming đã khác 5 năm về trước rất nhiều. Đồ họa, lối chơi cũng như chất lượng các tác phẩm game trên di động, nhờ cuộc đua phần cứng smartphone giữa các hãng, đã đẹp hơn rất nhiều dù vẫn chưa tiến được tới ranh giới của game PC và console.

Việc lôi Nintendo Switch ra so sánh của Huawei khi giới thiệu Mate 20X, có thể là do họ chọn nhầm đối thủ, hoặc là tạo ra bão truyền thông để những người xài Nintendo Switch cũng như quan tâm tới mobile gaming tranh luận, từ đó khiến Mate 20X nổi lên giữa một loạt những thiết bị Android được giới thiệu trong ít ngày vừa rồi.
Dĩ nhiên mình nghiêng về khả năng thứ 2 vì những cái đầu đầy sạn của mảng PR và marketing ở Huawei chẳng dễ gì mắc sai lầm sơ đẳng như vậy. Và dưới đây là lý do vì sao cách so sánh theo kiểu gây bão này sẽ không có hiệu quả. Giờ này ở trụ sở Nintendo chắc các sếp lớn đang cười vui nhộn lắm.
Máy mạnh, nhưng Nintendo chẳng quan tâm
Lý do đầu tiên là cái cách Mate 20X so sánh với Nintendo Switch. Người Trung Quốc liên tục lấy những chi tiết kỹ thuật về cấu hình và phần cứng trang bị cho Mate 20X để so với Switch: Màn hình full HD 7,2 inch, nhiều RAM hơn, chip xử lý mạnh hơn, pin trâu hơn gấp hơn 2 lần. Cái gì Switch có, Mate 20X cũng có, nếu không muốn nói là tốt hơn, ngay cả ở phần gamepad lắp kèm để chơi những game hành động như PUBG Mobile hay Fortnite trên Android vừa mở cửa rộng rãi chẳng hạn.

Đó là cái nhầm cơ bản của Huawei. Nintendo vài chục năm nay không được người ta biết đến như một gã khổng lồ đi đầu về công nghệ và cấu hình máy game. Trái ngược lại hoàn toàn, so sánh sức mạnh của máy console từ hồi SNES, N64, Wii, 3DS, đến cả bây giờ là Nintendo Switch, những sản phẩm của họ chưa bao giờ chạy theo cuộc đua cấu hình.
Nintendo cần gì chạy đua cấu hình khi những bộ óc ở đây thừa sức tạo ra những trò chơi đầy tính sáng tạo và ấn tượng tới mức ngay cả anh em sở hữu PC lẫn PS4 và Xbox One đều ghen tị? Nếu không có CEMU thì làm gì có chuyện PC chơi được The Legend of Zelda: Breath of the Wild? Một game tuyệt phẩm, xứng đáng xếp vào dạng kiệt tác, chạy mượt trên chiếc máy có cấu hình cỡ một chiếc Android tầm trung khiến cả triệu người mê mẩn. Đẳng cấp là ở đó, không phải ở việc khoe khoang cấu hình thiết bị.
Nói ngắn gọn, Nintendo đứng ngoài cuộc đua phần cứng khủng từ rất, rất lâu rồi.
Game mobile đẹp, nhưng liệu có hay bằng console?
Chính từ sai lầm cơ bản trong việc giới thiệu sản phẩm như thế này, mà vấn đề thứ hai của Mate 20 X, cũng như toàn bộ làng game trên mobile nói chung đã hé lộ.
Máy dù có khỏe đến đâu đi chăng nữa, có xử lý được bao nhiêu đa giác cùng lúc và xuất hình ảnh lên màn hình nhỏ nhắn trong một thiết bị bỏ vừa túi quần, vẫn không là gì cả, nếu thiếu đi thứ quan trọng nhất là thư viện game. Đến giờ phút này nhiều hãng game vẫn còn dè dặt chưa dám tiến công sang nền tảng mobile vì cách kiếm tiền thông qua game mobile rất khác so với game trên console hiện tại.

Những game free-to-play với cửa hàng vật phẩm ảo in-game cho anh em sắm đồ bằng tiền thật là mô hình dễ thành công nhất trên mobile. Nó trái ngược hoàn toàn với triết lý thiết kế game kiểu AAA xưa kia: Bỏ thời gian và tiền bạc làm một game trong vài năm trời, bán game giá 60 USD chờ có lãi. Chính Nintendo đã học được bài học này với Super Mario Run và Animal Crossing: Pocket Camp. Mario có hay đến mấy mà mất tiền để chơi full game cũng chẳng hấp dẫn bằng một game miễn phí và bán đồ ảo.
Và Nintendo, một mặt tuyên bố vẫn quan tâm đến thị trường béo bở game mobile, nhưng mặt khác không phủi tay quên đi quá khứ của họ, một ông lớn đầy sáng tạo và đột phá trong các tác phẩm game. Chỉ đến khi nào mobile có những game gây sốt thực sự về cả đồ họa lẫn gameplay cùng cốt truyện như Breath of the Wild, khi ấy những hãng smartphone như Huawei mới có thể đường đường chính chính so sánh ngang bằng sản phẩm của họ với Nintendo Switch, dù chúng đều được định hướng để chơi game mọi lúc mọi nơi.
Ấy là chưa kể, xét riêng về khoản chơi game, đối thủ thực sự của Huawei Mate 20X không phải Nintendo Switch, mà là…
iPhone Xs
Lỗi thực tế không hẳn là tại các nhà sản xuất thiết bị smartphone như Huawei, mà bản thân chơi game trên Android chưa bao giờ tối ưu được như iOS. Nói vậy không có nghĩa chơi game trên Android là trải nghiệm tệ, nhưng chính việc cấu hình các thiết bị, từ SoC đến linh kiện bị phân mảnh quá nhiều khiến cho các hãng game luôn tập trung hoàn thiện phiên bản game mobile trên iOS trước. Nhưng các hãng game, anh em có thể để ý, luôn tung ra phiên bản game trên iOS trơn tru mượt mà trước, vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau mới ra bản Android.

Đấy là lựa chọn mang tính kinh tế cho các hãng game. Làm việc với một nền tảng đóng, phần cứng đồng nhất trên khoảng 6 hay 7 đời thiết bị như iPhone hay iPad nó luôn dễ và rẻ hơn việc tối ưu game cho hơn 18 nghìn thiết bị chạy Android khác nhau đang có mặt trên thị trường ở thời điểm hiện tại.
Dù chẳng phải lỗi của riêng ai, nhưng Huawei có một nhiệm vụ quan trọng hơn so với việc đem sản phẩm của mình so sánh lấy lệ với Nintendo Switch, đó là tạo ra trải nghiệm game gần với những gì người sử dụng iOS đạt được nhất, ít lỗi vụn vặt và hiệu năng đủ ngon trên các game mobile để người tiêu dùng lựa chọn giữa một rừng các flagship Android vừa khủng vừa đắt ra mắt từ hồi tháng 09 tới nay.