Rất
nhiều người dùng có thói quen tháo ổ USB/ổ cứng ngoài mà không thực
hiện thao tác thoát an toàn (Safely Remove) trên máy tính. Vậy nếu không
Safely Remove sẽ gây hại đến thiết bị của bạn như thế nào?
Biểu tượng Safely Remove đã trở nên quen thuộc với người dùng Windows
Theo HowToGeek thì nếu tháo ổ
cứng/USB ra khỏi máy tính trước khi thực hiện thao tác Safely Remove
Hardware thì thiết bị bị tháo vẫn có thể đang trong quá trình ghi file.
Tháo đột ngột ổ lưu trữ có thể khiến file dữ liệu của bạn bị lỗi. Trong
trường hợp file bị hư hỏng là file hệ thống, bạn có thể mất cả một thư
mục.
Ngoài ra, ngay cả khi ổ cứng hoặc ổ USB
đang không trong trạng thái đọc/ghi, Windows có thể chưa lưu toàn bộ dữ
liệu xuống ổ lưu trữ gắn ngoài: các dữ liệu này mới chỉ nằm trong bộ nhớ
tạm của máy (RAM). Đây là cơ chế cache. Thực tế là trên phần lớn các
máy vi tính, Windows thường tắt chế độ cache trên các ổ lưu trữ USB, và
do đó trong phần lớn các trường hợp, tháo "nóng" ổ USB khi
không có đèn báo hiệu ghi/đọc sẽ không gây lỗi. Tuy vậy, nếu cơ chế này
được bật, bạn chắc chắn sẽ mất dữ liệu nếu tháo ổ ngoài mà không Safely
Remove.
Trong mọi trường hợp, việc thực hiện
bước Safely Remove vẫn là một bước đảm bảo an toàn nhằm chắc chắn rằng
các luồng ghi dữ liệu, các con trỏ (chỉ vị trí của các vùng nhớ) và các
bộ nhớ đệm được đóng lại một cách an toàn. Bạn không thể chắc chắn rằng ổ
cứng/USB có được một ứng dụng ngầm nào sử dụng hay không.
Với ổ cứng gắn ngoài, việc tháo "nóng" là cực kỳ nguy hiểm và có thể dẫn tới lỗi bad sector.
Trong trường hợp Windows không cho phép
bạn Safely Remove và bạn không thể tìm ra ứng dụng nào đang sử dụng ổ
cứng ngoài, hãy cân nhắc việc lưu tất cả các dữ liệu cần thiết và tắt
máy (shut down) rồi tháo ổ một cách an toàn.
Nói tóm lại, việc Safely Remove là một
bước bảo đảm cần thiết cho thiết bị của bạn. Thực hiện thao tác Safely
Remove sẽ chỉ khiến bạn mất thêm một vài giây, và đánh cược dữ liệu của
mình lấy khoảng thời gian ngắn ngủi đó là không xứng đáng.