Những hướng đi của các " ngân hàng tương lai" đang dần xuất hiện. Đó có thể là những giải pháp thanh toán di động và chip thay cho thẻ tín dụng truyền thống, hay như vài ngân hàng đã di chuyển toàn bộ giao dịch của mình lên hình thức online để tiết giảm chi phí, một số khác thì hợp tác với các công ty bán hàng với sự cho phép của người dùng để giúp mua bán dễ hơn. Thậm chí, một số ngân hàng còn sử dụng những giải pháp đám mây để nâng cao năng lực xử lý thông tin của mình. Trong bài này, mời các bạn xem qua một số hướng đi tương lai của ngân hàng mà có liên quan đến công nghệ số.
Thẻ tín dụng được thay thế bởi smartphone và chip
Chris Skinner, tác giả quyển sách Digital Bank, dự đoán rằng thẻ tín dụng bằng nhựa sẽ sớm biến trong khoảng 10 năm tới. Thay cho nó sẽ là những giải pháp thanh toán được tích hợp trong điện thoại và xa hơn nữa là trong các thiết bị đeo được, quần áo và nhiều vật dụng khác mà người ta có thể dễ dàng mang theo bên người.
Hiện tại ở vài nước Châu Âu người dân đã có thể thanh toán tiền xăng bằng điện thoại của họ. Một ứng dụng của ngân hàng sẽ xác định vị trí trạm xăng đó ở đâu và người dùng chỉ cần nhập vào lượng xăng đã đổ, nhãn hiệu xăng và số hiệu cây xăng là tiền sẽ tự động được tính ra. Tiền ngay sau đó sẽ được thanh toán và hệ thống tự động của trạm sẽ bắt đầu bơm xăng vào xe. Biết đâu trong tương lai, tự bản thân chiếc xe cũng có thể thực hiện hết những công đoạn này, khi đó bạn chỉ cần lái xe đến gần cây xăng, để bơm vào bình là mọi chuyện sẽ tự động hóa hết.
![]()
Ở nhiều quốc gia khác người dân cũng đã được phép dùng smartphone có chip NFC để trả tiền đi tàu, đi xe buýt. Chúng ta có thể nhìn thấy tương lai vài năm tới đó là người ta thậm chí còn không cần đến điện thoại nữa, chỉ cần một cái nhẫn hay cái đồng hồ là đủ. Và để rút tiền từ ATM, chúng ta cũng không cần thẻ ngân hàng - một chiếc smartphone là đủ rồi.
Skinner tin rằng một nền kinh tế mà phương thức thanh toán là chip và online thì lượng tiền mặt tồn tại sẽ không vượt 30%. Chắc chắn là tiền mặt sẽ còn lâu lắm mới biến mất hoàn toàn, ngay cả ở một quốc gia tiên tiến như Thụy Điển mà vẫn còn 30% giao dịch là bằng tiền mặt, 70% còn lại là từ thẻ, online và các phương thức khác không dùng tiền mặt.
Chi nhánh ngân hàng biến thành các showroom
Mục đích chính của các chi nhánh ngân hàng bán lẻ trong thế kỉ 20 đó là tạo ra một nơi mà khách hàng có thể gửi tiền vào, rút tiền ra hoặc chuyển tiền đi nơi khác. Còn trong thế kỉ 21, điều này không còn quá cần thiết. Vì sao phải đứng xếp hàng khi bạn có một app hay website có thể làm chuyện tương tự ở nhà? Vì sao bạn cần phải đứng chờ hỏi thông tin khi bạn có một call center để gọi đến. Trong tương lai, các chi nhánh này sẽ biến thành những showroom nơi khách hàng được chỉ cách xài giải pháp thanh toán di động hay thanh toán trực tuyến, cũng như là nơi để ngân hàng trình diễn những sản phẩm, dịch vụ mới của mình mà thôi.
Những công ty dạng này thực chất đã xuất hiện rồi. Năm 2012, ngân hàng mBank ở Phần Lan công bố về cấu trúc ngân hàng điện tử. Trong đó, khách hàng của mBank có thể thực hiện thanh toán qua Facebook cũng như xài các dịch vụ video. mBank đóng của hầu hết những chi nhánh của mình, còn chi phí dùng để duy trì những chi nhánh này thì được chuyển cho khâu quảng cáo và phát triển dịch vụ. Kết quả là 75% lượng khách hàng hiện tại của công ty đã chuyển sang hình thức giao dịch online.
![]()
Atom là một ví dụ khác của ngân hàng điện tử. Trong năm nay, tổ chức tài chính tại Anh này đã nhận được giấy phép thành lập ngân hàng và hiện đang chuẩn bị để ra mắt rộng rãi. Atom chỉ cung cấp dịch vụ thông qua ứng dụng di động và các thiết bị đeo được ma thôi. Để mở tài khoản, người dùng chỉ cần download ứng dụng về, đăng kí, chọn loại tài khoản, gửi hình ảnh của chứng minh nhân dân và cung cấp các thông tin cá nhân. Rõ ràng, cách này thì tiện hơn nhiều so với việc phải ra ngân hàng ngồi chờ. Tất nhiên, Atom có những cách riêng để xác thực thông tin và giảm rủi ro cho mình.
