
MSI GS65 Stealth Thin vẫn là cái tên khá hot trong làng laptop chơi game mỏng nhẹ. Phiên bản nâng cấp cấu hình với CPU thế hệ 9 vẫn giữ được độ mỏng 17,5 mm và trọng lượng dưới 2 kg. Phiên bản lần này mình trên tay là 9SD với Core i5-9300H, GeForce GTX 1660 Ti 6 GB, 8 GB RAM và 512 GB SSD. Cấu hình này khiến chiếc GS65 Stealth Thin có mức giá dễ tiếp cận hơn, giá dưới 40 triệu.
Nói về GS65 Stealth Thin thì hẳn anh em đã ít nhiều nhìn thấy hay dùng thử chiếc máy này tại các cửa hàng máy tính bởi nó là một dòng máy mà MSI rất tự hào - dòng GS Stealth. Dòng laptop gaming này đi đầu về xu hướng mỏng nhẹ, tích hợp nhiều tính năng cao cấp và cấu hình cũng thuộc hàng tốt nhất trong phân khúc, giá dĩ nhiên cũng ở mức cao.
![]()
GS65 Stealth Thin đầu 9 (9SD, 9SE, 9SF) có thiết kế không đổi so với thế hệ 8 với vẻ ngoài vuông vức, thân máy toàn nhôm, nắp máy được xử lý sần mịn với logo MSI khắc chìm, không có đèn như các đời GS trước. MSI đã thay đổi ngôn ngữ thiết kế các dòng laptop của mình để khiến chúng tối giản hơn, từ đó tiếp cận được nhiều đối tượng người dùng thay vì chỉ tập trung vào giới game thủ.
![]()
Thứ mình thích trên GS65 Stealth Thin là phần cắt diamond mạ màu vàng quanh nắp máy. Đây là dòng máy đầu tiên của MSI có thiết kế này, nó khiến chiếc máy lịch sự và cao cấp hơn và MSI đã tiếp tục phát huy trên phiên bản GS75 Stealth Thin vừa ra mắt tại CES vừa qua.
![]()
Chiếc máy mỏng 18 mm, cỡ máy 15,6" nhưng viền mỏng thành ra nó rất gọn, trông giống máy 14" khi xưa. Trọng lượng của chiếc máy này vẫn dưới 2 kg và đây là một trong những mẫu laptop chơi game có tính di động cao nhất trên thị trường theo đánh giá của mình.
![]()
Độ dày 18 mm đảm bảo cho các cổng kết nối kích thước tiêu chuẩn cũng như không gian cho hệ thống tản nhiệt. Trên GS65 9SD thì MSI trang bị cho nó hệ thống tản nhiệt Cooler Boost Trinity với 4 khe gió ở 2 bên và phía sau, đi cùng với 4 heatsink, 3 quạt và 6 ống đồng.
![]()
Các cổng kết nối trên MSI GS65 9SD bao gồm LAN (RJ-45) với chip Killer Ethernet E2500, 3 x USB 3.1 Gen1 (5 Gbps), Thunderbolt 3 (hỗ trợ USB 3.1 Gen2 (10 Gbps) và trình xuất DisplayPort), HDMI, mini DisplayPort và 2 jack âm thanh.
![]()
Cổng nguồn chân kim vẫn nằm ở bên phải và mình không hề thích vị trí cổng nguồn này bởi nó khá là vướn, phía sau vẫn tối ưu hơn và xu hướng ngày nay của các hãng làm laptop đó là chuyển dần các cổng có dây sang phía sau, MSI cần phải cải tiến điều này trên các thế hệ tiếp theo.
![]()
Riêng cục nguồn thì đã được cải tiến, vẫn là cục nguồn công suất 180 W nhưng nó mỏng và nhẹ hơn nhưng nhìn chung vẫn rất to và chiếm khá nhiều không gian trong balo khi mang máy theo.
![]()
Phần bản lề của GS65 Steath Thin được thiết kế lại, chắc chắn hơn nhưng ốp ngoài vẫn là nhựa, hoàn thiện chưa đẹp.
