Sự rối rắm của các chuẩn Internet of Things và ảnh hưởng đến người dùng
Học viện đào tạo trực tuyến Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015 0 No comments
![]()
Trong năm 2014 các sản phẩm dạng Internet of Things (IoT) xuất hiện khá nhiều, nhưng điều đáng chú ý nhất không nằm ở chính các thiết bị mà ở các tiêu chuẩn được xây dựng cho IoT. Có ít nhất 5 nhóm công ty và tổ chức đã công bố các chuẩn IoT mới trong cả năm vừa qua, ngoài ra còn có 1 nhóm khác hồi năm 2013. Điều này càng làm rối rắm thêm một thị trường vốn đã rất rộng và có nhiều phương diện khác nhau.
IoT và sự cần thiết của các chuẩn chung
IoT là thuật ngữ dùng để chỉ các đối tượng có thể được nhận biết (identifiable) cũng như chỉ sự tồn tại của chúng trong một kiến trúc mang tính kết nối. Cụm từ này được đưa ra bởi Kevin Ashton vào năm 1999. Ngày nay, IoT được sử dụng cho các thiết bị trước đây chưa bao giờ được kết nối vào Internet, hoặc nếu có kết nối thì cũng chỉ trong một mạng nội bộ với quy mô giới hạn mà thôi. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin ở bài Internet of Things là gì và chúng giúp ích gì cho chúng ta.
Ví dụ đơn giản như sau: chiếc tủ lạnh thông thường của bạn không được kết nối với thiết bị nào khác. Nếu chúng ta muốn ghi lại nhiệt độ ở từng thời điểm của tủ, chúng ta chỉ có cách ghi lại thủ công rồi nhập vào một máy tính hay thiết bị lưu trữ nào đó. Còn muốn thay đổi nhiệt độ từ xa? Xin lỗi không có cách nào cả.
Hay như bóng đèn neon ở nhà chẳng hạn, chúng ta muốn thu thập, điều chỉnh độ sáng của nó thì phải đo thủ công rồi ghi lại. Đi ra ngoài đường và chợt nhớ quên tắt đèn? Bạn chỉ có thể quay xe lại rồi tự tắt chứ chẳng thể làm từ xa. Muốn thu thập thông tin về độ sáng cả nhà để biết xem căn hộ có đủ sáng hay không? Ngoài việc cầm máy đi đo thủ công thì bạn không có nhiều cách khác để làm việc này.
IoT thì không như thế. Ý tưởng của IoT là giúp cho mọi thiết bị có thể trao đổi thông tin với nhau, thậm chí là tương tác lẫn nhau để tạo ra một môi trường sống có tính tự động hóa cao, con người ít phải làm những việc thủ công hơn. Ngay cả các thiết bị đeo được như smartwatch, vòng tay thông minh,... cũng có thể được xem là một dạng IoT bởi chúng cũng trao đổi thông tin với nhau để làm cuộc sống con người trở nên tốt hơn
Chính vì lý do nói trên mà các sản phẩm IoT từ nhiều nhà sản xuất khác nhau sẽ phải cùng "nói" chung một thứ ngôn ngữ, nếu không chúng sẽ không thể hiểu được nhau. Mà không hiểu được thì làm sao có thể trao đổi thông tin và kết nối?
Nếu không có những quy chuẩn chung được đặt ra cho IoT, các sản phẩm dành cho ngôi nhà thông minh, nhà máy thông minh hay thành phố thông minh sẽ chỉ được cung cấp với số lượng hạn chế. Trong bối cảnh đó thì chi phí sẽ tăng cao và hiệu quả mang lại không ấn tượng. Đối với người tiêu dùng bình thường thì mọi chuyện càng tệ hơn khi họ buộc phải sử dụng thiết bị IoT từ một nhà cung cấp mà thôi, nếu mua từ hãng khác thì máy móc sẽ bị cô lập với phần còn lại của ngôi nhà.
