Một trong những vấn đề được người lao động quan tâm nhiều nhất vào dịp cuối năm và trong những ngày giáp tết Nguyên Đán là lương tháng 13. Vậy, lương tháng 13 là gì, liệu có phải là tiền thưởng tết như nhiều người vẫn nghĩ không?
Bộ luật Lao động không có quy định về lương tháng 13
Chương VI Bộ luật Lao động 2012, quy định các điều khoản liên quan tới chế độ đãi ngộ cho người lao động chỉ đề cập tới 2 vấn đề chính là tiền lương và tiền thưởng. Trong đó, các nội dung liên quan tới tiền lương lại không hề nhắc tới lương tháng 13.
Trong khi đó, Điều 103 Bộ luật Lao động 2012 quy định rõ rằng, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động để thưởng cho người lao động. Quy định này cũng không hề nhắc tới tháng lương 13.
Vì vậy, tháng lương 13 không thể coi là tiền thưởng tết như nhiều người sử dụng lao động và người lao động đang quan niệm. Tùy quy chế của từng doanh nghiệp mà người lao động có được hưởng tháng lương 13 hay không.
Lương tháng 13 bắt nguồn từ đâu?
Theo các chuyên gia kinh tế, lương tháng 13 xuất hiện vào giai đoạn trước năm 2000, khi Việt Nam mới gia nhập nền kinh tế thị trường và còn nhiều bất cập. Khi đó, để bảo vệ quyền lợi của người lao động, doanh nghiệp sẽ tự trích một khoản trong lương họ để làm quỹ dự phòng phòng khi người lao động ốm đau, bệnh tật… Do đó, người lao động sẽ không hưởng lương trọn vẹn theo tháng.
Đến cuối năm, doanh nghiệp sẽ trả lại khoản tiền này cho người lao động nếu họ không xảy ra sự cố gì. Và khoản tiền này được gọi là lương tháng 13 và đó không phải là tiền thưởng.
Khi chính sách tiền lương đã rõ ràng hơn, các doanh nghiệp không giữ lại khoản nào trong lương của người lao động nữa mà trả đủ cho họ. Do vậy, lương tháng 13 theo cách trên cũng không còn.
Hiện nay, lương tháng 13 được các doanh nghiệp và người lao động dùng để gọi khoản tiền tăng thêm cho người lao động. Tùy từng doanh nghiệp mà cuối năm người lao động có thể có hoặc không có khoản tiền này.