Yik Yak là mạng xã hội mở theo nghĩa "tuyệt đối": không cần tiểu sử, không cần mật khẩu, không cần thiết lập các mối quan hệ, các vòng quan hệ. Ai cũng có thể tham gia Yik Yak để tâm sự với những người... vô danh ở quanh mình.
"Ba mẹ tôi nói qua FaceTime: Ba mẹ rất vui được gặp con. Con có thể cho con chó ra trước màn hình được không?".
"Thưa thầy, em không đòi thầy phải dùng thìa đút cho em nhưng thầy đừng bắt em dùng đũa để ăn chi-li chứ!"
"Tớ vừa kiếm được món tiền sáu chữ số. Nhưng trong đó chỉ có ba chữ số có nghĩa thôi".
"Đôi khi mặt trăng trông giống củ cà rốt, nếu bạn đặt củ cà rốt phía trước mặt trăng và chỉ nhìn vào củ cà rốt".
"Đây là khái niệm bất định của Schrodinger áp dụng cho iPhone: Nếu chiếc iPhone bị đánh rơi úp mặt xuống đất, mặt kiếng có thể đồng thời vừa vỡ, vừa không vỡ, cho đến khi bạn nhặt lên xem".
"Nếu Internet Explorer đã đủ can đảm ngỏ lời muốn làm trình duyệt mặc định của tôi, tôi nhất định sẽ đủ can đảm để ngỏ lời mời bất cứ cô gái nào đi chơi".
"Đúng ngày này năm năm trước, tôi ngỏ lời mời một cô gái xinh đẹp đi chơi. Hôm nay tôi ngỏ lời hỏi cưới cô ấy. Cả hai lần cô ấy đều... từ chối".
"Khi ai đó nói với tôi I love you, tôi luôn nói I love you more vì đời là một cuộc tranh đấu và tôi phải thắng".
"Không gì bày tỏ được lòng tôn trọng người khác bằng cách nhắn tin Có gì mới không? vào lúc hai giờ sáng".
"Khi góp chuyện ở Yik Yak, tôi có cảm giác mình đang góp chuyện với mấy cô ngồi lê đôi mách".
Đó là những câu nói đùa tếu táo hoặc... triết lý vụn ở Yik Yak. Yik Yak đang được ưa chuộng trong nhiều cộng đồng sinh viên tại Mỹ.
Yik Yak là một diễn đàn hoàn toàn mở, nơi mà bất kỳ ai dùng iPhone hoặc điện thoại Android cũng có thể tham gia. Vào lúc mở ứng dụng Yik Yak lần đầu sau khi cài đặt, Yik Yak chỉ xin phép định vị người dùng bằng tín hiệu GPS (hệ thống định vị toàn cầu), không yêu cầu người dùng khởi tạo tài khoản.
Một khi định vị được người dùng, Yik Yak lập tức hiển thị những tin nhắn, gọi là yak, phát ra từ mọi người dùng trong phạm vi bán kính 1,5 dặm. Với cách hoạt động như vậy, Yik Yak rất giống với chế độ Nearby của Twitter (xem/gửi tin nhắn Twitter trong phạm vi gần). Nhưng khác với Twitter, người dùng Yik Yak chỉ biết những chuyện "lao xao" quanh mình nhưng không thể biết ai đang "lu loa".
Trang mạng Yik Yak giải thích sự cần thiết của tính vô danh: "Sự nổi tiếng, chủng tộc, giới tính, bản năng tính dục và diện mạo không có ý nghĩa gì ở Yik Yak. Điều duy nhất để đánh giá bạn chính là nội dung mà bạn phát biểu, không có gì khác. Do vậy, tính vô danh là điều tốt đẹp".
Yik Yak chủ yếu hướng đến người dùng là sinh viên các trường đại học (từ 17 tuổi).
Chiều dài tối đa của mỗi yak là 200 ký tự, tính cả biểu tượng cảm xúc (emoji). Người dùng Yik Yak (yakker) có thể tỏ thái độ "thích" hoặc "không thích" để tăng hoặc giảm điểm của từng yak. Chỉ cần có năm lượt "không thích", yak bị xóa lập tức. Đó là cách Yik Yak dựa vào cộng đồng để thanh lọc các yak tiêu cực. Để bắt đầu gửi yak, người dùng chạm vào biểu tượng "cây bút trên giấy" ở góc trên, bên phải màn hình.
Trong chế độ New mặc định, các yak được hiển thị theo trình tự thời gian. Yakker có thể chuyển qua chế độ Hot để hiển thị các yak theo thứ tự điểm: các yak sốt dẻo được hiển thị ưu tiên.
Yakker có thể bấm nút Peek ở cạnh dưới màn hình nếu muốn "nhòm ngó" các yak ở địa phương khác (trường đại học khác). Khi đó, yakker vẫn có thể đánh giá "thích" hoặc "không thích" đối với từng yak, nhưng không có quyền gửi yak.
Công ty Yik Yak do hai chàng sinh viên Đại học Furman (South Carolina) - Tyler Droll và Brooks Buffington - sáng lập vào cuối năm 2013. Droll theo ngành y trong khi Buffington theo ngành tài chính. Cả hai quen nhau trong một học phần về lập trình iPhone và quyết định gác việc học để cùng nhau khởi nghiệp trong lĩnh vực hoàn toàn khác với ngành học của mình.
Brooks Buffington (trái) và Tyler Droll.
Trước khi có Yik Yak, giới sinh viên không xa lạ gì với những tài khoản Twitter lấy tên giả, chuyên dùng để đùa giỡn, bông phèn. Những "tài khoản đùa" thường chỉ hoạt động được trong thời gian ngắn trước khi bị Twitter xóa bỏ. Điều đó khiến Droll và Buffington chợt nghĩ đến việc tạo ra một dịch vụ giống với Twitter nhưng xác lập tính vô danh như một chiến lược. Cả hai tin rằng tính vô danh sẽ thu hút cả những người nhút nhát nhất tham gia cuộc chơi. Có thể là bất ngờ thú vị nếu người dùng phát hiện được rằng một cô/cậu nào đó đang ngồi cùng giảng đường với mình có tính hài hước "không thể tưởng tượng được".
Theo cách hiểu thông thường, Yik nghĩa là "Yes, I Know" (ừ, tớ biết mà), Yak nghĩa là "You already know" (cậu biết rồi). Tên gọi Yik Yak gợi lên những chuyện "ba sàm ba láp". Yak còn là từ chỉ giống bò Tây Tạng, do vậy Droll và Buffington lấy hình đầu bò Tây Tạng làm biểu tượng cho Yik Yak. Bên dưới hình đầu bò Yik Yak có dòng chữ "đùa dai": Shipped from Tibet (được đưa đến từ Tây Tạng). Tuy nhiên, dường như đó không phải chỉ là trò vui hời hợt. Có lẽ Droll và Buffington đều hâm mộ văn hóa Phật giáo Tây Tạng khi đặt tên cho điểm số của người dùng là Yakarma (karma nghĩa là nghiệp).
Yakker càng tích cực, càng có nhiều yak được ưa thích, càng có nhiều lượt thích cho mỗi yak, điểm Yakarma càng cao. Nhưng nếu yakker chuyển qua dùng Yik Yak trên thiết bị khác, điểm Yakarma trở về mức ban đầu (100) như người dùng mới, vì tính vô danh là bản chất của Yik Yak.
Droll và Buffington thường xuyên đi đến nhiều trường đại học để thuyết trình, quảng bá cuộc chơi Yik Yak. Nỗ lực của cả hai được đền đáp nhanh chóng. Thành công đã đến như Droll và Buffington hình dung. Ứng dụng Yik Yak dễ dàng lọt vào tốp 20 ứng dụng mạng xã hội được ưa thích nhất tại Mỹ. Số yakker tăng nhanh. Hiện có không ít người đạt điểm Yakarma hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn.
Không có phần thưởng cụ thể nào cho yakker có điểm Yakarma cao. Điểm Yakarma chỉ là sự lượng định mức độ hóm hỉnh, mức độ thông minh của mỗi người trong cuộc chơi Yik Yak, đủ qúy giá để... khoe với bạn bè.
Biểu tượng Yik Yak thâm nhập giới sinh viên tại Mỹ.
Không chỉ là những chuyện đùa vui, "nghe qua rồi bỏ", Yik Yak đôi khi trở thành phương tiện để nhen nhóm, khởi động các hoạt động vì cộng đồng trong giới sinh viên. Droll và Buffington hy vọng Yik Yak có thể lan rộng ra nhiều nước, cuối cùng trở thành phương tiện lan truyền tin tức mạnh hơn Twitter nhờ tính vô danh.
Có điều không giống như Droll và Buffington hình dung. Dù Yik Yak quy định rằng chỉ dành cho người dùng từ 17 tuổi, Yik Yak bỗng nhiên lan qua nhiều trường trung học, trở thành trào lưu "nóng" với nhiều tiêu cực. Rất nhiều yakker, chủ yếu ở trường trung học, xem Yik Yak là phương tiện "ném đá giấu tay", nói xấu cá nhân, tung tin đồn nhảm.
Nhà bình luận Shaan Fye (tạp chí The Atlas Business Journal) nhận xét: "Khi đọc ngày càng nhiều câu chuyện về những nạn nhân của nhiều trò bôi nhọ trên Yik Yak, chúng ta càng hiểu được cảm xúc của họ. Vì mỗi tin nhắn có thể được "thích" (hoặc "không thích"), một câu ngắn ở Yik Yak có thể nhận được hàng chục, hàng trăm lượt thích và dễ dàng trở nên nổi tiếng. Điều này chỉ làm cho nạn nhân thêm đau khổ. Cậu ấy/cô ấy cảm thấy cả trường ghét bỏ mình, kể cả khi lời châm chọc ở Yik Yak chỉ câu đùa vớ vẩn, không ai xem đó là chuyện nghiêm túc".
Ở tuổi thiếu niên, dường như không tổn thương tâm lý nào có thể xem nhẹ. Nhà tâm lý học Keith Ablow (tạp chí FoxNews, 5/2014) khẳng định: "Yik Yak là ứng dụng nguy hiểm nhất mà tôi từng biết". Ablow xem Yik Yak là phương tiện truyền thông có hại, kích thích tính xấu ở con người nhiều hơn tính tốt. Ông mong cho Yik Yak... thua lỗ và "dẹp tiệm".
Trước phản ứng của xã hội, Yik Yak phải cấp tốc mua dữ liệu bản đồ chính xác và khoanh vùng hầu hết trường trung học tại Mỹ. Học sinh trung học không còn có thể dùng Yik Yak trong khuôn viên trường.
Trả lời báo chí, Buffington thừa nhận: "Chúng tôi đã ngây thơ. Ngay từ đầu chúng tôi chỉ thiết kế ứng dụng hướng đến sinh viên đại học. Việc dùng Yik Yak theo cách chúng tôi dự định đòi hỏi người dùng phải chững chạc và có trách nhiệm ở mức nhất định. Chúng tôi đã hình dung về người dùng Yik Yak một cách lý tưởng".
Mệt mỏi vì "danh phận" ở Facebook có thể khiến ai đó vồ vập Yik Yak với thái độ "xả van". Nhưng mọi người dùng Yik Yak đều có thể "chững chạc" hơn nếu họ biết rằng không bao giờ có tính vô danh thực sự. Chắc chắn Droll và Buffington đều hiểu rõ điều đó. Yik Yak từng cung cấp thông tin cho cảnh sát về vị trí của những người dùng rêu rao lời hăm dọa đánh bom. Và Yik Yak tin vào karma.
NGỌC GIAO