Không chỉ là hành tinh có kích thước lớn nhất Hệ Mặt Trời mà sao Mộc còn nằm giữ một kỷ lục khác mà người ta vừa phát hiện ra: hành tinh già nhất Hệ Mặt Trời. Theo kết quả nghiên cứu vừa công bố bởi nhóm các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore và Đại học Munster, Đức thì phần lõi của Sao Mộc đã lớn gấp 20 lần kích thước Trái Đất từ khoảng 1 triệu năm sau khi Mặt Trời thành hình cách đây 4,6 tỷ năm. Và bởi những ngôi sao mới sinh thường giải phóng lượng lớn năng lượng nhằm thổi khí và bụi trong quá trình hình thành hành tinh, nên đám khí khổng lồ này chắc chắn đã hấp thu vật chất với tốc độ cực kỳ nhanh.
Kết luận trên được nhóm nghiên cứu đưa ra sau khi đã khảo sát sự hiện diện cực kỳ phong phú của đồng vị molybdenum và vonfram trên các mẫu thiên thạch sắt rơi xuống Trái Đất. Qua phân tích, họ phát hiện rằng những thiên thạch này có chứa thành phần từ 2 nguồn khác nhau. Quan trọng hơn, 2 nguồn vật liệu này đã được tách ra từ 2 đến 3 triệu năm và bắt đầu chia tách sớm nhất là khoảng 1 triệu năm sau khi hình thành Hệ Mặt Trời. Nhóm nghiên cứu khẳng định: "cơ chế hợp lý nhất cho sự chia tách này chính là sự hình thành sao Mộc vốn mở ra một khoảng trống trên đĩa và từ đó ngăn chặn sự trao đổi vật chất giữa 2 nguồn." Nhóm nghiên cứu tin rằng đây còn là lý do tại sao không hề có những Siêu Trái Đất với khối lượng nằm ở giữa Trái Đất và các hành tinh cỡ lớn khác như sao Thiên Vương hoặc Hải Vương vốn phổ biến ở các hệ sao khác.
