
Mua RAM xung cao cần lưu ý gì?
Ai cũng thích RAM xung cao, những con số khiến chúng ta bị kích thích, chưa kể là những kit RAM xung cao thường là RAM cao cấp, có thiết kế bắt mắt thành ra chúng ta dễ xuống tiền mua mà không suy nghĩ nhiều về nó. Tuy nhiên trước khi quyết định mua thì anh em cần lưu ý: Không phải bo mạch nào cũng hỗ trợ RAM xung cao, không chỉ CPU mà chipset trên bo mạch cũng quyết định chuyện kit RAM bạn mua có chạy được tối đa tốc độ hay không.




Thêm vào đó, CPU Intel và AMD có vi điều khiển DRAM khác nhau và cách hoạt động cũng khác nhau thành ra anh em xài AMD cần lưu ý thêm về yếu tố CPU khi chọn mua RAM. Chẳng hạn như với bo X470, anh em dùng với CPU Ryzen 2000 series (thế hệ 2) tì mới có thể khai thác được các kit RAM 3600 MHz trong khi đó với thế hệ Ryzen 1000 series (thế hệ 1) hay Ryzen 2000 series tích hợp nhân đồ họa Vega hay dòng Athlon với nhân Vega thì xung RAM tối đa hỗ trợ là 3400 MHz hay 3466 MHz.

Trong khi đó với chiếc bo ASUS ROG Strix X470-F Gaming mình đang dùng với Ryzen 5 2600 thì xung RAM tối đa mà nó hỗ trợ chỉ là 3600 MHz thành ra kit RAM Xcalibur sẽ không thể chạy ở mức xung tối đa theo thiết kế.


Xung RAM giải thích vắn tắt:

Xung RAM cao được lợi gì nhất?
Băng thông! Công thức tính băng thông của bộ nhớ DDR là anh em lấy (số chu kỳ thực NHÂN 2 tín hiệu/chu kỳ NHÂN với độ rộng bus đơn kênh) chia cho 8 bit. Như thanh RAM 4000 MHz thì băng thông của nó sẽ là (2000 x 2 x 64)/8 = 32 GB/s, tương tự với một thanh RAM DDR4-2400 thì băng thông của nó sẽ là 19,2 GB/s. Cũng cần lưu ý độ rộng bus RAM DDR hiện tại vẫn là 64-bit
Tuy nhiên, con số trên là băng thông của 1 thanh RAM hay đơn kênh, nếu anh em gắn 2 thanh RAM cho chạy kênh đôi (dual-channel) thì băng thông sẽ là gấp đôi bởi độ rộng bus x 2 tức 128-bit. Tương tự với những CPU và bo mạch hỗ trợ nhiều kênh hơn như 4 kênh (quad-channel), 6 kênh (hexa-channel), 8 kênh (octo-channel) thì 64-bit đơn kênh sẽ được mở rộng theo cấp số nhân. Có thể hình dung độ rộng bus 64-bit cũng giống như 64 sợi dây truyền tải dữ liệu của RAM, 2 kênh sẽ có 128 sợi dây như vậy và điều này có nghĩa trong một giây thì lượng dữ liệu truyền tải sẽ tăng gấp đôi.

Băng thông RAM lớn liệu có cần thiết?
Thử hình dung một kit 2 thanh RAM DDR4-2400 sẽ có băng thông là 19,2 x 2 =38,4 GB/s khi chạy kênh đôi. Một kit RAM DDR4-4000 như mình thử nghiệm dưới đây sẽ có băng thông là 32 x 2 = 64 GB/s chạy kênh đôi.

Vậy nên xung nhịp của RAM nó không phải là thứ phản ánh chính xác tốc độ của RAM. Lúc này anh em nên nhìn vào thông sống CAS Latency:
Kit RAM mình đang dùng nếu bật XMP 2.0 thì nó có CL 18 20 20 44 tức CAS là 18, tRCD là 20, tRP là 20 và tRAS là 44. Trong số 4 con số này thì quan trọng nhất là con số đầu tiên tức 18 hay CL18. Đây là số chu kỳ xung mà CPU phải đợi để nhận được phản hồi từ RAM kể từ khi gởi yêu cầu truy xuất - cũng là độ trễ truy xuất. Với CL18 thì CPU phải đợi 18 chu kỳ xung để có được dữ liệu nó cần thành ra nếu anh em ra mua 1 kit RAM cùng là 3200 MHz, kit RAM nào có CL thấp hơn thì nên chọn kit đó. Bởi lẽ:
Lấy chu kỳ xung chia cho xung thật nhân 1000 (đơn vị nano giây) thì chúng ta có độ trễ cụ thể. Ví dụ với kit RAM DDR4-4000: 18/2000*1000 = 9 ns. Vậy nên trong bài test dưới đây, mình thử cho kit RAM này chạy ở nhiều mức xung và timing khác nhau. Những thiết lập cho độ trễ CL thấp thường đạt được con số kết quả tốt hơn. Khi OC RAM cũng vậy, mục tiêu là vừa đạt xung cao, vừa giữ được CL thấp thì nhờ đó hiệu năng mới được tăng cường.

