
Để lưu lại dữ liệu trên miếng kính thạch anh này, Microsoft sử dụng chùm laser tốc độ siêu cao để khắc những voxel, hiểu nôm na là bitmap dữ liệu dạng 3D vào bên trong lòng tấm kính. Mỗi voxel có kích thước và chiều sâu riêng, từ đó trở thành công cụ lý tưởng để lưu trữ nhiều loại dữ liệu. Vì những voxel này có kích thước chỉ ở tầm nano mét, nên một tấm kính dày 2mm có thể lưu trữ hơn 100 lớp voxel, lý tưởng để lưu trữ dữ liệu dung lượng cao.
Theo Microsoft, tấm kính thạch anh chứa dữ liệu này có thể chống lại nước, nung nóng trong lò, lau không mất dữ liệu và không bị ảnh hưởng bởi từ tính như những dạng công cụ lưu trữ hiện tại. Không giống như ổ HDD hay SSD, vì dữ liệu được khắc sâu vào lòng tấm kính, nên trên lý thuyết cách lưu dữ liệu này sẽ tồn tại được trong vài nghìn năm.
Để tạo ra Project Silica, Microsoft đã hợp tác với các nhà khoa học trường đại học Southampton, Anh. Hồi năm 2016, họ đã phát triển được phương pháp lưu dữ liệu bằng việc tạo bitmap 3D trên nền kính thạch anh. Còn về phần Warner Bros, họ là một trong những bên đang đau đầu nhất về việc lưu trữ. Lịch sử cả trăm năm của hãng phim này được tạo ra 3 bản khác nhau và lưu trữ ở nhiều nơi trên thế giới, luôn có kế hoạch trong trường hợp thiên tai xảy ra. Cứ 3 đến 5 năm, họ lại phải số hóa nhiều nội dung để tránh việc băng đĩa xuống cấp.
Tạo ra format lưu trữ là một chuyện, đọc chúng lại là chuyện khác. Gần như không có đầu đọc nào có thể giải mã được dạng dữ liệu này dù chúng, trên lý thuyết, tương đối đơn giản. Tuy nhiên để đọc được những tấm kính thạch anh, sẽ phải cần đến một kính hiển vi được máy tính điều khiển, sử dụng machine learning để giải mã và tái tạo những bitmap 3D bên trong tấm kính khi ánh sáng phân cực chiếu qua chúng. Không dễ, nhưng so với lợi thế của một dạng "cold storage", nghĩa là tư liệu lưu trữ trong kho có thể tồn tại cả nghìn năm, thì Project Silica rất đáng lưu tâm.
Theo ZDNet