Header ads

Header ads
» » Tầm nhìn Facebook di động

Những bước đi gần đây của Facebook khiến người dùng ít nhiều ngạc nhiên. Theo Mark Zuckerberg - người sáng lập Facebook - Facebook sẽ "phân thân" trên thiết bị di động và những ứng dụng của Facebook không nhất thiết gắn với tên Facebook.

Qua những cuộc sáp nhập với giá cao ngất, qua việc đầu tư dài hạn vào lĩnh vực thực tế ảo (virtual reality), qua dự định thiết lập mạng Internet ở tầng cao bằng máy bay tự hành, Mark Zuckerberg thể hiện tầm nhìn khác thường, thể hiện khả năng "nghĩ lớn" (think big). Qua việc phát triển các ứng dụng của Facebook trên thiết bị di động, Zuckerberg cũng cho thấy khả năng "nghĩ nhỏ" (think small) sắc sảo.

Vào tháng 1/2014, Facebook giới thiệu trung tâm nghiên cứu Facebook Creative Labs. Creative Labs được tự do tạo ra những ứng dụng di động không ràng buộc với Facebook, không theo phong cách Facebook và có thể mang tên không gắn với thương hiệu Facebook. Ứng dụng Paper là ví dụ điển hình, là bước mở đầu cho nhiều ứng dụng mới của Facebook trong tương lai, có thể hướng đến người dùng không phải là người dùng Facebook. Zuckerberg không muốn phát triển một ứng dụng Facebook duy nhất làm đủ mọi việc.


Ứng dụng đọc tin tức Paper của Facebook trên iPhone.


Suy nghĩ của Zuckerberg thể hiện rõ qua cuộc phỏng vấn do nhà báo Farhad Manjoo thực hiện (báo The New York Times, 16/4/2014) tại trụ sở Facebook ở Menlo Park, California.

Hỏi: Xin anh giải thích về trung tâm nghiên cứu Creative Labs?

Đáp: Tôi mong Facebook trở nên đa dạng. Khi chúng tôi bắt đầu phát triển Facebook trên máy tính cá nhân, việc thiết lập trang mạng và thực hiện mọi chức năng chia sẻ trong trang mạng là lựa chọn hợp lý nhất vào lúc đó. Khi chuyển qua thiết bị di động, chúng tôi cũng bắt đầu theo cách như trước: xây dựng một ứng dụng Facebook có đủ chức năng như trang mạng Facebook.

Giờ đây tôi nghĩ khác. Nhu cầu của người dùng thiết bị di động khác với nhu cầu của người dùng máy tính cá nhân. Điều quan trọng nhất là ứng dụng phải có cách dùng đơn giản và người dùng phải có khả năng quyết định những loại thông tin nào đến với họ. Do thiết bị di động có màn hình nhỏ, chúng tôi chú trọng việc xây dựng các ứng dụng chuyên biệt, hướng vào một mục tiêu nhất định để tạo ra trải nghiệm tốt nhất.

Nhiệm vụ chủ yếu của Creative Labs là tạo ra các ứng dụng chuyên biệt, thay thế cho ứng dụng Facebook phức tạp hiện nay.

Hỏi: Có lẽ vấn đề không chỉ là chia nhỏ ứng dụng Facebook lớn. Anh có nghĩ đến việc tạo ra trải nghiệm mới nào đó mà ứng dụng Facebook hiện nay không có? Các ứng dụng nhỏ có thể tạo nên trải nghiệm mới nào mà ứng dụng Facebook lớn không làm được?

Đáp: Tôi không biết có nên phân biệt rạch ròi như thế không. Tôi nghĩ rằng sẽ có sự kết hợp một vài chức năng của ứng dụng Facebook hiện nay để có ứng dụng khác tạo được trải nghiệm tối ưu. Chúng tôi sẽ thử nghiệm trong các lĩnh vực mới mà trước đây chúng tôi cảm thấy không tiện thực hiện trong ứng dụng Facebook phức tạp.

Hỏi: Trong vài năm gần đây, anh đã thực hiện các sản phẩm mới, quan trọng như Facebook Home và Graph Search nhưng hiệu quả không như mong muốn. Việc sáp nhập nhiều công ty, như Instagram và WhatsApp, dường như bắt đầu có hiệu quả. Anh có nghĩ rằng Facebook đã sáng tạo tương xứng với tiềm năng hay chưa? Anh nghĩ gì về khả năng sáng tạo của Facebook?