Thế là các hãng mới bắt tay nhau để tạo ra những chuẩn chung cho IoT. Họ không muốn đợi các tổ chức chính quy phát triển nên những chuẩn này (tương tự như tổ chức IEEE đưa ra chuẩn 802.11 dành cho mạng không dây mà chúng ta đang sử dụng hiện nay), thay vào đó các công ty tự làm với nhau để mọi thứ diễn ra nhanh chóng hơn.
Vấn đề là không chỉ có một nhóm được thành lập. Một số hãng bắt tay nhau để tạo ra nhóm A, trong khi một vài công ty khác thì tạo ra nhóm B với cùng mục đích như A. Thế nên, dù được gọi là "chuẩn" nhưng IoT hiện nay cũng có đến 4-5 chuẩn khác nhau. Nhà phân tích Patrick Moorhead of Moor Insights & Strategy dự đoán rằng phải đến năm 2017 thì một chuẩn chung thật sự mới xuất hiện cho thị trường này.
Các tổ chức quy chuẩn Internet of Things lớn hiện nay
AllSeen Alliance
Liên minh này được thành lập vào tháng 12/2013 với sự tham gia của LG, Panasonic, Sharp, Silicon Image, TP-Link, HTC, Qualcomm và hiện đã có hơn 100 thành viên. Được dẫn đầu bởi Hiệp hội Linux, liên minh này sẽ nhắm đến việc xóa bỏ những rào cản cũng như thúc đẩy sự sáng tạo trong việc phát triển Internet of Things (IoT, tức các đồ gia dụng, công cụ sản xuất có kết nối mạng để quản lí và/hoặc thu thập dữ liệu). Hiệp hội Linux nói rằng sự hiện diện của AllSeen Alliance là cần thiết bởi không một công ty riêng lẻ nào có khả năng đáp ứng lại tất cả những tình huống sử dụng IoT trong cuộc sống thường ngày, cả trong mảng sản phẩm tiêu dùng lẫn sản phẩm dành cho doanh nghiệp.
Các thành viên của liên minh sẽ đóng góp nguồn lực về phần mềm cũng như kĩ thuật để "cùng thiết lập một bộ khung mã nguồn mở cho phép các hãng sản xuất phần cứng, nhà cung cấp dịch và nhà phát triển phần mềm tạo ra những thiết bị và dịch vụ có tính tương thích với nhau". Bộ khung này được xây dựng dựa trên dự án nguồn mở AllJoyn do Qualcomm khởi xướng cách đây ít đâu. Các sản phẩm IoT, ứng dụng, dịch vụ tạo bằng AllJoyn có thể liên lạc với nhau thông qua nhiều kết nối: Wi-Fi, Ethernet, thậm chí là cả đường dây điện. AllJoyn không đòi hỏi hệ điều hành phải giống nhau (Linux, Android, iOS, Windows hay các loại OS nhúng đều được), cũng không bắt buộc các máy móc phải kết nối vào Internet bởi chúng có thể liên lạc ở cấp độ ngang hàng (ad-hoc).
Open Internet Consortium (OIC)
OIC ra đời vào tháng 7/2014 và được "chống lưng" bởi Samsung, Intel, Dell cùng nhiều công ty nhỏ hơn. Gary Martz, một quản lý sản phẩm của Intel, cho biết OIC sẽ tạo ra các tiêu chuẩn xoay quanh việc "giao tiếp, khám phá và chứng thực thiết bị" dựa trên nhiều kết nối khác nhau, trong đó bao gồm Wi-Fi, Bluetooth và cả NFC. OIC cho biết nền tảng phần mềm mã nguồn mở của họ sẽ ra mắt vào cuối năm nay để thúc đẩy sử dụng phát của thiết bị IoT. Ngoài ba công ty trên, OIC còn có sự góp mặt của Atmel, Broadcom và Wind River. Cấu hình của OIC sẽ được ra mắt vào đầu năm 2015, còn sản phẩm thương mại sẽ xuất hiện vào cuối năm sau.
