
Có cả rắn có nọc độc và rắn không có nọc độc, kể cả rắn độc khi cắn, cũng không phải lúc nào chúng cũng bơm nọc độc qua răng nanh vào cơ thể chúng ta. Khoảng gần một nửa số trường hợp rắn độc cắn mà không hề bơm nọc độc, thuật ngữ chuyên môn gọi đó là nhát cắn khô (dry bite).
Lưu ý tất cả các trường hợp rắn cắn đều cần được nhập viện càng sớm càng tốt, không được chờ cho đến khi triệu chứng xuất hiện mới nhập viện. Rắn độc cắn thường có hai vết răng nanh trên vết thương. Tùy thuộc vào loại rắn mà thời gian xuất hiện triệu chứng và biểu hiện cũng khác nhau. Nhưng thường khi rắn độc cắn vết thương thường sẽ sưng to; đỏ; đau nhiều; chảy máu nhiều; có thể xuất hiện bọng nước, hoặc hoại tử... Một số dấu hiệu toàn thân hay gặp như: buồn nôn; nôn; khó thở; tăng tiết đờm dãi; vã mồ hôi; yếu, liệt cơ; cảm giác tê bì ở chân, tay, mặt...

Rắn độc cắn thường có hai vết răng nanh ở vết thương
Nên làm gì nếu bạn hoặc ai đó bị rắn cắn?
Ghi nhớ, hình dáng, đặc điểm, màu sắc... của con rắn, nếu có thể chụp được ảnh thì càng tốt, sẽ giúp các bác sĩ dễ dàng hơn trong việc xác định loại rắn nào, độc tố gì
Bình tĩnh, nằm yên, hạn chế vận động để tim đập chậm, nọc độc sẽ lan truyền trong cơ thể chậm hơn
Tháo bỏ nhẫn, dây chuyền, đồng hồ, quần áo chật... gần vết cắn để tránh gây chèn ép tuần hoàn, có thể dẫn đến hoại tử chi
Rửa sạch vết thương với nước sạch và xà phòng
Che phủ vết cắn với gạc khô sạch
Những điều tuyệt đối tránh
Đừng cố bắt hay đập chết con rắn, có thể sẽ bị rắn cắn lần nữa
Không chích rạch vết cắn vì sẽ gây chảy máu nặng hơn
Không cố gắng nặn hay hút nọc độc ra ngoài, điều này là vô nghĩa, vì không thể hút được nọc độc đã bơm vào cơ thể
Không chườm đá hay nhúng vết thương vào nước
Không uống rượu để giảm đau vì sẽ gây giãn mạch, làm nọc độc lan nhanh hơn
Tuyệt đối không ga rô hay băng ép, vì sẽ gây cản trở tuần hoàn có thể làm hoại tử vùng chi bị cắn, dẫn đến phải cắt cụt chi