![]()
Bản lề cho góc mở 180 độ, có thể mở bằng một tay và nó giữ vững phần màn hình, hạn chế rung lắc khi chúng ta sử dụng máy trên đùi hay các bề mặt không phẳng. Góc mở màn hình lớn sẽ cho phép anh em chia sẻ nội dung với người xung quanh dễ hơn trong những cuộc họp hay học nhóm. Mình luôn ưu tiên chọn những chiếc máy có góc mở màn hình lớn để có thể sử dụng ở nhiều tư thế, lười hay nghiêm túc đều được.
![]()
Màn hình có thiết kế mỏng viền 2 bên ở 5 mm và viền trên khoảng 8 mm, vừa đủ không gian cho cụm webcam và các mic.
![]()
Nói về màn hình thì chiếc máy này được trang bị màn hình 15,6" tấm nền IPS của BOEhydis mã NV156FHM-N4G, tốc độ quét 144 Hz, phân giải FHD (1920 x 1080 px) tỉ lệ 16:9. Tấm nền này khá phổ biến trênn những chiếc laptop chơi game cao cấp điển hình như Razer Blade 15 Advanced hay Lenovo Legion Y540. Tấm nền này có độ bao phủ trên 90% dải sRGB, khoảng 60% AdobeRGB, độ sáng cao và tương phản ở 900:1.
![]()
Là màn hình thiên game nên yếu tố chính xác màu không được tập trung, chủ yếu là màu sắc tươi, tương phản cao để mang lại trải nghiệm đã mắt hơn và tốc độ quét cao để chuyển cảnh mượt mà. Nếu anh em muốn tận dụng màn hình của GS65 9SD để làm đồ họa thì sẽ cần cân chỉnh lại để đảm bảo các thông số như Gamma, nhiệt độ màu.
![]()
Ngay dưới màn hình là một hàng lỗ, ban đầu mình nghĩ loa nhưng thực tế được thiết kế để lấy gió cho hệ thống tản nhiệt Cooler Boost Trinity . Chính giữa có nút nguồn làm khá là điệu nhưng tiếc là cái máy này không có cảm biến vân tay - một trang bị dần phổ biến trên laptop từ phổ thông đến cao cấp.
![]()
Loa nằm ở đáy máy, 2 loa 2 W đặt mỗi bên như thế này. Những chiếc máy MSI luôn đi kèm với các phần mềm tăng cường trải nghiệm âm thanh như Nahimic, Hi-Res Audio. Âm thanh đầu ra lớn, dải mid rõ ràng nhưng để chơi game đã nhất thì nên dùng tai nghe.
![]()
Bàn phím của GS65 9SD không có nhiều thay đổi so với thế hệ trước, vẫn là bàn phím do SteelSeries thiết kế với layout thoáng, phím to, không có phím số và đèn nền RGB tùy chỉnh từng phím cũng như đồng bộ hiệu ứng với gaming gear của SteelSeries qua SteelSeries Engine.
![]()
Hành trình phím không còn dài như các dòng GS khi xưa nhưng độ nẩy cao hơn từ đó chúng ta có thể gõ nhanh hơn. Tuy vậy khi chơi game thì mình thấy bàn phím này không cho cảm giác chơi game tốt, nó hơi hụt tay khi bấm. Layout phím thoáng, cũng không khó để làm quen, mình thì mất 1 ngày nhưng một mod khác chỉ mất vài chục phút là gõ nhanh được, có lẽ mình đã quen gõ phím cơ nên chuyển qua hơi mất thời gian.
![]()
Bàn rê thì ngon hơn các thế hệ GS trước rất nhiều, mình đánh giá cao bàn rê của GS65 9SD bởi nó có một kích thước khổng lồ 14 x 6,5 cm - thiên về chiều ngang. Nhờ đó, việc thao tác đa điểm trên bàn rê cũng như di trỏ chuyện từ chỗ này sang chỗ kia rất dễ dàng mà không cần phải nhấp ngón tay nhiều lần. Thêm nữa, đây là bàn rê ClickPad, hỗ trợ Microsoft Precision Touchpad Driver và bề mặt được phủ kính toàn bộ nên về trải nghiệm nhấn lẫn lướt ngón tay, vuốt đa điểm đều ngon.
