Hình ảnh con bạch tuộc đốm xanh với chất độc chết người
Trong quá trình phân tích, phỏng vấn các tình nguyện viên được cho là bị trypophobia, họ phát hiện rằng một số người cảm thấy sợ hãi trước một con bạch tuộc đốm xanh và từ đó, họ nhận thấy rằng nỗi sợ này là một hành vi có được từ tiến hóa, giúp con người tự sợ hãi và tránh xa các con vật có khả năng độc hại, nguy hiểm.
Để kiểm chứng lại giả thuyết trên, nhóm tiếp tục thu thập 10 bức ảnh của các loài độc tính hàng đầu thế giới để phân tích, bao gồm sứa hộp, nhện lang thang Brazil, bò cạp deathstalker, rắn hổ mang chúa, cá nóc, cá mặt quỷ, ốc cối có vằn,... và một số loài khác.
Qua phân tích mô hình của các loài động vật này, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng các loài độc thường có những cấu trúc hình ảnh tương tự nhau và chúng đều kích thích trypophobia. Các hình mẫu này đã tạo áp lực lên con người để họ tránh khỏi nguy hiểm.
Nhà nghiên cứu Cole cho biết: "Có một kết quả tiến hóa cổ xưa nằm trong não chúng ta, nói với chúng ta rằng con vật trước mắt là có độc." Sự ghê tởm mà chúng ta cảm nhận được có thể cho chúng ta một lợi thế tiến hóa, thậm chí nếu chúng ta không ý thức được nó nhưng rõ ràng, chúng ta sẽ tránh xa thứ mà chúng ta ghê tởm. Do đó, Cole cho rằng "Mỗi người đều có xu hướng trypophobic mặc dù họ không nhận thấy. Chúng tôi phát hiện rằng nhiều người không mắc trypophobic nhưng vẫn tỏ ra kém thoải mái khi xem các bức ảnh trypophobic so với các bức ảnh khác."
Trong nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành quan sát một sinh viên của họ là An Trong Dinh Le, người mắc chứng trypophobia dữ dội. Và bằng nhiều thử nghiệm tâm lý học, nhóm đã phát triển biện pháp đo lường phản ứng của người mắc trypophobia trước những hình ảnh ghê sợ, từ đó tìm cách hạn chế nó. Cụ thể, họ đã phân tích kỹ lưỡng các bức ảnh để tìm ra đặc tính nào của bức ảnh khiến người ta khó chịu.
Kết quả, họ phát hiện những hình ảnh kích ứng trypophobia chứa nhiều đặc điểm khác so với những thứ khác trong tự nhiên, vốn có độ tương phản tổng quát cao (nhiều sự khác biệt về độ sáng giữa các chi tiết lớn) nhưng độ tương phản chi tiết thấp (không có nhiều khác biệt về độ sáng giữa những chi tiết nhỏ). Khi hình ảnh không có đặc điểm tự nhiên này, chúng thường sẽ gây sự khó chịu khi nhìn. Ví dụ bên dưới là 2 bức ảnh đã được điều chỉnh độ tương phản.
Bức ảnh bên trái đã lọc bớt độ tương phản và bên phải là ảnh gốc vốn dễ kích ứng trypophobia hơn.
Tuy nhiên, nhóm cho biết rằng vấn đề độ tương phản chỉ là một phần của nguyên nhân bởi lẽ trong tự nhiên cũng còn nhiều hình ảnh khác, cũng có các cấu trúc lặp lại, độ tương phản trái với tự nhiên nhưng lại không kích ứng trypophobia mà điển hình là các sọc trong thang cuốn. Cuối cùng, mặc dù nguồn gốc của chứng trypophobia vẫn chưa được giải quyết triệt để nhưng bằng các nghiên cứu trên đây, chúng ta cũng phần nào hiểu được bản chất bên trong của hiệu ứng này, từ đó giảm thiểu tác động xấu của nó đối với cuộc sống chúng ta.