Điểm đánh chú ý đó là cả AllSeen và OIC đều đang cố gắng tạo ra những nền tảng mở phục vụ cho việc kết nối các thiết bị Internet of Things, nhưng riêng với AllSeen thì họ phát triển dựa trên nền tảng AllJoyn có sẵn của Qualcomm. Gary Martz thậm chí còn chia sẻ thêm là OIC sẽ tập trung vào những lĩnh vực mà Liên minh AllSeen không chú trọng, ví dụ như bảo mật và một vài thứ khác.
Thread Group
Được thành lập bởi ARM, Samsung và Nest Labs (hiện đã về tay Google), Thread nhắm đến việc sử dụng giao thức mạng dạng mesh để các thiết bị IoT có thể kết nối không chỉ với một hai máy xung quanh mà với nhiều thiết bị cùng lúc. Tiêu chuẩn của Thread còn tập trung vào việc giảm lượng điện tiêu thụ của sản phẩm IoT, đồng thời sử dụng một loại chip mạng hiện có trên thị trường để cấp địa chỉ IPv6 cho các thiết bị.
Hiện tại bộ quy chuẩn của Thread chỉ nói về việc kết nối mạng, chính vì thế chúng ta có thể xem như đây là một hạ tầng để IoT hoạt động chứ không đi sâu hơn vào phần cứng như AllSeen hay OIC. Chủ tịch Chris Boross của nhóm cũng nhận xét rằng các tiêu chuẩn cấp cao hơn (là AllSeen và OIC) hoàn toàn có thể được dùng trong sản phẩm tương thích với Thread (hãy liên hệ đến smartphone, dù chạy iOS hay Android thì vẫn dùng chung chuẩn Wi-Fi như nhau).
Tổ chức này được thành lập vào tháng 7/2014 và hiện có hơn 50 thành viên. Họ dự tính sẽ bắt đầu cấp chứng chỉ cho các thiết bị Thread trong nửa đầu năm 2015.
Industrial Internet Consortium (IIC)
General Electric, Cisco Systems, IBM, Intel và nhà mạng AT&T đã ra tuyên bố thành lập IIC vào tháng 3 năm 2014. Tuy nhiên, IIC đánh mạnh vào mảng thiết bị IoT dùng cho doanh nghiệp chứ không phải là trong các ngôi nhà của người tiêu dùng phổ thông. Hãy tưởng tượng đến các cảm biến, các hệ thống máy móc tự động cũng như dàn bóng đèn, quạt tản nhiệt được dùng trong các nhà máy chẳng hạn. IIC cho biết bản thân họ sẽ không đưa ra các tiêu chuẩn cho IoT, thay vào đó sẽ cùng làm việc với các tổ chức chính quy nhằm đảm bảo rằng thiết bị IoT sẽ hoạt động tốt ở mọi phân khúc thị trường.
Nhóm cũng muốn cải thiện việc giao tiếp giữa các máy móc công nghiệp vốn đã cũ kĩ trong thời buổi hiện nay bằng cách đưa ra các thiết kế tham chiếu cũng như tạo ra những phương pháp thử nghiệm khác nhau. Hiện tại IIC có hơn 100 thành viên và mới đây có thêm sự tham gia của Microsoft, Samsung, Huawei.
IEEE P2413
Viện kĩ thuật điện điện tử (IEEE) là một trong những cơ quan chính quy có nhiệm vụ đề ra các tiêu chuẩn quan trọng trong thế giới công nghệ hiện nay, điển hình như kết nối không dây. IEEE cũng chính là đơn vị bị các công ty thương mại cho rằng quá chậm chạp trong việc đưa ra tiêu chuẩn cho IoT. Hiện nay IEEE đã thành lập nên các nhóm thành viên để làm việc với phần còn lại của thị trường Internet of Things. Họ tổ chức cuộc họp đầu tiên của mình vào tháng 7 năm 2014 với sự có mặt của 23 nhà sản xuất cũng như tổ chức có liên quan, và nếu mọi chuyện suôn sẻ thì đến năm 2016 một bộ chuẩn chung của IEEE sẽ được ban hành.
