Trên tay Leica SL2 giá 160 triệu đồng
Leica vừa giới thiệu chiếc SL thứ hai với rất nhiều những nâng cấp đáng giá và nếu bạn muốn một chiếc Leica có thể làm được việc thì SL2 chính là lựa chọn đó. Có cùng cảm biến 47MP như Q2 nhưng có thể thay đổi ống kính và chiếc máy đầu tiên được trang bị bộ xử lý Maestro 3, Leica SL2 sẽ bán ra với giá 159,9 triệu đồng cho riêng body.
Kiểu dáng tổng thể của SL2 không thay đổi nhiều so với thế hệ trước, chúng ta vẫn thấy một chiếc máy rất to và nặng. Máy ảnh Leica vốn đều nặng nhưng khi cầm SL2 trên tay bạn còn thấy nó nặng hơn nữa, và nhiều ống kính còn nặng hơn cả thân máy. Khung kim loại nguyên khối của SL2 được chế tạo từ magie và bọc bên ngoài là lớp da mềm cắt vát chéo, giống như trên chiếc Q2 nhưng nó là da và mềm hơn, sờ vào như thể là cao su. Cũng giống như chiếc Leica S dùng cảm biến medium format, SL2 có logo Leica bằng chữ ở phần gồ lên bên cạnh logo đỏ.
Nếu để ý anh em sẽ thấy grip của SL2 được thiết kế lõm vào trong để tăng khả năng cầm máy, đặc biệt là một chiếc máy nặng thì cần cảm giác cầm chắc chắn. Ba ngón tay của người dùng sẽ nắm chắc vào grip này nhờ thiết kế lõm của nó, trong khi ngón cái tỳ ở mặt sau và ngón trỏ để bấm cò.
SL2 sử dụng EVF OLED có độ phân giải hơn 5 triệu điểm ảnh. Thiết kế EVF của máy cũng lồi ra phía sau, trên đó cũng có vòng chỉnh cận viễn, mình thấy đây là thiết kế hay nhất, nhiều máy ảnh khác có vòng chỉnh rất khó thao tác dù không phải lúc nào cầm máy lên chúng ta cũng dùng tới nó. Giống SL, nút tắt mở máy cũng nằm ở bên trái hơi khó thao tác nếu cầm một tay.
Leica SL2 là chiếc Leica đầu tiên dùng bộ xử lý Maestro 3 tăng khả năng AF, chụp liên tiếp, máy sở hữu cảm biến ảnh 47MP và dải ISO từ 50 tới 50000 nếu ở chế độ chỉnh tay (M). Hiệu năng của SL2 không hề thua kém những máy ảnh mirrorless fullframe khác trên thị trường, những máy có thể dùng cho công việc và kiếm tiền. Năm nay, Leica trang bị cho nó công nghệ chống rung 5 trục ngay trên thân máy để tăng cường khả năng chống rung khi chụp hình hoặc quay phim. SL2 dùng ống kính ngàm L với hàng trăm ống kính từ Leica và Sigma, Panasonic... hoặc bạn cũng có thể dùng ống của dòng M thông qua một adapter.
Khả năng quay phim trên SL2 cũng là điểm đáng chú ý khi máy có thể lưu video 4k 10-bit trực tiếp lên thẻ nhớ thay vì một thiết bị gắn ngoài. SL2 sở hữu hai slot thẻ nhớ SD để bạn có thể lưu video hoặc lưu hình đồng thời cả DNG và JPEG lên đó. Máy có khả năng quay 5k ở 30fps, 4k ở 60fps và nếu là Full HD thì tốc độ 180fps. Tính năng Multi Shot trên SL2 sẽ chụp đồng thời 8 tấm với sự di chuyển của cảm biến để tạo ra tấm hình 187MP, giống như máy Olympus trước đó đã làm được.
Một trang bị mình thấy đáng giá trên SL2 là cổng kết nối USB-C, bên cạnh cổng HDMI và hai cổng 3.5mm. Với cổng C này, bạn không chỉ có thể dùng nó để truyền dữ liệu mà còn trực tiếp sạc pin cho máy thay vì phải tháo pin ra sạc. Rất nhiều máy ảnh cao cấp hiện nay đã có tính năng này và SL2 cũng không nằm ngoài số đó. Hệ thống giao diện trên màn hình 3"2 phía sau và nút cứng xung quanh đã được thay đổi từ SL để dễ dùng và thân thuộc hơn với các dòng M, Q. Leica muốn SL2 là một chiếc máy đơn giản và dễ sử dụng. SL2 sẽ được bán chính hãng ở Việt Nam với giá 159,9 triệu đồng cho thân máy.
Khóa học Lập trình Visual Foxpro 9 - Dành cho nhà quản lý và kế toán
Khóa học hướng dẫn về Moodle chuyên nghiệp và hay
Xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp tốt nhất hiện nay.