
Nhóm phát triển nhân CPU được Samsung thành lập vào năm 2012. Họ là người đã giúp tạo ra nhân tùy biến M-Series dựa trên kiến trúc ARMv8, bắt đầu là nhân M1 trong Exynos 8890 và mới gần đây nhất là nhân M5 trong con chip Exynos 990 (có lẽ sẽ được trang bị cho Galaxy S11 và Note 11 trong năm sau).
Theo thời gian, kiến trúc nhân CPU của Samsung không có nhiều điểm vượt trội so với nhân Cortex do ARM thiết kế, và theo trang AnandTech thì nó khó cạnh tranh được ở bất kì chỉ số nào. Nhân Exynos M3, tên mã Meerkat dùng cho Exynos 9810 (chiếc Galaxy S9), hóa ra lại cản trở sức mạnh của máy khi có hiệu quả tiêu thụ điện thấp.
Ban đầu, nhóm thiết kế nhân CPU này cũng chỉ làm ra kiến trúc với mục tiêu dùng cho CPU của server mà thôi, nhưng dần dần nó đã được chuyển hướng sang làm nhân CPU cho điện thoại.
Samsung xác nhận rằng việc từ bỏ kiến trúc nhân tùy biến là vì lý do kinh doanh và cạnh tranh. Cách đây vài năm, Samsung từng chia sẻ rằng việc phát triển nhân CPU riêng khiến họ tiêu nhiều tiền hơn đáng kể so với việc mua giấy phép sử dụng nhân của ARM. Cũng phải thôi, ông ARM làm kiến trúc nhân Cortex để bán cho rất nhiều bên, vậy nên chi phí mà mỗi ông phải bỏ ra để dùng Cortex cũng sẽ rẻ hơn so với việc tự làm hết mọi thứ. Chưa kể kiến trúc CPU là thức cực khó để làm, trước đây chỉ có Apple và Intel là có khả năng, sau có thêm Samsung, LG, Xiaomi... nhưng chưa công ty nào làm được như cách mà Apple và Intel làm.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách ARM cấp các loại giấy phép sử dụng trong bài: Tìm hiểu về cách ARM cấp bản quyền sử dụng nhân và kiến trúc bộ xử lí cho các công ty khác.
Ngoài lý do chi phí và cạnh tranh, việc ngừng phát triển nhân tùy biến cũng là do ARM đã bắt đầu nghiên cứu nhân CPU mới trên kiến trúc ARMv9 rồi. Thế hệ ARMv9 khác nhiều so với v8, vậy nên sau này Samsung cũng sẽ phải dành nhiều tiền của công sức và thời gian cho v9 nếu họ muốn các nhân của mình tốt hơn, mạnh hơn, tiết kiệm điện hơn so với nhân của ARM. Điều này không đáng so với những lợi ích kinh doanh mà chip có thể mang lại.
Tham khảo: AnandTech