Đã 35 năm từ khi khái niệm HIV chính thức được công bố trên toàn thế giới. Cụ thể là từ những năm 1980, các nhà khoa học đã bắt đầu xác định được thủ phạm của căn bệnh với tốc độ lây lan nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu chính là virus mang tên HIV. Kể từ đó, HIV gần như là một bản án tử hình của những ai mắc phải nó. Ấy thế mà bạn có biết, thật ra trong vòng 35 năm qua, AIDS đã dần trở thành một căn bệnh mãn tính có thể kiểm soát được.
Hiện nay, ước tính có khoảng 1,2 triệu người đang sống cùng với HIV tại Mỹ và có hơn 50 ngàn người nhiễm mới tại Mỹ. Nhờ những bước đột phá trong công tác điều trị, những bệnh nhân HIV có thể kéo dài cuộc sống và đầy đủ, gần như là tiệm cận với người bình thường. Nói cách khác, chúng ta đang sống trong một thời đại mà các bác sĩ và bệnh nhân trong thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước chưa từng dám nghĩ tới: những bệnh nhân HIV chết vì già yếu chứ không chết do HIV (thật ra do những căn bệnh khác, nhiễm trùng cơ hội mà).
Thật vậy, hiện nay chúng ta đã có trong tai những chế độ điều trị giúp người bệnh vẫn sống tốt dù họ mang trong người căn bệnh thế kỷ này. Thậm chí là còn có cách chống phơi nhiễm, ngăn chặn truyền nhiễm bệnh và ngăn ngừa HIV với hiệu quả cao. Thế nhưng, vấn đề là nó chưa phổ biến đối với cả người Mỹ, người châu Âu lẫn nhiều nước khác trên thế giới.
HIV đã được kiểm soát như thế nào?
Từ trước năm 1996 thì đã xuất hiện những loại thuốc giúp kiểm soát HIV, nhưng đó vẫn chưa được hoàn thiện, đặt ra nhiều vấn đề đối với cả bác sĩ lẫn người bệnh. Quan trọng nhất, các loại thuốc này đều có độc tính rất cao và không ngăn chặn hiệu quả virus. Khi đó, người bệnh phải uống từ 4 - 5 viên thuốc mỗi giờ bất kể ngày đêm và kèm theo là những tác dụng phụ khủng khiếp như buồn nôn, ói mửa và đau dây thần kinh. Trong khoảng thời gian này, những người mắc HIV thường có nhiều khả năng chuyển sang giai đoạn AIDS và sau đó là cái chết.
Và trong năm 1996, các nhà nghiên cứu đã đánh một dấu son chói lọi trong công cuộc chống HIV bằng cách phát triển thành công một loại thuốc có thể ngăn chặn quá trình nhân bản của virus, từ đó chặn đứng sự lây lan từ tế bào bệnh sang tế bào lành, cho phép hệ miễn dịch có thể phục hồi và đánh bại những loại nhiễm trùng cơ hội khác, điển hình là viêm phổi. Đó, thật sự năm 1996 là một bước đột phá lớn là vậy. Bằng loại thuốc này, bệnh nhân có thể chống lại căn bệnh này. Và rồi loại thuốc này tiếp tục được hoàn thiện, khả năng ngăn chặn hoạt động của virus được tăng cao đáng kể, hệ miễn dịch ngày càng được bảo vệ tốt hơn, tỷ lệ chuyển sang giai đoạn AIDS cũng giảm xuống rất nhiều.
Tuy nhiên, các loại thuốc nói trên vẫn mắc phải vấn đề tương tự như hồi trước đó: bệnh nhân phải uống rất nhiều thuốc trong cả ngày. Đồng thời, giá thuốc rất cao nên đa phần những bệnh nhân thuộc các nước phát triển, thu nhập cao mới có thể đủ chi phí điều trị.
Phương pháp điều trị tốt hơn, cuộc sống được kéo dài hơn
Hiện nay, các bệnh nhân chỉ cần uống 1 viên thuốc duy nhất, mỗi ngày 1 lần với liều lượng cố định. Trong viên thuốc ấy được tích hợp nhiều loại thuốc khác nhau. Loại thuốc này sẽ dễ kiểm soát hơn, nhẹ nhàng với bệnh nhân hơn và cũng ít có tác dụng phụ hơn. Một tiêu chuẩn khác để đánh giá khả năng điều trị thành công là bệnh nhân phải bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt, ngay sau khi chẩn đoán là mắc bệnh và sẽ điều trị suốt quãng đời còn lại.
Và thành công này đã định nghĩa lại suy nghĩ của chúng ta về công tác phòng chống HIV. 5 năm trước, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng bệnh nhân càng được điều trị sớm thì HIV sẽ ít có khả năng tiếp tục sao chép, đồng thời khả năng truyền HIV cho người khác cũng giảm xuống đáng kể.