![]()
Tính năng nhận dạng lòng bàn tay cũng được tích hợp bởi khi gõ phím thì một phần lòng bàn tay phải sẽ nằm trên bàn rê, mình sử dụng một tuần qua và không gặp tình trạng nhảy trỏ chuột, tự bôi đen … Khi xưa những chiếc máy của MSI có bàn rê cực kỳ cùi bắp thì bây giờ, bàn rê lại là điểm ăn tiền, hãng đã biết nghe phản hồi từ người dùng hơn.
![]()
Về cấu hình, MSI GS65 9SD là phiên bản có giá dễ tiếp cận nhất, tầm giá 36,5 triệu đồng thì chúng ta có:
Cấu hình này mình cho là vừa đủ để chúng ta có thể trải nghiệm nhiều tựa game 3A ở đồ họa từ trung bình trở lên với độ phân giải FHD. Với những anh em thường chơi các tựa game online kiểu LoL hay như mình chơi Paladins thì khung hình sẽ có thể trên 100 fps và chúng ta có thể trải nghiệm tốt hơn màn hình 144 Hz.
- CPU: Intel Core i5-9300H 4 nhân 8 luồng, 2,4 - 4,1 GHz (Turbo), 8 MB Cache, TDP 45 W;
- GPU: Nvidia GeForce GTX 1660 Ti 6 GB GDDR6;
- RAM: Samsung DDR4-2666 8 GB (2 khe SO-DIMM, nâng cấp tối đa 64 GB);
- SSD: Samsung PM981 512 GB PCIe 3.0 x4 NVMe (2 khe M.2, 1 khe hỗ trợ cả PCIe lẫn SATA SSD)
- Pin: 82 Wh;
- OS: Windows 10 Single Language.
![]()
Khả năng nâng cấp của GS65 9SD rất thoải mái với 2 khe SO-DIMM, 2 khe M.2. Mình nghĩ với 8 GB RAM và 512 GB SSD thì anh em đã có thể dùng ngay mà không cần nâng cấp thêm. Chẳng hạn như với tựa game CoD Warzone thì GS65 9SD đáp ứng được cấu hình khuyến nghị nhưng sẽ tốt hơn nếu anh em gắn thêm 1 thanh 8 GB nữa để chạy dual-channel. Ổ 512 GB là đủ cho Windows, phần mềm và vài tựa game nhưng nếu anh em có nhu cầu lưu trữ dữ liệu lớn hơn chẳng hạn như ảnh RAW hay phim phân giải cao thì chắc chắn sẽ cần thêm 1 ổ M.2 phụ. Khe M.2 trên GS65 9SD hỗ trợ cả 2 loại ổ M.2 PCIe lẫn SATA thành ra anh em có thể linh hoạt chọn ổ SATA SSD dung lượng cao cho nhẹ tiền nâng cấp.
Mình có chơi nhanh 3 tựa game thường chơi trên GS65 9SD gồm Paladins - một tựa game giống như Overwatch, đồ họa nhẹ, DX11; The Division 2 - đồ họa DX12, thế giới mở, góc nhìn thứ 3 và CoD: Warzone - đồ họa DX12, Battle Royale đang hot hiện tại.
![]()
Với Paladins, mình có thể chơi ở khung hình trên 100 fps dễ dàng ở thiết lập đồ họa High. Tựa game này không quá nặng, nó ăn cấu hình cũng chỉ tương tự LoL.
![]()
Với The Division 2, mình để đồ họa High thì tỉ lệ khung hình ở 60 fps và tùy cảnh game có thể cao hơn hay dưới 60 fps. Đây là một tựa game đồ họa đẹp và thế giới mở TPS nên tính cạnh tranh không quá cao như những tựa game FPS, mình chơi cũng là để làm nhiệm vụ, trải nghiệm là chính thành ra 60 fps là chấp nhận được.
