Nghiên cứu mới được đăng tải trên tờ Scientific Reports, lấy dữ liệu từ 9.855 trẻ em tại Mỹ độ tuổi 9 đến 10 trong cơ sở dữ liệu ABCD Study (Adolescence Brain Cognitive Development). Tính trung bình, những trẻ trong độ tuổi này bỏ ra 2,5 giờ đồng hồ mỗi ngày xem TV hoặc video trực tuyến, 1 giờ chơi điện tử, và nửa tiếng đồng hồ dùng mạng xã hội. Sau 2 năm, các nhà khoa học lấy dữ liệu của hơn 5.000 trẻ trong số gần 10.000 ban đầu để so sánh. Trong quá trình đó, những bạn nhỏ chơi điện tử nhiều hơn con số trung bình 1 giờ kể trên có chỉ số IQ cao hơn trung bình 2,5 điểm.

Để có được kết quả này, các nhà khoa học dựa trên khả năng xử lý những bài kiểm tra bao gồm đọc hiểu, xử lý hình ảnh - không gian, bài kiểm tra tập trung khả năng trí nhớ, tư duy linh hoạt và khả năng tự kiểm soát của các bạn nhỏ.
Cũng có một điều cần nhắc đến là trong nghiên cứu này, các nhà khoa học không phân biệt rạch ròi giữa tác động của việc chơi game trên điện thoại di động hay trên những thiết bị chuyên biệt như console. Dù vậy kết quả nghiên cứu vẫn cho thấy những dữ liệu giá trị về mối tương quan giữa IQ và chơi game, cũng như củng cố cho ý kiến nói rằng IQ không phải một con số mà mỗi người sinh ra đều sở hữu và không thể thay đổi.
Nhà thần kinh học Torkel Klingberg thuộc viện nghiên cứu Karolinska tại Thụy Điển cho rằng: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng khoảng thời gian nhìn màn hình không gây ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng nhận thức của trẻ em, mà thực chất chơi điện tử còn có khả năng tăng cường trí thông minh cho trẻ.”
Các nhà nghiên cứu thừa nhận đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học chứng minh được mối tương quan giữa khoảng thời gian trẻ em chơi điện tử với quá trình phát triển khả năng nhận thức, hay những lợi ích khác.
Nhưng trong những nghiên cứu cũ, quy mô lấy mẫu quá nhỏ, hoặc phương pháp nghiên cứu và các bài kiểm tra được thiết kế khác nhau, hay việc thiếu cân nhắc tới những yếu tố như ảnh hưởng di truyền và kinh tế xã hội đã tạo ra những kết luận có phần mâu thuẫn về tác động tích cực cũng như tiêu cực của việc sử dụng thiết bị công nghệ nói chung và chơi game nói riêng đối với trẻ em. Dĩ nhiên nếu muốn kết hợp những yếu tố tác động khác, ví dụ như khoảng thời gian sử dụng thiết bị ảnh hưởng ra sao tới các bạn nhỏ, sẽ cần nghiên cứu thêm.
Ông Klingberg cho rằng: “Chúng tôi không kết hợp những yếu tố như tác động của việc sử dụng thiết bị với chất lượng giấc ngủ, sức khỏe tinh thần và thể chất, hay điểm số trên trường học, nên không thể nói bất kỳ điều gì về những vấn đề đó.”
Theo ScienceAlert