Đáp: Tôi nghĩ Graph Search là cơ chế tìm kiếm rất mới nên còn rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi còn phải đầu tư cho Graph Search năm năm nữa mới có thể tạo ra điều khác biệt và bắt đầu thấy được hiệu quả. Cho đến nay chúng tôi đã có vài kết quả nhất định. Thứ nhất, chúng tôi đã xây dựng được cấu trúc dữ liệu của những mối liên hệ xã hội thuận tiện cho việc tìm kiếm thông tin. Điều này vừa quan trọng đối với việc tạo ra những ứng dụng cụ thể sau này, vừa quan trọng đối với việc thiết lập hạ tầng thông tin bên trong công ty. Thứ hai là việc tìm kiếm thông tin từ những gì người dùng đưa lên Facebook. Cho đến nay, chức năng tìm kiếm thông tin như vậy chỉ có trên máy tính cá nhân, trong khi hiện nay người dùng chủ yếu đưa thông tin lên Facebook qua thiết bị di động. Tôi không quá lo về việc này. Câu hỏi thực sự đối với tôi là khi tạo được chức năng tìm kiếm trên thiết bị di động, chức năng ấy mang đến hiệu quả ra sao. Tôi nghĩ rằng giải đáp cho câu hỏi đó cũng cần thời gian năm năm hoặc lâu hơn nữa.

Đối với Home, người dùng tiếp nhận chậm hơn so với mong đợi của chúng tôi. Home là sản phẩm có tính rủi ro cao hơn các ứng dụng khác, như Paper hoặc Messenger. Sau khi cài đặt Paper hoặc Messenger, nếu anh thấy chúng có ích, anh sẽ tiếp tục dùng chúng. Trong khi đó, Home tạo nên màn hình khóa (lock screen). Chỉ cần Home có một chi tiết nào đó mà anh không thích, anh sẽ gỡ bỏ nó ngay.

Có một điều mà chúng tôi vẫn quan tâm, ở mức độ nhất định, là các sản phẩm mà chúng tôi đang làm chưa thể tác động đáng kể vào việc kinh doanh của chúng tôi trong thời gian dài. Lượng người dùng ứng dụng Facebook rất lớn. Khoảng 20% thời gian của người dùng thiết bị di động dành cho ứng dụng Facebook. Điều đó cho thấy Messenger hoặc Paper có nhiều triển vọng, nhưng chúng tôi cũng biết rằng chúng chưa thể có hiệu quả trong tương lai gần.


Mark Zuckerberg trong cuộc phỏng vấn của báo The New York Times tại trụ sở Facebook (11/4/2014).


Hỏi: WhatsApp có lượng người dùng lớn hơn nhiều so với Messenger của Facebook. Có phải anh mua WhatsApp vì nó sẽ tác động vào Facebook hiệu quả hơn Messenger? Anh có thể giải thích về việc sáp nhập WhatsApp? Vì sao Facebook không thể tạo ra ứng dụng như WhatsApp?

Đáp: Có nhiều điều cần nói rõ. Facebook Messenger thực sự là sản phẩm thành công. Mỗi ngày có hơn 10 tỉ tin nhắn được thực hiện qua các chức năng nhắn tin của Facebook. Tuy nhiên, thị trường tin nhắn thực ra lớn hơn nhiều so với hình dung ban đầu của chúng tôi. Những trường hợp sử dụng của WhatsApp và của Messenger thực ra có nhiều điểm khác nhau. Messenger chủ yếu dùng cho việc trò chuyện giữa bạn bè, trong khi WhatsApp được dùng thay cho dịch vụ tin nhắn SMS thông thường. Thoạt nhìn, WhatsApp và Messenger có vẻ giống nhau, nhưng nếu nhìn kỹ, chúng thuộc về hai thị trường rất khác nhau.

Có lẽ anh nên nhìn những việc chúng tôi làm qua ba giai đoạn. Trước tiên, chúng tôi tạo ra ứng dụng Facebook. Hiện nay có trên một tỉ người đang dùng ứng dụng Facebook. Ứng dụng Facebook đang thực sự tạo ra hiệu quả kinh doanh.

