Cùng với hàng loạt tính năng, giao diện mới thì trên phiên bản iOS 11 và macOS High Sierra, Apple còn chính thức hỗ trợ thêm công nghệ mã hóa HEVC cho video lẫn hình ảnh định dạng HEIF. Apple cho rằng việc chuyển sang sử dụng định dạng mới sẽ giúp giảm được tới 50% dung lượng lưu trữ ảnh so với JPEG, đồng thời lại cho chất lượng hình ảnh cao hơn. Vậy thì HEVC, HEIF là cái gì? Có lợi gì so với cách làm trước đây?
HEIF là cái gì?
HEIF (viết tắt từ: High Efficiency Image File Format, tạm dịch: "Định dạng file ảnh hiệu suất cao") là một chuẩn do MPEG (Moving Picture Experts Group) phát triển và một cách nôm na thì nó một "thùng chứa" chứ không chỉ đơn thuần là một định dạng. Cụ thể hơn đối với cách làm của Apple, họ sử dụng HEIF để "chứa" những hình ảnh tĩnh nén bằng thuật toán mã hóa HEVC (còn gọi là H.265). Còn cho bạn nào lỡ quên, HEVC hay H.265 là một chuẩn nén video với tỷ lệ nén dữ liệu gấp đôi so với AVC hay H.264 ở cùng một chất lượng video. Nói cách khác là HEVC có thể cải thiện chất lượng video so với AVC ở cùng bitrate, đồng thời hỗ trợ độ phân giải lên tới 8192×4320.
Apple hiện đã tích hợp HEVC sâu vào trong hệ thống của họ do đã có sẵn phần cứng mạnh mẽ. Trên thực tế, những máy iOS chạy chip A9 trở lên và macOS chạy chip Intel thế hệ thứ 6, kết hợp với những giải pháp phần mềm hiện có là đã hỗ trợ mã hóa và giải mã HEVC.
Tại sao Apple lại chuyển sang xài HEVC?
Cho bạn nào lại lỡ quên, chuẩn hình ảnh JPEG đã có tuổi đời tới 25 năm và đã xuất hiện những dấu hiệu già nua so với sự phát triển của công nghệ hiện tại. Đặc biệt, khi thế giới đang chuyển mình với video chất lượng 4K và HDR thì việc nén dữ liệu lại càng cần thiết hơn nữa. Bởi thế, HEVC được phát triển để nén các video kích thước lớn này. Và hơn hết, HEVC còn đi kèm với profile nén ảnh tĩnh là HEIF. Định dạng HEIF được giới thiệu là không chỉ ưu việt hơn so với JPEG bởi có tỷ lệ nén gấp đôi so với JPEG ở cùng một chất lượng. Bằng cách này, Apple có thể tiếp tục cải thiện chất lượng hình ảnh và video mà chỉ cần một nửa dung lượng so với giải pháp trước đây. Từ đó, không chỉ dung lượng lưu trữ được giảm xuống mà cả băng thông khi tải lên mạng, streaming cũng được giảm xuống đáng kể.
Tuy nhiên, những ưu điểm nói trên sẽ tuyệt vời nhất khi câu chuyện nằm trong hệ sinh thái những thiết bị của Apple. Tuy nhiên, lại là một câu chuyện khác khi bước ra khỏi thế giới đó. Hiện tại, do vẫn chưa có nhiều bên chọn bước đi HEIF nên Apple vẫn phải chuyển hình ảnh sang JPEG khi người dùng muốn dùng ảnh tại những nền tảng khác. Bên cạnh đó, đối với những thiết bị phần cứng cũ của chính Apple thì có thể cũng không dùng được HEIF và giải pháp duy nhất là xài chuẩn JPEG cũ.
Làm sao để dùng thử định dạng mới trên iOS 11?

Một vài thử nghiệm nhanh



Tương tự cũng có sự khác biệt lớn về dung lượng giữa video lưu theo chuẩn HEVC và H.264
Bên cạnh app camera thì Apple cũng đã bắt đầu cho phép dùng kiểu mã hóa video HEVC trong các ứng dụng khác của iOS, điển hình là FaceTime. Trên thực tế thì từ hồi iPhone 6, chương trình gọi điện thoại video FaceTime đã bắt đầu được sử dụng định dạng HEVC để giúp băng thông gọi video được ít hơn, từ đó cũng sẽ nhanh và mượt hơn đối với những đường truyền yếu. Bên cạnh đó tại sư kiện WWDC mới đây, Apple cho biết các lập trình viên nên triển khai định dạng HEIF và HEVC lên các ứng dụng của họ.
Nếu HEIF tuyệt vời như vậy, tại sao thế giới không chuyển sang xài định dạng này?
Bên cạnh những mặt tích cực thì HEVC bản thân nó cũng còn tồn tại những nhược điểm nhất định, lớn nhất có lẽ là phải thỏa yêu cầu nhất định về mặt phần cứng và quan trọng hơn, nó là công nghệ mã hóa vướng bản quyền (patent encumbered). Trên mặt lý thuyết, nếu một công ty sản xuất phần cứng có hỗ trợ HEVC và trả tiền cho tác quyền công nghệ mã hóa này thì mọi thứ sẽ đơn giản. Nhưng nếu thiết bị đó không có phần cứng giải mã HEVC nhưng người dùng vẫn có thể dùng giải pháp giải mã bằng phần mềm, miễn là phần cứng đủ mạnh để làm điều đó.
Trong trường hợp của Apple, có nguồn tin cho rằng họ phải trả 25 triệu đô mỗi năm cho MPEG để có thể sử dụng công nghệ này. Bởi thế, nhiều hãng khác đã chọn giải pháp dùng những codecs khác cũng hỗ trợ các nội dung 4K chất lượng cao nhưng được cung cấp dưới dạng mã nguồn mở, thí dụ như VP9 hoặc AV1 phát triển bởi Liên minh Open Media.
Tuy nhiên, nếu nghĩ xa hơn một chút thì có vẻ như Apple cũng có lý do khi chọn con đường HEVC. Trên thực tế, Samsung đã hỗ trợ HEVC trên các mẫu điện thoại cao cấp của họ và họ cũng là hãng điện thoại có những ảnh hưởng nhất định tới xu hướng thị trường. Và cùng với Safari, Microsoft Explorer 10 cũng đã hỗ trợ HEVC miễn là phần cứng đủ mạnh để chiến. Chrome thì khỏi nói khi nền tảng nào cũng có nên có thể nói, HEVC hoàn toàn có tương lai phổ biến hơn nữa khi mà Apple cũng bắt đầu tham gia vào cuộc chơi này.