Vào năm 2012, cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép lưu hành loại thuốc chống phơi nhiễm HIV với tên gọi pre-exposure prophylaxis (PrEP). Hiện tại, trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) và tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều khuyến cáo sử dụng loại thuốc này cho những người có nguy cơ mắc HIV (phơi nhiễm). Loại thuốc này còn được sử dụng đồng thời với biện pháp can thiệp hành vi cho các đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao, thí dụ như quan hệ đồng tính hoặc cặp vợ chồng có 1 người đã nhiễm HIV.
Phác đồ điều trị suốt đời: không chỉ có thuốc mà còn chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh
Tại Mỹ hiện nay, hầu hết mọi bệnh nhân HIV đều có thể dễ dàng tiếp cận với các biện pháp chữa trị thông qua bảo hiểm hoặc các chương trình hỗ trợ khác. Và tất cả các loại thuốc này vô hình chung đã định nghĩa lại suy nghĩ của chúng ta về một cuộc sống với HIV và cách bệnh nhân sinh sống một cách lành mạnh cùng cộng đồng. Ở Mỹ, những người mắc HIV vẫn có thể học đại học, có thể đi làm, làm tình nguyện viên và có con. Họ không chỉ có thể sinh con mà còn có cả cháu và tất cả đều không mắc bệnh. Theo CDC, 1/4 những bệnh nhân HIV tại Mỹ đều vượt qua tuổi 55 hoặc lớn hơn nữa.
Tuy nhiên, ngay cả khi có biện pháp điều trị HIV hiệu quả thì cũng đừng quá thần thánh nó quá (nhiều bạn còn cho rằng có thuốc chữa HIV sẽ "chân trần" gì đó). Xin thưa quan hệ không an toàn không chỉ có nguy cơ HIV mà còn nhiều loại bệnh tình dục khác (STD) với độ nguy hiểm không kém. Trở lại vấn đề, mặc dù HIV đã được kiểm soát hiệu quả nhưng chính HIV vẫn là tác nhân dẫn tới các căn bệnh khác như tim mạch, ung thư, bệnh thận hoặc loãng xương.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác căn nguyên của vấn đề trên nhưng họ dự đoán rằng có thể nguyên nhân là do sự kết hợp từ nhiều yếu tố bao gồm cả tác dụng phụ của thuốc HIV và nguy cơ viêm tăng cao do chính căn bệnh gây nên. Và tất nhiên, các thói quen có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như thuốc lá, sử dụng hóa chất gây nghiện, lười vận động và chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng cũng có đóng góp không nhỏ dẫn tới các căn bệnh này.
Điều đó có nghĩa là không chỉ có thuốc điều trị mà người nhiễm HIV cần phải kết hợp với các loại thuốc hỗ trợ khác. Nhưng trớ trêu thay càng nhiều thuốc lại càng khó cho bệnh nhân, lại gia tăng nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ và tăng thêm gánh nặng cho cả họ lẫn bác sĩ. Hơn thế nữa, bởi vai trò của chế độ ăn uống và lối sống là rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của người bệnh mà đây cũng là điều khó kiểm soát nhất.
Biện pháp điều trị tuyệt vời đã xuất hiện nhưng không phải ai cũng tiếp cận được
Mặc dù WHO đã khuyến cáo rằng tất cả 36 triệu người đang sống chung với HIV trên toàn cầu cần phải được điều trị nhưng nhiều người trong số này hiện đang sống trong các nước đang phát triển, nơi mà thu nhập còn nghèo nàn, điều kiện sống còn khó khăn và trình độ dân trí còn thấp nên vẫn chưa thể tiếp cận đầy đủ các biện pháp chữa trị.
Một vấn đề khác, cũng không kém phần nghiêm trọng và xuất hiện ngay cả ở những nước đang phát triển chính là vẫn còn nhiều người không biết là họ đã mắc bệnh, từ đó không thể tiếp cận các biện pháp điều trị và hậu quả là bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn. Theo thống kê tại Mỹ, những người Mỹ gốc Phi, Mỹ Latin, những người đàn ông đồng tính và lưỡng tính, chuyển giới là các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nhưng lại ít kiểm tra sức khỏe định kỳ, dẫn tới cơ hội phát hiện bệnh bị giảm xuống. Mặt khác, sự kỳ thị của cộng đồng, sự xấu hổ của người bệnh cũng là rào cản khiến họ khó tiếp cận với các biện pháp chữa trị.
Cuối cùng, sau 35 năm chúng ta vẫn chưa có thuốc đặc trị hoặc vắc xin ngừa HIV hay nói cách khác là một biện pháp ngăn chặn triệt để căn bệnh này. Tuy nhiên, nếu nhìn lại quãng đường phát triển 35 năm qua thì thật sự, ngày nay là một thành quả đáng để các nhà khoa học ăn mừng. Tính tới năm 2015, tuổi thọ của một bệnh nhân HIV đã xấp xỉ với một người bình thường không có HIV, một điều dường như không tưởng trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, bài toán vẫn còn chưa có lời giải đáp, đáp số vẫn còn bỏ trong nhưng rồi đây, bằng sức mạnh của khoa học kỹ thuật thì chúng ta tin rằng, ngày đó rồi sẽ không xa nữa.