Hợp tác với các bên bán hàng
Ngân hàng có thứ mà Google, Facebook và hàng nghìn cửa hàng online khác không có: quyền truy cập vào thông tin cá nhân của người dùng. Ví dụ, một công ty bán vali không biết được khách hàng tiềm năng của họ vừa mua một chiếc vé đi Thái Lan. Trong khi đó, một cửa hàng trang sức không biết rằng ngày mai là sinh nhật của vợ một khách hàng thân thiết. Nếu công ty bán vali biết được thông tin cá nhân của khách, họ đã có thể bán cho anh ấy một cái hành lý xách tay, và nếu công ty bán đồ trang sức biết thông tin về ngày sinh của người vợ thì có thể đã bán được một cái vòng cổ.
Ngân hàng có tất cả những thông tin cá nhân nói trên, tuy nhiên họ không có quyền cung cấp nó một cách rộng rãi. Nhưng nếu người dùng cho phép thì đó lại là chuyện khác, và các ngân hàng khi đó sẽ kiếm được nhiều tiền hơn khi hợp tác với các bên bán hàng. Người dùng có lợi ích là kiếm được món đồ mình muốn nhanh hơn, giá tốt hơn, đúng thời điểm hơn, ngân hàng thì thu hoa hồng của giao dịch, người bán thì bán được món đồ sớm hơn. Hiện tại, một trong những ngân hàng lớn nhất ở Đông Âu - Ukrainian PrivatBank - đã bắt đầu áp dụng chính sách này.
Hệ thống theo dõi chi tiêu thông minh
Bạn đã từng nghĩ đến việc ngân hàng sẽ giúp bạn theo dõi chi tiêu của mình một cách hiệu quả hơn hay chưa? Bạn thèm đi xem Taylor Swift hát và post lên Facebook: "Phải mà có tấm vé nhỉ". Ngay lập tức nhân viên của ngân hàng sẽ nhắn tin cho bạn rằng "tài khoản của bạn vẫn còn đủ tiền cho tấm vé đó, và chúng tôi cũng đã tìm thấy một cái cho bạn. Bạn có muốn mua không?" Hoặc nếu bạn post lên Twitter: "Chắc mai phải đi mua một con Jaguar về lái quá" thì ngân hàng sẽ nhắn tin: "Bạn đã xài âm 20.000 đô rồi đó, dừng lại đi!".
Nói chung, ngân hàng sẽ có nhiều thông tin cá nhân của người dùng hơn so với ngày nay và nó sẽ được sử dụng để giúp chính khách hàng của họ chứ không gây hại gì. Tất nhiên, mọi thứ đều phải được người dùng cho phép, nếu không thì sẽ vi phạm đến chính sách quyền riêng tư. Công nghệ sẽ giúp việc ra quyết định cho vay mượn trở nên dễ hơn, cũng như giúp khách hàng chi tiêu hợp lý hơn và tránh tình trạng chi vượt thu nhập quá nhiều.
Thời đại của API mở
Mỗi ngân hàng đều có hệ thống thông tin riêng, được phát triển bởi các lập trình viên khác nhau qua nhiều thế hệ khác nhau. Theo năm tháng, những dòng code càng lúc càng nhiều khiến sự sáng tạo trở nên khó khăn hơn. Hệ thống này phức tạp, cồng kềnh và việc thay đổi trở thành một vấn đề rất lớn. Ngoài ra, dữ liệu của ngân hàng cũng rất khó truy cập bởi các đối tác bởi ngân hàng không đưa ra một giao diện lập trình (API) chung nào để họ xài cả.
Để giải quyết vấn đề trên, ngân hàng Fidor đã chuyển tất cả hệ thống của mình theo kiểu đặt API lên hàng đầu. Họ thiết kế lại hệ thống để các API có thể đưa ra dữ liệu cho web, cho app một cách đồng nhất. Ngay cả các đối tác của ngân hàng cũng có thể xài các API đó để truy cập và giúp khách hàng thanh toán nhanh chóng hơn. Nhờ đó, khách hàng của Fidor có thể nhanh chóng chuyển tiền bằng Twitter và làm nhiều thứ khác. Ở Đức hiện cũng đã có một số API được chuẩn hóa để bất kì app nào cũng có thể truy cập vào dữ liệu của bất kì ngân hàng nào, tất nhiên lúc đó người dùng phải cung cấp đúng số tài khoản / mật khẩu và bản thân app đó cũng phải được ngân hàng kiểm tra kĩ trước khi cấp quyền sử dụng API.
Đám mây
Theo Forbes, ngân hàng hiện đang tích cực di chyển lên mây vì họ cần sức xử lý mạnh mẽ và việc phải quản cả một hạ tầng kĩ thuật đồ sộ như vậy là quá đắt đỏ. Thay vào đó, khi lên mây, họ có thể dùng cá hạ tầng của bên thứ ba với mức độ an ninh cao và tiết kiệm chi phí hơn. Năm 2013, ngân hàng DNB của Hà Lan đã sử dụng Amazon Web Services để giúp vận hành một số sản phẩm của mình, bao gồm website, app di động, nền tảng ngân hàng bán lẻ và xử lý, phân tích rủi ro tín dụng. Điện toán đám mây cũng được sử dụng bởi nhiều ngân hàng khác như Robeco ở Hà Lan, Suncorp Bank Australia ở Úc và nhiều nơi khác.
![]()
Nguồn: The Next Web