Thứ hai là Instagram, WhatsApp, Messenger, Search. Các dịch vụ này đang có nhiều người dùng nhưng chưa có hiệu quả kinh doanh. Chúng tôi nghĩ rằng phải chờ khoảng ba năm nữa mới thấy được điều gì đó có ý nghĩa.

Tiếp đến là các thứ còn ở bước sơ khai, như Home, Paper và những ứng dụng khác mà Creative Labs sẽ tạo ra. Những ứng dụng như vậy phải mất ba năm hoặc năm năm nữa để đạt tới trạng thái hiện nay của Instagram và Messenger.

Như vậy, anh thấy rõ các sản phẩm của chúng tôi đang ở những giai đoạn phát triển khác nhau, không nên so sánh chúng với nhau.

Hỏi: Instagram và WhatsApp không gắn với thương hiệu Facebook. Do vậy, có những ứng dụng mà người dùng không biết là thuộc về Facebook. Có phải Facebook trong tương lai giống như một tập đoàn?

Đáp: Một trong những dự định của chúng tôi khi thành lập trung tâm nghiên cứu Creative Labs là thử nghiệm tạo ra những thứ không nhất thiết gắn với Facebook. Có thể có những thứ tạo được hiệu quả tốt hơn với thương hiệu riêng. Có thể có những ứng dụng hướng đến người dùng khác, không phải người dùng Facebook.


Lối vào trụ sở Facebook ở Menlo Park, California.


Hỏi: Xin hỏi anh một câu có tính riêng tư. Năm nay anh sẽ tròn 30 tuổi. Người dùng các ứng dụng của Facebook trẻ hơn anh nhiều. Khi khởi nghiệp với Facebook, anh cùng trang lứa với người dùng. Anh có nghĩ rằng mình vẫn giữ được sự đồng cảm với người dùng?

Đáp: Có những ứng dụng lúc đầu nhắm vào lứa tuổi nào đó, nhưng rồi được mọi lứa tuổi ưa chuộng. Chẳng hạn, người dùng Pinterest lúc đầu không phải là người chuộng kỹ thuật, không phải người trẻ, thường là phụ nữ. Tôi nghĩ người dùng Twitter lúc đầu cũng không phải người trẻ đâu. Ồ, phải nói rằng hầu hết người dùng Facebook không thuộc lứa tuổi như tôi trong phần lớn thời gian của tôi ở Facebook. Hiểu biết về đối tượng mà bạn phục vụ là quan trọng nhưng điều này ngày càng khó khi lượng người dùng ngày càng lớn. Đặc biệt khó khi Facebook có 1,2 tỉ người dùng.

Vấn đề lứa tuổi không phải là mối bận tâm lớn nhất của tôi. Tôi đang tập trung vào dự án Internet.org và mong muốn ngày càng có nhiều người được kết nối với Internet. Những người mới làm quen với Internet là đối tượng rất khác. Chúng tôi đã cử người đi tìm hiểu những thị trường mới nổi ở nhiều quốc gia, tìm hiểu xem người mới biết đến Internet thường làm những gì. Chúng tôi ghi nhận nhiều điều thú vị. Có người hỏi chúng tôi rằng: "Chỗ này đòi mật khẩu, nhưng mật khẩu là cái gì cơ?". Đối với chúng tôi, đó là câu hỏi hết sức bất ngờ.

NGỌC GIAO


About Học viện đào tạo trực tuyến

Xinh chào bạn. Tôi là Đinh Anh Tuấn - Thạc sĩ CNTT. Email: dinhanhtuan68@gmail.com .
- Nhận đào tạo trực tuyến lập trình dành cho nhà quản lý, kế toán bằng Foxpro, Access 2010, Excel, Macro Excel, Macro Word, chứng chỉ MOS cao cấp, IC3, tiếng anh, phần mềm, phần cứng .
- Nhận thiết kế phần mềm quản lý, Web, Web ứng dụng, quản lý, bán hàng,... Nhận Thiết kế bài giảng điện tử, số hóa tài liệu...
HỌC VIỆN ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN:TẬN TÂM-CHẤT LƯỢNG.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn