10 triệu mua điện thoại gì: So sánh Samsung Galaxy A8 Duos, Oppo R7 Plus và Sony Xperia M5 Dual
Phân khúc điện thoại tầm giá 6-8 triệu đồng đột ngột bùng nổ trong năm nay đã làm cuộc chiến của các sản phẩm ở tầm giá 9-12 triệu đồng đột nhiên trở nên bớt căng thẳng hơn hẳn. Mình tìm mãi mới được 3 chiếc điện thoại có thể coi là tương xứng ở tầm giá này: Samsung Galaxy A8 Duos giá 11 triệu đồng, Oppo R7 11.49 triệu và Sony Xperia M5 Dual là 10 triệu đồng. Nhìn chung, ngoại trừ M5 Dual hơi lỡ cỡ một chút thì 2 sản phẩm còn lại đều là phiên bản phablet của những chiếc điện thoại nhỏ hơn.
Thiết kế:
Không máy nào là hoàn hảo, cả ba máy đều có điểm yếu riêng trong phần này. Nếu như Sony Xperia M5 sử dụng khung nhựa, Galaxy A8 Duos lại dùng nắp nhựa sau lưng với viền hai bên khá lạ thì Oppo R7 Plus lại quá lớn.
Sony Xperia M5 là sản phẩm nhỏ gọn nhất, nó khá gọn gàng và gây ấn tượng ngay từ khi nhìn vào, chủ yếu là nhờ công lớn của cụm camera trước. Nếu bạn chọn phiên bản màu đen thì chúng ta sẽ thấy phần khung viền xung quanh màn hình hơi lớn hơn một chút so với hai đối thủ còn lại.
Điểm yếu của Sony Xperia M5 Dual là nó vẫn dùng khung nhựa, một đặc điểm hơi khó chấp nhận ở phân khúc 10 triệu trong năm nay. Thực tế thì chất lượng hoàn thiện của M5 Dual vẫn rất tốt nhưng rõ ràng chúng ta có quyền đòi hỏi cao hơn ở một chiếc điện thoại như vậy. M5 Dual có giá rẻ nhát nhưng Galaxy A8 và R7 Plus có màn hình lớn hơn rất nhiều. Những đặc điểm ảnh hưởng rất lớn đến giá tiền của máy.
Samsung đã tiến bộ hơn khi dùng thiết kế khung nhôm trên A8 nhưng họ vẫn duy trì nắp lưng nhựa, nhôm phủ lớp coating dày có cảm giác nhựa, điểm hơi làm giảm đi giá trị của máy. Nhìn vào nắp lưng A8 mình liên tưởng tới thời Galaxy S5, Có lẽ đây sẽ là năm cuối cùng Samsung dùng nắp nhựa trên các smartphone cao trung cấp của họ.
Oppo R7 Plus có giá cao nhất, thiết kế và chất lượng phần cứng của nó cũng xứng đáng với mức giá đó. Sử dụng khung nhôm nguyên khối, mặt sau nhôm và trước kính làm cho R7 Plus cao cấp và sáng chảnh hơn hẳn, dù không thể phủ nhận có một chút gì đó hơi iPhone ở đây. Đây cũng làm chiếc điện thoại cho cảm hứng chạm vào thích nhất, mình thích cảm giác cầm R7 Plus sử dụng hơn hẳn Galaxy A8 và Xperia M5
Lưu ý: Galaxy A8 và R7 Plus đều có cảm biến vân tay, tính năng khá thời thượng và đang được dùng để phân biệt điện thoại trung/cao cấp với các máy giá rẻ hơn. Cảm biến vân tay của A8 và R7 Plus đều thuộc loại hiện tại, không phải loại đọc quá nhanh như iPhone 6s hay khá nhanh như Note 5. Tuy vậy thì nếu xài bình thường thì bạn cũng không cần quá quan tâm đến điều đó.
Bù lại cho sự thiếu sót vân tay, Xperia M5 có thể hoạt động dưới nước ở độ sâu 1.5m trong vòng 30 phút, một ưu điểm rất lớn với những ai thích đi chơi và di chuyển nhiều.
Màn hình: Trên mức giá 10 triệu đồng thì chẳng ai còn xài màn hình 720p nữa (trừ iPhone). Tuy vậy, ở khoảng giá loanh quanh 9-12 triệu đồng thì thế hệ điều thoại hiện tại vẫn chưa đủ khả năng để lên màn hình 2K, chính vì vậy tất cả các đại diện đều dùng FullHD.
Oppo R7 Plus sử dụng màn hình AMOLED, Galaxy A8 là SuperAMOLED và Sony M5 là IPS LCD. Như thường lệ, mình luôn thích màn hình LCD hơn
Nói về độ sắc nét trước, không có gì ngạc nhiên khi Sony Xperia M5 nét nhất, một phần nhờ vào màn hình nhỏ, phần khác nhờ vào LCD. Bản chất của LCD RGB là 3 điểm ảnh RGB riêng biệt nên cùng kích cỡ và độ phân giải thì luôn sắc nét hơn AMOLED dùng Diamond Pentile của Samsung ở thời điểm hiện tại (không áp dụng với AMOLED RGB). Cả Oppo R7 Plus và Galaxy A8 đều là AMOLED Diamond Pentile, kích cỡ màn hình lớn hơn nên nó sẽ hơi thua thiệt về độ sắc nét so với Xperia M5, dù bạn sẽ phải có kinh nghiệm hoặc nhìn kỹ vào màn hình để thấy được điều đó.
Về góc nhìn, Sony Xperia M5 bị lộ nhược điểm khi thay đổi góc nhìn, màn hình của máy cho cảm giác sáng hơn hẳn so với các đối thủ, tuy nhiên khi bạn nghiêng máy sẽ thấy các đèn viền bị lộ khá rõ. Đây là điểm thường xuất hiện ở những máy giá thấp hơn. Ngoài ra, nếu bạn để độ sáng quá cao thì màn hình M5 sẽ bị cảm giác mất màu, nhìn "lỏng" đi đáng kể.
Sử dụng màn hình AMOLED, hai chiếc điện thoại từ Oppo và Samsung có góc nhìn tốt hơn hẳn, nhưng màu sắc của chúng cũng theo những cá tính khác nhau. Oppo trung tính hơn còn Samsung lại ngả về tone màu xanh ở chế độ mặc định. Cá nhân mình thấy nếu đứng một mình thì màn hình Sony là thích mắt nhất nhưng nếu để chung với nhau thì màn hình R7 Plus cân bằng hơn, dù nó vẫn có cảm giác bệt và không trong bằng.
Sức mạnh:
Mình chưa thấy năm nào mà tầm giá 10-12 triệu đồng lạ như năm nay. Cả 3 đại diện đều sử dụng ba nền tảng xử lý khác nhau. Oppo vẫn trung thành với SnapDragon 615 hơi lag nhưng ổn định, Sony lại chuyển sang MediaTek Helio X10 chạy khá nhanh dù bị tiếng giá rẻ còn Samsung dùng cây nhà lá vườn Exynos 5 Octa 5430.
Thông thường thì dòng chip series 6 của Qualcomm dành cho những máy ở khúc 8 triệu trở lên, thậm chí là có năm nó còn được dùng ở phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, càng ngày thì 6 series càng bị đẩy xuống dưới, có những máy 6 triệu đồng cũng dùng SnapDragon 615.
Thực tế cho thấy SnapDragon 615 và các con chip tương đương nó (như trong bài viết này) đều đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng. Chi khi bạn xuất phim mới thấy sự khác biệt còn thực tế sử dụng không khác nhiều lắm. Nhược điểm của của dòng chip trung cấp là nó có độ trễ lớn hơn các dòng chip cao cấp.
Tùy vào mục tiêu của nhà sản xuất mà họ quyết định chọn con chip nào và có xung nhịp khác nhau thế nào. Con chip Helio X10 trên Sony dùng 8 nhân Cortex A53, Oppo là SnapDragon 615 4 nhân 1.5GHz và 4 nhân 1GHz, đều là Cortex A53. Mức xung nhịp này thấp hơn một chút so với các con chip 615 mạnh nhất trên thị trường, có lẽ Oppo muốn ưu tiên hơn cho pin và nhiệt độ (khá lạ vì pin máy là cực kỳ tốt).
Samsung Galaxy A8 có bản dùng SnapDragon 615 hoặc Exynos Cortex A53 ở nước ngoài nhưng phiên bản Việt Nam dùng 4 nhân Cortex A15 và 4 nhân Cortex A7. Bù lại thì xung nhịp cơ bản của nó là 1.3GHz và tốc độ cao là 1.8GHz, cao hơn một chút so với SnapDragon 615 trên R7 Plus nên đôi khi sẽ nhanh hơn.
Về RAM thì R7 Plus và M5 có 3GB RAM, tuy vậy M5 lại chỉ dùng 16GB bộ nhớ trong còn R7 Plus là 32GB. Samsung Galaxy A8 2GB RAM và 32GB bộ nhớ trong. Bộ nhớ 16GB là một quyết định rất kỳ lạ của Sony, bạn chưa kịp cài gì thì đã báo xài gần hết dung lượng của nó.
Thử nghiệm thực tế cho thấy độ trễ, phản hồi, mở app của Samsung là thấp nhất, nó nhanh hơn Oppo R7 Plus trong tích tắc và nhanh hơn một chút so với Xperia M5. Quả thực mà nói thì SnapDragon 615 và các con chip tương đương bắt đầu gặp giới hạn ở đây, vấn đề của chúng không phải là yếu, mà là độ trễ cao hơn hẳn so với các máy cao cấp.
Thiết kế và cấu hình của máy cũng ảnh hưởng đến nhiệt độ. Nhỏ nhắn mà phải gánh con CPU có xung nhịp cao nên Xperia M5 nóng rất nhanh, đặc biệt là khi bạn coi phim hay chơi game. Khu vực nóng nhất của M5 là khu vực có logo Sony và cụm camera của máy.
Về phần Galaxy A8, nó là thiết bị nằm ở giữa, đỡ nóng hơn rất nhiều so với M5. Tuy vậy, khá bất ngờ là Oppo R7 Plus mới chính là chiếc điện thoại mát nhất dù toàn thân nó làm từ kim loại. Khi bạn chơi game nặng hay xem phim thì nó vẫn rất mát, ít có dấu hiệu bị quá nhiệt.
Xperia M5 được đầu tư camera khá chu đáo, từ phân cứng đến phần mềm. Độ phân giải 21MP là một lợi thế khi so sánh với OPPO R7 (13MP) và A8 (16MP). Độ chi tiết và độ nét của M5 cũng vượt trội so với hai đối thủ còn lại. Trong nhiều tình huống thiếu sáng và ánh sáng phức tạp, M5 xử lý tốt nhờ chế độ Superior Auto nhận diện cảnh và xử lý tối ưu cho từng trường hợp. Tuy nhiên đôi khi vì máy xử lý tối ưu ảnh nên tốc độ lưu ảnh hơi chậm. Về tốc độ lấy nét, M5 nhanh nhất trong ba thiết bị nhờ công nghệ Hybrid AF. Về cảm giác cầm máy, M5 có nút chụp ảnh cứng bên sườn máy, khi cầm ngang như máy ảnh thì tạo ra một tư thế vững chắc, chống rung tay và có thể sử dụng dễ dàng bằng một tay. Có ưu có khuyết, M5 thường xuyên bị nóng khi quay 4K và giao diện quá khó sử dụng. Sony đã giấu rất nhiều tính năng vào sâu trong menu Setting của chế độ M và khi người dùng thao tác khá khó khăn.
Ảnh từ Oppo R7 Plus
Về OPPO R7 Plus, đây là đại diện cao cấp nhất của OPPO năm nay, tạm thời thay thế cho Find 9 đang bị chậm trễ. Máy có nhiều tính năng chụp thông minh và độc đáo như chụp ảnh độ phân giải siêu 50MP, phơi sáng lên đến 32 giây và chế độ Selfie thông minh. Chế độ PRO (chuyên nghiệp) cho phép người dùng chỉnh nhiều thông số quan trọng để phù hợp với nhiều mục đích chụp khác nhau. Tốc độ chụp, xử lý và lưu ảnh của máy khá chậm vì vi xử lý 615 không thực sự quá mạnh. Khi gặp nhiều khoảnh khắc bất ngờ, người chụp có thể bị bỏ lỡ vì máy khởi động camera khá chậm và độ trễ giữa hai lần chụp liên tiếp khá lớn. Thuật toán xử lý ảnh Pure Image 2.0+ của R7 được thừa kế từ Flagship Find 7 với khả năng tái tạo màu sắc khá chính xác. Tuy nhiên ảnh chụp từ R7 Plus không có nhiều chi tiết và không có độ nét bằng hai đối thủ còn lại. Giao diện camera mới của ColorOS 2.1 đơn giản nhưng nhiều tính năng bị ẩn sâu vào Menu, một số chế độ mặc định bị vô hiệu quá so với Find 7. Về cảm giác cầm máy, vì kích thước lớn và nặng, không có nút cứng riêng cho chụp ảnh nên bạn cần phải dùng hai tay để sử dụng R7 Plus hiệu quả hơn
Ảnh từ Galaxy A8
Cuối cùng là Samsung A8, camera của thiết bị này vẫn mang những đặc trưng quen thuộc của dòng Galaxy như ảnh rực rỡ quá mức, ảnh trong trẻo, chụp đêm sáng đẹp và màu sắc nịnh mắt. Môt điểm cộng cho Samsung là máy có thể khởi động camera nhanh bằng cách nhấn hai lần nút HOME, giúp người dùng nhanh chóng bắt được các khoảnh khắc bất ngờ. Thuật toán xử lý ảnh của A8 có khả năng cân bằng trắng tốt trong phần lớn trường hợp, nhưng trong tình huống ánh sáng/màu sắc khó hoặc thiếu sáng thì A8 lại có xu hướng cân bằng trắng chưa chính xác. Giao diện của máy đơn giản, dễ dùng các các tính năng được đưa ra đầy đủ trong menu Setting. Tốc độ chụp của máy khá nhanh, ít có độ trễ. Về cảm giác khi cầm trên tay, kích thước máy lớn và viền mỏng nên việc chụp ảnh bằng một tay khá khó khăn.
Nhìn tổng thể, Xperia M5 có phần nhỉnh hơn hai đối thủ còn lại nhờ được thừa hưởng chế độ Superior Auto với khả năng nhận diện cảnh và xử lý tối ưu hơn
OPPO R7 tuy thừa hưởng công nghệ xử lý ảnh PureImage 2.0+ trên các mẫu điện thoại nổi tiếng về chụp ảnh như Find7 hay N3 nhưng thực tế lại phát huy không thật sự tốt. Tuy nhiên máy lại có những khả năng đặc biệt mà các đối thủ không có như phơi 32s, chụp ảnh siêu phân giải 50MP
Về A8, ảnh cho ra có độ sáng tốt, trong trẻo và nịnh mắt. Tuy nhiên khi gặp các màu sắc khó thì A8 xử lý cân bằng trắng chưa tốt, mất chi tiết nhiều.
Nhìn vào bảng so sánh thì các bạn cũng có thể thấy Oppo R7s là mạnh nhất và Xperia M5 là yếu nhất. Bọn mình đã thử các bài test chi tiết cho thấy R7 Plus hoàn toàn có thể hoạt động tới 2 ngày. Bất ngờ nhất là Samsung Galaxy A8 khi mà thời gian sử dụng của nó cũng rất tốt dù pin chỉ hơn 3000mAh.
Thời gian sử dụng pin là quan trọng nhưng có một yếu tố khác ngày càng phổ biến hơn trong thời gian gần đây: sạc nhanh. Xperia M5 là yếu nhất khi Sony không hỗ trợ sạc nhanh cho máy, hệ quả là bạn sẽ tốn gần hai tiếng rưỡi để sạc cho viên pin 2600mAh nếu dùng sạc zin, hơi đáng tiếc.
Samsung Galaxy A8 chỉ được tặng cục sạc 5V 2A đi kèm nên thời gian sạc cũng tương đương Xperia M5 (pin lớn hơn). Tuy vậy, nếu bạn đầu tư sạc nhanh ngoài thì thời gian sạc sẽ được rút ngắn đáng kể.
Oppo cho biết họ sạc đầy 75% pin trong 30 phút nhưng bọn mình cần tới 50 phút để làm điều này, có thể một phần vì điều kiện thử nghiệm. Dù sao thì tốc độ sạc này có thể nói là nhanh nhất với các giải pháp thương mại hiện tại, kể cả QuickCharge 3.0.
Kết luận: Nếu bạn muốn dùng một chiếc điện thoại gọn gàng, chống nước được và chụp hình rất đẹp thì Xperia M5 Dual là cực kỳ phù hợp. Nhược điểm của nó là pin trung bình, nóng và không có cảm biến vân tay.
Samsung Galaxy A8 dành cho bạn nào thích sử dụng điện thoại lớn vừa đủ, pin tốt, camera khá, có cộng đồng hỗ trợ rất tốt của Samsung và có cảm biến vân tay. Đây sẽ là một lựa chọn khá an toàn dù mình vẫn thích Samsung trang bị nắp lưng nhôm hơn là nhựa như vậy.
Oppo R7 Plus được cho là mắc nhưng màn hình 6" tạo cho nó khác biệt. Pin cực trâu, camera có một số tính năng độc đáo, cảm biến vân tay và đặc biệt là thiết kế toàn kim loại làm cho máy cao cấp hơn hai đối thủ còn lại. Tuy nhiên, kích cỡ lớn của máy không phù hợp với thị trường Việt Nam, khi mà hầu hết chúng ta đều đi xe máy.