Yusaku Maezawa - tỷ phú đã ký hợp đồng tham quan Mặt Trăng bằng tên lửa BFR do SpaceX phát triển và những người đi cùng ông ta có thể sẽ không gặp những về đề về thị lực, mật độ xương hoặc cơ bắp như những gì mà các phi hành gia phải chịu đựng sau hàng tháng trời khi sống trong không gian. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những hành khách này sẽ không phải chịu bất kỳ rủi ro hoặc khó khăn nào tác động đến sức khỏe.
Khi tên lửa bắt đầu được phóng lên từ mặt đất, hành khách bên trong phi thuyền sẽ trải nghiệm lực đẩy gấp 3 lần lực hấp dẫn mà họ vốn đã quá quen thuộc ở Trái Đất. Điều đó khiến quá trình bơm máu từ tim lên đến não gặp khó khăn. Nếu không được huấn luyện để có tư thể ngồi chính xác, máu có thể đi ngược từ não đến chân và khi đó thì họ sẽ bị bất tỉnh hoặc thậm chí là tử vong. Chính vì vậy, việc phân tích tình hình sức khỏe tim mạch của các hành khách để đảm bảo an toàn cho suốt chuyến đi là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng.
Khi hành khách rơi vào trạng thái không trọng lượng, họ sẽ bắt đầu cảm thấy nôn mửa. "Bất cứ ai khi tham gia du hành không gian đều chuẩn bị trước tinh thần bị say sóng và cảm nhận được khi nào đang đi xuống và lúc nào thì đi lên", Jennifer Fogarty - người đứng đầu chương trình nghiên cứu con người tại NASA cho biết. Những phi hành gia từng đi vào vũ trụ vài lần có thể sẽ dễ dàng thích nghi hơn, nhưng đối với Maezawa và những người đồng hành, họ hoàn toàn không biết trước chuyện gì sẽ xảy ra với cơ thể mình.
Nguyên do bởi vì không có một tình trạng say sóng nào tương tự như say sóng khi đi tàu vũ trụ, không phải là cảm giác say xe, lại chẳng phải là say tàu lượn siêu tốc. Con người hoàn toàn phụ thuộc vào trọng lực và việc cố gắng loại bỏ nó là cảm giác không hề dễ chịu. Thật ra cảm giác say này sẽ kéo dài trong vài ngày, nhưng đối với một tour tham quan Mặt Trăng chỉ diễn ra trong 4-5 ngày, đó thật sự là vấn đề. Điều đó nghĩa là trong suốt hành trình, những hành khách sẽ phải chịu đựng cảm giác khó chịu. Thuốc chống buồn nôn có thể giải quyết vấn đề nhưng nó lại có thể khiến hành khách bị buồn ngủ.
Một mối nguy hiểm khác mà chúng ta thường nghe nói đến khi di chuyển ngoài không gian chính là bức xạ vũ trụ. Phi hành gia làm việc trên trạm Vũ trụ Quốc tế ISS được bảo vệ trước những tia bức xạ này bởi lớp vỏ của trạm và từ trường của Trái Đất. Trong hành trình từ Trái Đất đến Mặt Trăng, nhóm của Maezawa sẽ chịu lượng bức xạ nhiều hơn nhưng thời gian tiếp xúc lại ngắn hơn.
Tuy nhiên, lượng bức xạ này có thể sẽ tăng vọt nếu không may chuyến đi được diễn ra ngay khi Mặt Trời phát ra những bức xạ mang hạt tích điện vào trong vũ trụ. Khả năng này rất thấp khi tổng thời gian của chuyến đi chưa đến 1 tuần, nhưng nếu xảy ra, hành khách trên phi thuyền sẽ phải hứng chịu lượng bức xạ tương đương với 6 tháng chỉ trong vài ngày. Trong trường hợp xấu nhất, điều này sẽ khiến cho họ cảm thấy buồn nôn và mệt mỏi.
Đối phó với vấn đề này trên trạm ISS, NASA có trang bị hệ thống cảnh báo sớm, đồng thời bố trí những nơi ẩn nấp đặc biệt bên trong trạm để phi hành gia không bị ảnh hưởng nhiều bởi tia bức xạ. Năm ngoái, CEO SpaceX - ông Elon Musk từng chia sẻ "nơi trú bão Mặt Trời" là một phần cần thiết đối với thiết kế bên trong tàu vũ trụ.
Nhưng trong buổi họp báo gần đây nhất, ông không nói chi tiết hơn về vấn đề này. SpaceX đặt mục tiêu đến năm 2023 thì chuyến đi tham quan Mặt Trăng này sẽ được thực hiện và ông Musk cũng thừa nhận không đảm bảo mọi chuyện diễn ra đúng như dự kiến, nhưng cam đoan sẽ thúc đẩy tiến độ dự án càng nhanh càng tốt.
Du hành không gian ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe chúng ta?
Nguồn: The Verge
Cập nhật công nghệ từ Youtube tại link: https://www.youtube.com/channel/UCOxeYcvZPGf-mGLYSl_1LuA/videos
Để tham gia khóa học công nghệ truy cập link: http://thuvien.hocviendaotao.com
Mọi hỗ trợ về công nghệ email: dinhanhtuan68@gmail.com