![]()
Với tựa game CoD: Warzone, mình chơi được ở 50 fps khi vào trận với thiết lập đồ họa High. Để tăng tỉ lệ khung hình thì phải giảm nhiều hiệu ứng như giảm Particle Quality và Particle Lighting xuống Low, giảm Shadow Map Resolution, tắt Ambient Occlusion và hạ chế độ khử răng cưa xuống SMAA 1x. Lúc này thì khung hình sẽ cao trên 60 fps và ổn định hơn.
![]()
Cũng trong quá trình chơi game, mình kiểm tra luôn khả năng tản nhiệt của chiếc máy này khi bật Cooler Boost thì nhận thấy GPU khá là mát khi chơi game, nhiệt độ luôn dưới 80 độ C, thường ở 75 độ C và xung GPU được đẩy cao trên mức Boost lý thuyết của GTX 1660 Ti Mobile là 1750 MHz. Tuy nhiên, Core i5-9300H coi bộ quá nóng, nó thường chạy đa nhân ở mức xung 3.0 - 3.1 GHz, với game nhẹ thì đẩy lên cao hơn, có khi đạt 4.0 GHz toàn nhân nhưng không giữ lâu. Nhiệt độ của CPU thường ở mức 90 độ C, dưới 95 và trên 85 độ C khi chơi game như The Division 2, CoD: Warzone. Hạn chế khung hình lại thì mát hơn với mức nhiệt độ ở 80 độ C. Tuy nhiên, 90 độ C chưa phải là mức nhiệt độ lý tưởng đối với CPU.
![]()
Cooler Boost Trinity cơ bản thay đổi thiết kế của quạt với nhiều cánh hơn và mỗi cánh mỏng hơn chỉ còn 0,2 mm. Mục tiêu là để giảm độ ồn khi các quạt này quay ở tốc độ đến 6500 - 7000 vòng/phút. Thực tế thì độ ồn đã giảm đi rõ rệt nếu so với Cooler Boost Trinity đời trước, mình cảm nhận được ngay vì từng xài GS73. Hiệu quả tản nhiệt thì mình không thể khẳng định là ngon hơn hay tệ hơn trên chiếc máy mượn được.
![]()
Pin của GS65 9SD có dung lượng 82 Wh và thời lượng sử dụng theo MSI công bố là 8 tiếng. Mình thử dùng chiếc máy này để làm việc văn phòng hàng ngày, mỗi phiên làm việc thì mình chỉ sử dụng các ứng dụng như trình duyệt Edge tầm 10 tab, OneNote, Photoshop thì thời lượng pin ước tính khoảng 4 tiếng với thiết lập Better Performance và độ sáng màn hình 70%. Nếu anh em giảm độ sáng xuống thấp hơn và chỉnh thiết lập pin là Better Battery thì mình nghĩ thời lượng sẽ dài hơn, trên 5 tiếng nhưng khó có thể đạt 8 tiếng. Pin sạc cũng khá nhanh, mất 1 tiếng cho 40% pin, tầm 2 tiếng rưỡi là đầy pin.
Nhìn chung, mình vẫn thích thiết kế của GS65 Stealth Thin và phiên bản 9SD này có giá 36,5 triệu, được tặng tai nghe với voucher mua hàng hơn 1 triệu khá hời. Tuy nhiên, với cấu hình trên thì đúng là chỉ đủ chứ đã thì chưa. Để dùng ngon thì anh em cần phải nâng cấp thêm ít nhất là RAM hay chơi nặng ký hơn là tra keo tản nhiệt xịn cho máy thì mới đảm bảo hiệu năng tốt được. GS65 cũng có phiên bản cấu hình mạnh hơn là 9SE với Core i7 6 nhân, RTX 2060 mà giá thì đến 55 triệu khá căng. Vậy nên bản 9SD này vẫn phù hợp với đa số nhất, anh em cần máy mỏng nhẹ, đủ mạnh để chơi game và làm việc thoải mái thì có thể ngó qua GS65 9SD.
Khóa đào tạo Power BI phân tích báo cáo để bán hàng thành công
KHÓA HỌC LẬP TRÌNH PYTHON TỪ CƠ BẢN ĐẾN CHUYÊN NGHIỆP