TV Q9F 2018 tiếp tục trở lại trên Tinh Tế với chủ đề mới là trở thành trung tâm của hệ thống giải trí tại gia. Dù yêu hay ghét dòng TV QLED của Samsung, thật khó mà phủ nhận việc nằm dài trên ghế salon xem bóng đá trên chiếc TV 4K HDR 65 inch trị giá 120 triệu quả thật là rất sướng các bạn ạ.
Samsung Q9F là cái tên có lẽ là quá quen thuộc với anh em Tinh Tế rồi, nếu lỡ ai mà chưa biết thì có thể tham khảo tại đây: Cảm nhận chiếc TV 120 triệu Samsung QLED Q9F: vẫn đắt xắt ra miếng. Đây là dòng TV QLED cao cấp nhất của Samsung tại Việt Nam trong năm 2018, nhưng có lẽ được biết đến nhiều nhất là nhờ chiến dịch quảng bá không mấy "được lòng anh em". Mà thật ra mình cũng chẳng quan tâm họ quảng cáo bên ngoài như thế nào, nhưng Tinh Tế trước nay chắc cũng đăng cỡ chục bài khẳng định rằng QLED nó không có phải là OLED, mà nó là TV LCD sử dụng công nghệ chấm lượng tử. Dù tần suất hơi liên tục nhưng mỗi lần như vậy anh em đều rất nhiệt tình bình luận ở dưới nhắc lại đúng y chang những gì mình viết với 50 sắc thái cảm xúc khác nhau, có lẽ sợ nhiều thành viên "vội vã" chỉ xem tiêu đề hiểu nhầm. Âu chăng đó cũng là điều đáng quý, mong anh em tiếp tục phát huy.
Quay trở lại với Q9F, với tình hình kèo trên gãy liên tục của World Cup 2018 thì khó có khả năng lượng đối tượng sẵn sàng bỏ tiền sắm TV trăm triệu về coi đá bóng sẽ tăng lên. Nhưng nếu bạn là người sẵn sàng trả 120 triệu cho một chiếc TV, Samsung Q9F sẽ đem lại trải nghiệm rất ấn tượng về hình ảnh cũng như thay đổi hoàn toàn góc giải trí gia đình. Ủa vậy còn những hãng khác thì sao? 120 triệu tội tình gì sắm TV LCD QLED mà không mua luôn TV OLED, "nghe nói" là chất lượng hình ảnh đẹp hơn. Xin thưa là suy nghĩ như vậy là hoàn toàn logic, hoàn toàn hợp tình hợp lý đối với những anh em hổng có tẹo ý định nào sắm cái TV này cả. Đời nói chung là cũng có nhiều sự ngang trái, giống như người Việt ghét đồ Trung Quốc nhưng ai đụng đến Xiaomi là fan gạch cho sấp mặt.
TV QLED Q9F mình khẳng định luôn là hình ảnh tổng thể hổng có đẹp bằng TV OLED đâu, nhưng nó vẫn nhỉn hơn ở một số điểm như độ sáng và đó đôi lúc là yếu tố quyết định giúp nó đem lại trải nghiệm tốt hơn trong một số trường hợp. Ừa thì đây vẫn là TV LED, nhưng việc bổ sung chấm lượng tử và LED nền full-array giúp chất lượng hình ảnh của nó tốt hơn nhiều so với TV LED bình thường. Đánh đồng hai cái đó với nhau thì khác gì là đánh đồng Air Blade với SH với lý do chúng đều là xe tay ga, đúng về bản chất nhưng sai về đẳng cấp các bạn ạ.
Mình đánh giá cao là khả năng giấu dây của Q9F, có thể nói là xuất sắc nhất trong tất cả các hãng hiện nay. Giải pháp Invisible Connect của Samsung sử dụng một sợi cáp nhỏ để đưa tất cả kết nối ra một thiết bị bên ngoài gọi là One Connection.
Chính vì vậy mà bạn có thể dễ dàng thiết lập một góc giải trí gọn gàng, không bị dây nhợ gây phân tâm khi thưởng thức nội dung. Điều này có quan trọng không? Hỏi bất kỳ dân chơi HD kỳ cựu nào thì câu trả lời luôn là có.
Nhắc đến TV QLED Samsung thì dĩ nhiên là không thể không nhắc đến hệ điều hành Tizen. Nếu mục đích sử dụng TV để giải trí thì Tizen đáp ứng rất tốt, với giao diện và độ mượt có thể nói là tốt nhất trong các hệ điều hành Smart TV hiện nay. Dĩ nhiên là về ứng dụng thì không thể phong phú như Android TV, nhưng giờ Netflix, FPT Play, YouTube, Film ,... không đáp ứng nổi nhu cầu về nội dung của bạn thì mình nghĩ rằng những hệ điều hành khác chưa chắc đã có thể làm bạn hài lòng.
Và nói về remote thì Samsung QLED gần như không có đối thủ, đẹp và dễ sử dụng. Bạn có điều khiển bằng các phím cứng theo cách truyền thống hoặc bằng giọng nói. Điểm trừ là Samsung vẫn chưa hỗ trợ tiếng Việt như... bao hệ điều hành khác. Một điểm khá hay của TV Samsung là có khả năng nhận diện các thiết bị phát, và trong một số trường hợp như set-top box thì sẽ cho phép bạn điều khiển chúng bằng remote TV.
Khoảng 3 năm trở lại đây Samsung đã theo đuổi phong cách thiết kế 360 độ, tức là chú trọng về thẩm mỹ của TV không chỉ ở phía trước mà còn ở phía sau. Đối với họ, TV không chỉ đơn thuần là một thiết bị giải trí mà còn là một phần nội thất, đem lại vẻ đẹp cho ngôi nhà của bạn. Nhưng thông thường TV chỉ đẹp khi mở, còn tắt thì nó chẳng khác gì một bức màn đen khá vô dụng. Và đó là lý do tính năng Ambient Mode ra đời.
Ambient Mode, hay còn gọi là chế độ hình nền, cho phép biến TV trở thành một "bức tranh" khi bạn không sử dụng. Chế độ này có tốn điện không, câu trả lời là có. Nhưng mà nếu bạn có đủ tiền sắm TV 120 triệu mà quan ngại sâu sắc trả thêm vài chục ngàn tiền điện mỗi tháng thì có lẽ là khá ngang trái. TV QLED về bản chất vẫn là TV LCD/LED nên độ bền cao hơn cũng như không sợ bị lưu hình, cho làm trang trí thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều nên bạn cứ yên tâm.
Tóm lại thì cái bài tưởng chừng dài vô tận nói tràng giang đại hải này chỉ có một mục đích duy nhất thôi, khẳng định với bạn rằng cái TV QLED Q9F 65 inch giá 120 triệu xài rất ư là đã. Bạn có thể đưa ra rất nhiều phân tích logic, nhưng không gì có thể thay đổi được việc đương kim vô địch Đức đã về nước, đội bóng một người Bồ Đào Nha vẫn vào vòng trong, thánh lật Toyota Fortuner vẫn chạy đầy đường. Nghĩ logic là một chuyện, nhưng trải nghiệm thực tế chưa chắc logic bạn nghĩ đã là đúng. Điển hình là trận Đức - Hàn hôm qua đá thế thì hỏi sao mà không thành cựu vương ngay vòng bảng.