
Thật ra thì trong những thông tin bị lộ này cũng không nói về sản phẩm gì mới, chỉ là một lần nữa khẳng định tầm ảnh hưởng của AMD đối với thị trường cũng như áp lực mà họ đặt lên Intel. Dưới sự lãnh đạo của bà Lisa Su, AMD đã trở lại mạnh mẽ. Từ vị trí rượt đuổi, bộ đôi EPYC 2 dành cho máy chủ và Ryzen thế hệ 3 cho máy tính cá nhân đã giúp AMD chính thức đối đầu sòng phẳng với Intel về phương diện hiệu năng kèm theo ưu thế về giá thành.
Intel cũng thừa nhận rằng thế hệ bộ xử lý Core i thế hệ 9 có thể vẫn sẽ hơn các bộ xử lý Ryzen trong các bài benchmark không đòi hỏi hiệu năng cao và ở các trò chơi. Nhưng đối với những tác vụ đòi hỏi hiểu năng cao, điển hình là các ứng dụng sáng tạo nội dung thì AMD sẽ đạt điểm cao hơn. Intel cũng đưa ra rằng tuỳ theo benchmark mà Intel và AMD sẽ có ưu thế riêng, đặc biệt là Cinebench mà chúng ta thường thấy AMD sử dụng đem lại lợi thế cho Ryzen nhờ số nhân/luồng nhiều hơn dòng Intel tương đương.
Bên cạnh đó Intel cũng đề cập đến một vấn đề khá thú vị là việc AMD hợp tác với TSMC được xem là yếu tố đe doạ lớn đến họ. Trên thực tế thì AMD chỉ thiết kế chip và có thể chọn lựa bất kỳ đối tác nào phù hợp nhất để sản xuất cho họ. Trong khi đó thì Intel vẫn loay hoay với mảng sản xuất vẫn mãi chưa hoàn thiện tiến trình 10 nm, rơi vào chính vết xe đổ của AMD và Global Foundries hơn chục năm trước.
Dù vậy thì Intel cho rằng họ vẫn có thể kiểm soát được tình hình, và bí quyết nằm ở hệ sinh thái mạnh mẽ với kiến trúc CPU, bộ nhớ, phương thức liên kết, bảo mật và phần mềm. Chính sự liên kết chặt chẽ này giúp cho ngay cả mảng CPU không như mong đợi, nền tảng máy tính của Intel vẫn thu hút được người dùng. Đặc biệt là bộ phận phần mềm của Intel hiện có hơn 15.000 kỹ sư, thậm chí là còn nhiều hơn cả tổng số nhân sự của AMD và tham gia phát triển ở rất nhiều mảng liên quan đến máy tính như Wifi, bộ nhớ, kết nối Thunderbolt,...
Tham khảo Tom's Harware