- MOBO: MSI Z370 Gaming Pro Carbon AC;
- CPU: Intel Core i5-9400F 6 nhân 6 luồng, 2,9 - 4,1 GHz, 9 MB Cache, TDP 65 W;
- GPU: MSI GeForce GTX 1080 Gaming X;
- RAM: T-Force Xcalibur DDR4-4000 CL18 8 GB x2;
- SSD: Plextor PX-512M9PeG 512 GB PCIe 3.0 x4 NVMe;
- Cooler: MSI Frozr Core XL;
- PSU: Gamdias Astrape M1 650W.
Thử nghiệm với AIDA64 Cache & Memory Benchmark với nhiều mức xung và timing khác nhau, mặc định kit RAM này khi bật XMP 2.0 chạy ở xung 4000 MHz với CL 18 20 20 44 (CAS - tRCD - tRP - tRAS) ở 1,35 V và không bật XMP sẽ chạy ở 2400 MHz với CL 16 16 16 39. Sự chênh lệch về băng thông đọc, ghi và copy (đọc xong ghi) giữa các mức xung và timing có giữa mức xung mặc định 2400 MHz với các mức xung cao hơn khá rõ ràng, nhất là mức xung 2400 với 3200 MHz, cách 800 MHz nhưng băng thông đọc tăng 27%, đọc xong ghi là 41%. Mức xung 2400 MHz với CL16 có độ trễ là 13,3 ns, 3200 MHz CL14 có độ trễ 8,75 ns, 3733 CL17 có độ trễ 9,1 ns, 3866 MHz CL18 có độ trễ 9,3 ns và 4000 MHz CL18 có độ trễ là 9 ns. Có thể thấy các mức xung với độ trễ lý thuyết khoảng 9 ns như 3733 MHz, 3866 MHz, 4000 MHz đạt hiệu năng gần như tương đương nhau.
Thế nhưng khi xét về tốc độ phản ứng, độ trễ thì chưa chắc xung cao đã mang lại hiệu năng rõ ràng hơn. Mình cho chạy bài test PCMark 10 Express để đo hiệu năng tổng thể của hệ thống thì kết quả từ bài test trên cũng phản ánh điều này. Mức xung 2400 MHz CL16 có điểm số thấp nhất và 3733 MHz CL17 đạt điểm số cao nhất. Các mức xung và CAS Latency còn lại có điểm số tương đương nhau. Bài test PCMark 10 Express chỉ bao gồm các tác vụ cơ bản như Word, xử lý bảng tính Excel, gọi video call theo nhóm và xử lý đa nhiệm. Vậy còn game thì sao?
Mình test các mức xung RAM và CAS Latency với tựa game chơi hàng ngày là Ghost Recon Wildlands. Anh em có thể thấy sự chênh lệch về tỉ lệ khung hình không đáng kể. Ngay cả mức xung thấp nhất khi không bật XMP thì tỉ lệ khung hình đã đạt 49 fps trung bình. Với các mức xung cao hơn thì tỉ lệ khung hình cũng chỉ xê dịch quanh quẩn 48 - 48 fps trung bình. Tựa game này mình chơi ở thiết lập đồ họa Ultra với độ phân giải QHD 2560 x 1440 px.
Nói tới đây chắc anh em đã có được sự hình dung về xung RAM và có thể đưa ra lựa chọn phù hợp khi mua RAM. RAM xung cao không phải là không có giá trị, nó mang lại băng thông lớn thành ra với một số tác vụ đặc thù cần nhiều băng thông RAM thì xung cao sẽ phát huy hiệu quả. Dù vậy với hầu hết các tác vụ thông thường cũng như đa phần game hiện tại vốn cần sức mạnh của GPU nhiều hơn thì việc đầu tư một kit RAM xung cao đắt tiền không mang lại giá trị bằng một kit RAM có mức xung vừa đủ. Anh em có thể mua những kit RAM DDR4-2666 hay DDR4-2400 theo thông số hỗ trợ mặc định của CPU và bo mạch với CAS Latency thấp. Ngoài ra 3200 MHz CL14 hay CL16 cũng là một mức xung và độ trễ thường thấy, dễ mua và tính tương thích cao hơn với nhiều loại bo mạch thay vì 4000 MHz CL18 như kit mình thử nghiệm.
Thứ chúng ta cần đầu tư phải là dung lượng RAM. Dung lượng là thứ tác động rõ ràng nhất đến hiệu năng của máy, một chiếc máy thiếu RAM sẽ khiến mọi thứ chậm đi, giảm hiệu năng xử lý đa nhiệm cũng như những ứng dụng cần nhiều tài nguyên bộ nhớ như biên tập video sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn do liên tục thiếu bộ nhớ.