

Vào năm 1907, trong khi đang nghiên cứu về vật liệu cách điện, nhà hóa học người Mỹ Leo Hendrick Baekeland đã tạo ra nhựa. Đầu tiên là Bakelite một loại vật liệu bền, nhẹ, rẻ, có thể uốn nắn, cách điện và chịu nhiệt,... Tiếp đến là Polystyren vào năm 1930, rồi đến Nylon năm 1934. Không lâu sau đó, chúng nổi lên và thống trị cả vương quốc vật liệu, thay thế những thứ như kính và kim loại trong nhiều mặt hàng tiêu dùng. Do tính linh hoạt và chi phí rẻ, nhựa đã được dùng trong mọi thứ từ bao bì tới máy bay, thậm chí còn lên cả vũ trụ!!!

Thực tế, đây là cuộc xâm lược với quy mô toàn cầu và kết cục bạn bắt đầu buổi sáng bằng việc kiểm tra điện thoại phần lớn làm từ nhựa. Bạn vào nhà tắm để đánh răng bằng bàn chải làm từ nhựa. Quần áo, tiền, ghế và cả văn phòng làm việc của bạn chúng đều chứa đầy nhựa. Bạn về nhà vào cuối ngày và giải trí trên chiếc máy tính, ti vi hay máy chơi game cũng bằng nhựa. Khắp xung quanh chúng ta, gần như không thể không có thứ gì đó làm từ nhựa trong bán kính một mét. Nhựa làm cuộc sống tiện lợi tới mức khó có thể tưởng tượng thế giới sẽ ra sao nếu không có nhựa.

NHỰA: Bạn hay thù???
Tổng trọng lượng của tất cả nhựa trên trái đất rơi vào khoảng 8.5 tỷ tấn và không ngừng tăng với hơn 300 triệu tấn mỗi năm. Để dễ hình dung nếu tất cả gom hết chúng và xếp lại thành một khối trụ với bán kính 1km thì sẽ trở thành ngọn núi nhựa khổng lồ cao hơn cả đỉnh Everest.

Điều đáng buồn là 79% trong số đó nằm tại các bãi rác hoặc ngoài môi trường tự nhiên và trở thành rác thải nhựa. Chỉ 10% trong số chúng được tái chế và sử dụng lại. Một chai nước sẽ phân hủy sau 450 đến 1000 năm, vì khoảng thời gian phân hủy chậm như vậy nhựa thường bị lãng quên và khi ấy chúng sẽ đi về đâu?

Loài người có thói quen vứt những thứ từng nâng niu ngay khi chúng không còn giá trị sử dụng nhưng vì chúng có tuổi thọ quá lâu nên phần lớn nhựa tiếp tục tồn tại ở các bãi rác, dưới lòng đất, cống ngầm, sông, hồ và biển.

Mỗi năm, đại dương nhận thêm hơn 8 triệu tấn nhựa. Nhựa trôi dạt trên biển, tiếp xúc liên tục với mặt trời khiến chúng bị phân rã thành các mảnh nhỏ hay còn được gọi là hạt vi nhựa. Và đây chính là sự trả thù ngọt ngào đối với những kẻ đã tạo ra và vứt bỏ chúng.

Những hạt vi nhựa rất rất nhỏ nên chúng thường bị ăn bởi các loài phù du, rồi sau đó, chúng đi theo chuỗi thức ăn: giáp xác, cá, chim... và cuối cùng là: CON NGƯỜI. Hạt vi nhựa ảnh hưởng đến sức khỏe, tăng cao khả năng mắc các bệnh ung thư, không những thế còn có thể tạo ra các khuyết tật ở trẻ sơ sinh thông qua khẩu phần ăn của mẹ khi đang mang thai.

Ngày nay có khoảng 53 nghìn tỉ hạt vi nhựa trôi nổi trong đại dương, nhiều hơn 500 lần so với số vì sao trong thiên hà. Một nghiên cứu năm 2018, thực hiện trên 8 cá nhân tới từ Châu Âu và Nhật Bản, lần đầu tiên đã phát hiện hạt vi nhựa trong phân người.

Mặc dù đây chỉ là một bài thử quy mô nhỏ nhưng nó là hồi chuông cảnh tỉnh nếu chúng ta không muốn trong bữa tối chứa cả một cái túi nylon. Vì vậy, lần sau hãy cân nhắc khi vứt chiếc chai nhựa đi vì sớm thôi nó sẽ quay về với cơ thể của bạn. Hãy có trách nhiệm "thuần hóa" chúng thành một người bạn vô hại và hữu dụng chứ không phải là một con quái vật. Chúng vô tội, chúng ta mới là kẻ mắc sai lầm.
Mời các bạn xem full video tại đây!
Nguồn: Monster Box