benchmark đã từng là một tiêu chuẩn mà các hãng đem ra ganh đua nhau, được anh em đem ra so sánh để chứng minh máy mình ngon hơn, ở cái thời mà vọc ROM còn phổ biến thì mỗi ROM lại còn có điểm cao thấp khác nhau để biết máy chạy ngon không. Tuy nhiên, điểm benchmark chưa bao giờ là thứ phản ánh được toàn diện máy mạnh hay không, và chuyện thiết bị Android chạy mượt hay không lại là thứ khác hoàn toàn nữa. Anh em không bao giờ nên dựa vào số benchmark để đánh giá máy cả.
Benchmark không nói lên được hết câu chuyện
Đầu tiên, chúng ta cần biết bản chất của việc benchmark là gì. Benchmark là để ép cho máy chạy gần hết công suất cực đại mà nó có thể đạt tới để xem thử sức mạnh tới đâu. Từ ngày xưa người ta đã dùng cách này để đánh giá máy tính, kể cả các dàn máy bình thường, laptop cho đến so kè khi ép xung.
Nhưng bạn đừng quên rằng khi điện thoại chạy bình thường, ít khi nào nó cần kích lên tới mức hiệu năng tối đa, cả cho CPU lẫn GPU và các bộ xử lý tín hiệu khác nếu có bởi chuyện này sẽ đốt pin của điện thoại nhanh không tưởng tới mức bạn chỉ cần xài sơ sơ được một tí là sẽ cạn pin và phải cắm sạc lại. Đó là lý do mọi hãng đều có một cơ chế tối ưu mà họ thường gọi là power optimization strategy.
Đúng như cái tên này gợi ý, "chiến lược" tối ưu sẽ tùy hãng sản xuất quyết định chứ bản thân hãng làm chip hay Google cũng không can dự nhiều ở cấp độ hệ điều hành. Ví dụ, dòng máy chuyên chơi game sẽ được áp cơ chế tiết kiệm pin theo kiểu ưu tiên sức mạnh, tức là khi nào cần mạnh thì cho đụng nóc luôn, không cần kềm lại. Nếu cần, chiến lược này có thể yêu cầu Android tắt hết các app và dồn mọi nguồn lực về CPU, RAM, GPU cho game mà bạn vừa chạy lên. Cũng có thể hãng sẽ chỉ định với app dạng nào thì sẽ cần phân bổ bao nhiêu nhân xử lý chẳng hạn.
Việc sử dụng các công cụ benchmark để xem mức tối đa mà máy có thể chạm tới là chuyện hợp lý, bởi khi đó thuật toán tối ưu sẽ bắt đầu hoạt động và bản thân các hãng cũng sẽ biết được họ đã làm tốt hay chưa. Đây là lý do vì sao chúng ta thỉnh thoảng thấy điểm benchmark của một chiếc smartphone chưa ra mắt nào đó bị rò rỉ trên các công cụ bench như Geekbench hay 3DMark. Các app benchmark sẽ chạy gần giống như game, chúng yêu cầu nhiều sức mạnh đồ họa để xử lý hình ảnh, nhiều sức mạnh CPU để tính toán các thể loại phép tính, và cần cả RAM. Đây là lý do vì sao người ta lại thích xài app benchmark như vậy.
Quay trở lại việc tối ưu khi sử dụng bình thường, các hãng tối ưu là để bạn có được sự cân bằng giữa độ mượt và thời gian dùng pin, và đảm bảo rằng khi nào cần mạnh là có mạnh, khi nào cần yếu là có yếu. Và bởi vì app benchmark chỉ nói lên câu chuyện lúc máy chạy mạnh nhất, bạn không thể dùng nó để đánh giá xem một chiếc máy có chạy mượt hay không ở tình huống sử dụng bình thường.
Đó là chưa kể độ mượt còn bị ảnh hưởng nhiều bởi thị giác của chúng ta liên quan tới các hiệu ứng chuyển động của giao diện. Những hiệu ứng này là thành phần cực kì quan trọng, Google thậm chí còn có cả 1 chỉ dẫn riêng chỉ dành cho chuyển động của app nên như thế nào để các lập trình viên làm theo. Nếu làm tốt, app trông có vẻ rất chậm, giật, lắc trong khi thực ra nó vẫn chạy bình thường.
Benchmark có nên là thang điểm dùng khi mua máy?
Hẳn là không rồi, vì như đã phân tích ở trên, benchmark chỉ là số khi máy mạnh nhất, còn lúc chạy bình thường thì mọi thứ khác hoàn toàn. Bạn nghĩ thử xem, các app như trình duyệt, Facebook, app đọc tin tức làm sao có thể tiêu hao tài nguyên nhiều như game được, nên việc dồn nguồn lực cho chúng nhiều là không hợp lý. Các chip đa nhân hiện nay cho di động cũng có hẳn các nhân riêng (thường gọi là efficient cores) chuyên dùng để chạy những thứ nhẹ nhàng như thế này, điều đó đảm bảo hiệu năng vẫn ổn trong khi điện không bị hao quá nhiều.
Nhưng ngặt cái là không phải hãng nào cũng làm chiến lược tối ưu giống nhau, chưa kể ảnh hưởng của giao diện, của tùy biến lại còn ảnh hưởng hơn nữa. Đó là lý do tại sao một chiếc điện thoại Pixel, Nexus dù cùng chip, RAM thấp hơn so với các hãng khác nhưng vẫn chạy mượt hơn nhiều, và điều đó lại còn kéo dài sau nhiều năm chứ không phải chỉ chạy nhanh lúc mới mua về.
Hôm trước mình đi gặp Huawei, họ cũng có chia sẻ rằng theo khảo sát và nghiên cứu của họ thì người dùng Android cũng gặp vấn đề với việc máy chậm đi sau một thời gian sử dụng. Nó cũng bị ảnh hưởng một phần bởi chiến lược tối ưu cộng với những thay đổi về cấu trúc của hệ thống.
Những thứ này cho chúng ta thấy rằng điểm benchmark không nên là thứ dùng để đánh giá, dùng như một thang điểm để đo khi mua điện thoại. Benchmark chỉ là một thứ tham khảo mà thôi.
Bản thân mình chưa bao giờ quan tâm đến chỉ số benchmark dù là của điện thoại hay là của máy tính. Từ ngày xưa khi mình xem các bài đánh giá có dùng benchmark là mình skip thẳng khúc đó vì nó chả có ý nghĩa gì tới trải nghiệm bình thường. Mình khuyên các bạn cũng không cần quan tâm tới các chỉ số benchmark này làm gì cả. Cứ coi người ta xài thực tế như thế nào rồi mới biết được.
Bạn có nhìn điểm benchmark để mua điện thoại?
Cập nhật công nghệ từ Youtube tại link: https://www.youtube.com/channel/UCOxeYcvZPGf-mGLYSl_1LuA/videos
Để tham gia khóa học công nghệ truy cập link: http://thuvien.hocviendaotao.com
Mọi hỗ trợ về công nghệ email: dinhanhtuan68@gmail.com
