Bức họa "The Next Rembrandt" nói trên chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bởi máy tính. Không chỉ hội họa, năm 2016 một truyện ngắn được viết bởi phần mềm máy tính của Nhật đã lọt vào đến vòng 2 của giải thưởng văn học quốc gia Nikkei Hoshi Shinichi Literary Award. Deep Mind - công ty nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo của Google cũng đã tạo ra một phần mềm có thể tái tạo âm nhạc bằng cách lắng nghe các đoạn ghi âm. Nhiều dự án khác còn cho phép máy tính làm thơ, chỉnh sửa hình ảnh và thậm chí là soạn nhạc.
Tuy nhiên, ai sẽ sở hữu những tác phẩm sáng tạo được tạo ra bởi trí thông minh nhân tạo (AI)? AI đã và đang được sử dụng để tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật trong các lĩnh vực như âm nhạc, báo chí, trò chơi điện tử và những tác phẩm này trên lý thuyết có thể được xem là miễn phí bản quyền bởi chúng không được tạo ra bởi một tác giả là con người.
Điều này có nghĩa các tác phẩm này có thể được sử dụng tự do và được sử dụng lại bởi bất cứ ai. Dĩ nhiên những công ty bán nội dung không hề mong muốn điều này bởi thử tưởng tượng xem bạn đầu tư hàng triệu đô cho một hệ thống để sản xuất âm nhạc cho trò chơi điện tử nhưng rốt cuộc sản phẩm từ hệ thống này lại không được bảo vệ bởi luật pháp và người khác có thể sử dụng mà không cần phải trả một xu.

Một tác phẩm được AI của Google tạo ra.
Nói như vậy thì máy tính nên được trao quyền tác giả? Không hẳn bởi máy móc không được hưởng các quyền và tư cách như con người theo luật pháp. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa không cần cấp tác quyền cho máy móc bởi lẽ ngay cả với con người thì không phải lúc nào tác quyền cũng được cấp cho các cá nhân mà còn là những công ty, tổ chức nữa.
Các công ty được công nhận là người đại diện hợp pháp và thường được trao tác quyền đối với những tác phẩm mà họ không trực tiếp tạo ra. Điều này vẫn hay xảy ra, chẳng hạn như khi một xưởng phim thuê một nhóm người để thực hiện một bộ phim hoặc một trang web thuê phóng viên viết bài. Do đó vẫn có thể cấp tác quyền cho một cá nhân hoặc công ty ủy quyền quản lý công nghệ AI.

Thêm nữa Tòa công lý châu Âu đã từng tuyên bố trước nhiều trường hợp rằng tác quyền chỉ áp đụng đối với các tác phẩm nguyên gốc và tính nguyên gốc này phải phản ánh "sự sáng tạo trí tuệ của chính tác giả." Điều này luôn được hiểu theo nghĩa những tác phẩm gốc phải phản ánh cá tính của tác giả, như vậy rõ ràng là cần phải có sự góp mặt của con người để một tác phẩm có thể được cấp tác quyền.
Mọi thứ đang trở nên phức tạp hơn khi mà các công cụ AI đang ngày càng được sử dụng phổ biến bởi các nghệ sĩ và máy móc cũng trở nên tinh vi hơn về khả năng tái tạo tác phẩm nghệ thuật, khiến chúng ta khó mà biết được tác phẩm được tạo ra bởi con người hay máy móc. Thêm vào đó, sự khác biệt về năng lực xử lý của máy tính và vai trò của nó trong hoạt động sáng tạo cũng là yếu tố cần phải thảo luận. Trong tình huống này thì chúng ta phải xác định hình thức bảo hộ tác quyền nào được áp dụng và nếu có thì tác quyền phải được cấp cho các tác phẩm được tạo ra bởi những thuật toán thông minh với sự can thiệp rất ít hoặc không có sự can thiệp của con người.
Hướng giải quyết khả thi nhất là cấp tác quyền cho cá nhân hay công ty tạo ra AI và nhiều quốc gia trên thế giới đang xem xét mô hình này. Việc cấp tác quyền cho chủ sở hữu AI sẽ đảm bảo các cá nhân hay công ty có thể tiếp tục đầu tư vào công nghệ, bảo vệ tài sản trí tuệ của mình và đảm bảo các lợi ích. Trước mắt là tác quyền, trong tương lai khi mà AI ngày càng trở nên thông minh hơn thì liệu chăng có nên cấp quyền lợi và tư cách cho AI như con người?
Theo: The Conversation