

Giáo sư Fritz Vollrath của đại học Oxford, đồng tác giả ý tưởng này cho rằng: "Các nhà kinh tế cho rằng nếu đẩy sừng tê giả vào thị trường chợ đen ở quy mô lớn, giá sừng tê sẽ giảm mạnh. Giá giảm cộng với hình phạt nặng đối với những kẻ buôn bán trái phép sừng tê giác sẽ khiến bọn săn bắt trộm nghĩ lại về khoản thù lao mà họ có được sau mỗi lần hạ gục những con tê giác." Thêm vào đó, người mua cũng sẽ rụt rè, khi bỏ cả chục triệu mà chưa chắc mua được sừng tê thật, mà có khi là lông ngựa đúc thành cái sừng.

Sừng, lông, móng của nhiều loại động vật có vú, cả con người nữa, đều có chung kết cấu khung xương bọc bên ngoài một lớp keratin. Đấy là lý do trước có vài tấm bích chương anh em thấy ngoài đường, photoshop móng chân người lên đầu tê giác để nói rằng sừng tê và móng chân chúng ta chẳng khác gì nhau cả. Sừng tê giác chỉ có keratin và không có khung xương. Để làm sừng tê giả, các nhà khoa học dùng lông ngựa, kết dính với nhau bằng một hợp chất dựa trên nền tơ lụa, và thêm cellulose để khi "mài sừng" cũng tạo ra chất bột tương tự sừng tê thật. Kết quả là các nhà khoa học tạo ra được một hợp chất có thể đúc thành chiếc sừng giả sau khi sấy khô trong môi trường chân không rồi đánh bóng. Thậm chí nhìn dưới kính hiển vi cũng không phát hiện được khác biệt giữa sừng thật và sừng giả.
Dự kiến lô sừng giả đầu tiên sẽ được tung ra chợ đen vào năm 2022.
Theo Guardian