
Các nhà nghiên cứu về Google gần đây đã công bố một bài báo khoa học có tựa đề "Gợi ý video nào để xem tiếp theo: một hệ thống xếp hạng đa nhiệm" trong đó cho chúng ta thông tin chi tiết về cách hoạt động của hệ thống gợi ý video của YouTube - một công cụ hiệu quả và tiên tiến nhằm duy trì sự chú ý của người dùng và cũng là thứ khiến chúng ta "nghiện" YouTube.
YouTube là trang chia sẻ video với mỗi giây có hàng trăm giờ video được tải lên thành ra cách hoạt động của hệ thống gợi ý video của nó rất khác so với các nền tảng phát nội dung trực tuyến khác như Spotify hay Netflix với đặc thù nội dung được chia theo danh mục và tập trung. Việc đánh giá dữ liệu và tạo các đề xuất theo thời gian thực là yếu tố rất quan trọng trong hoạt động của YouTube.
Để thực hiện điều này, Google đã sử dụng 2 mạng thần kinh ảo:
Cho đến năm 2016, YouTube thời điểm đó vẫn sử dụng thuật toán đề xuất các video đặc sắc dựa trên một số tiêu chí như thời lượng video, số lượng người đăng ký kênh, số lần được chia sẻ, … Tuy nhiên trong khoảng 3 năm trở lại đây thì YouTube đã bắt đầu áp dụng công nghệ mạng thần kinh ảo.

Giai đoạn 1: Tạo danh sách video đề nghị
Ở giai đoạn này, các video ứng cử được lọc và giảm từ hàng triệu xuống hàng ngàn video. Hệ thống sử dụng dữ liệu được trích xuất từ lịch sử xem video trên YouTube của người dùng để tạo ra danh sách các video theo một bộ lọc phối hợp - chẳng hạn như những video khác mà những người đang xem cùng một video với bạn đang quan tâm.
Giai đoạn 2: Phân loại
Ở giai đoạn này, các tùy chọn sẽ tiếp tục được lọc giảm từ hàng ngàng xuống hàng chục. Quá trình này sẽ gán điểm cho từng video, xác định mức độ hiển thị của video trong mục gợi ý khi người dùng xem YouTube.
Các khía cạnh như sự tương đồng với nội dung mà bạn đã xem trước đó sẽ làm tăng khả năng các video được gợi ý này xuất hiện ở các vị trí đầu tiên trong danh sách video tiếp theo. Trong khi đó, sự hiện diện của chúng sẽ giảm nếu trước đó đã được đề xuất nhưng người dùng nhấn bỏ qua không xem.
Ngoài ra còn có một yếu tố khác đó là "tuổi" của video bởi các video đã đăng tải được một thời gian dài có số lượt xem và tương tác cao, từ đó hệ thống sẽ lọc ra và ưu tiên các video mới trong danh sách video đề xuất.
Mặt trái của thuật toán

Trên thực tế, YouTube đã phải thay đổi hệ thống AI của mình trong thời gian gần đây bởi nó đang khuyến khích các nội dung xấu và buộc người dùng phải xem bằng mọi giá. Một ví dụ điển hình là con AI này đã gợi ý và tìm cách thu hút người dùng đến với các nội dung phi khoa học và thuyết âm mưu.
Guillaume Chaslot - một cựu kỹ sư của Google và là cố vấn của Trung tâm công nghệ nhân đạo đã kể về câu chuyện của một người bạn tên Brian về tình huống trên. Ông nói: "Đối với gia đình và bạn bè của Brian thì đây là một câu chuyện rất không mấy vui vẻ nhưng ở quan điểm của YouTube AI, nó đã thành công. Chúng tôi đã thiết kế YouTube AI để khiến bạn dành nhiều thời gian hơn để xem video bởi nền tảng sẽ có thể quảng cáo tốt hơn. Vậy nên AI xem Brian là một hình mẫu cần được nhân rộng ... Theo thiết kế, AI sẽ có cố gắng nắm bắt càng nhiều thông tin về bạn càng tốt … Do đó nếu 'Trái Đất phẳng' có thể khiến bạn ở lại và xem nhiều hơn trên YouTube so với "Trái Đất tròn" thì lý thuyết này sẽ được thuật toán khai thác trong hệ thống đề xuất video."
Theo: Xataka