Còn trong thời điểm hiện tại, IEEE đã bắt tay vào xây dựng bản nháp đặc tả kĩ thuật đầu tiên, và sẽ cần khoảng 1 năm nữa trước khi nó được công bố ra thế giới. Song song đó, viện sẽ thiết lập thêm mối quan hệ với nhiều đơn vị hoạt động ở mảng IoT.
Internet of Things - một nơi đông đúc
Ở trên là 5 tiêu chuẩn IoT lớn, ngoài ra còn có thêm oneM2M, ISA100 và hàng tá những tiêu chuẩn khác đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn bởi các đơn vị, công ty nhỏ hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả các chuẩn này đều dùng để giải quyết cùng một vấn đề, một số chuẩn được xây dựng để bổ trợ cho một chuẩn khác. Chúng ta có thể thấy rằng AllSeen, OIC và IIC thì đang cạnh tranh với nhau, trong khi Thread có thể được dùng như một nền tảng chung cả ba chuẩn này.
Thế nhưng tình hình cũng sẽ không khá hơn trong năm 2015 khi mà phần lớn hãng vẫn chưa tìm được một tiếng nói chung cho các thiết bị IoT. James Brehm, nhà phân tích, người sáng lập ra công ty tư vấn James Brehm & Associates, cho biết rằng những nỗ lực nói trên chỉ mới là những bước đi đầu tiên trong chiến lược dài hơi của các công ty công nghệ. "Chúng ta cần có những cuộc đối thoại, nhưng chúng ta vẫn chưa sẵn sàng". Ngay cả thành viên trong cùng một nhóm quy chuẩn đôi khi vẫn còn xung đột lợi ích và chiến lược với nhau cơ mà.
Ảnh hưởng đến người dùng
Có nhiều quy chuẩn như thế không chỉ khiến các công ty bất đồng mà việc này còn ảnh hưởng sâu sắc đến người tiêu dùng và các khách hàng đang muốn đưa IoT vào cuộc sống hay vào việc kinh doanh. Việc có đến cả chục tiêu chuẩn sẽ khiến người dùng bị rối, họ không biết nên lựa chuẩn nào để còn được hỗ trợ dài lâu về sau, đồng thời có nhiều mặt hàng IoT để lựa chọn. Nếu lựa chọn sai, một chuẩn nào đó có thể sẽ bị biến mất khỏi thị trường và khi đó người dùng sẽ bị cô lập bởi các thiết bị của họ giờ đây chỉ có thể nói chuyện lòng vòng trong nhà, hệ thống thì không thể được mở rộng bằng các sản phẩm mới. Khách hàng doanh nghiệp thì lo lắng về khoảng tiền đầu tư của mình cho IoT và họ gặp nhiều khó khăn khi muốn triển khai công nghệ này cho mình.
Nói cách khác, việc có quá nhiều chuẩn IoT sẽ khiến thị trường bị trì trệ chứ không phải đi nhanh hơn như mong muốn của các nhà sản xuất. Nhưng song song đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng sẽ không có một chuẩn chung nào thống thị IoT, cũng như việc thị trường smartphone không chỉ có mỗi Android mà còn có iOS, Windows Phone, BlackBerry.
Đó cũng là nhận định của nhà phân tích Andy Castonguay đến từ Machina Research. "Thị trường này là một trong những thị trường bị phân mảnh nặng nề và điều đó gia tăng gánh nặng cho việc phát triển một giao diện duy nhất để mọi thiết bị có thể nói chuyện với nhau". Thế nhưng, Castonguay vẫn kỳ vọng rằng các hãng sẽ ngồi lại để bằng cách nào đó giúp các chuẩn IoT khác nhau có thể giao tiếp lẫn nhau, ít nhất là ở một mức độ nhất định.
Cũng có một viễn cảnh tốt hơn: hai nhóm quy chuẩn IoT nhận ra rằng họ có thể có được thị phần lớn hơn nếu sản phẩm của họ tương thích lẫn nhau, thế nên họ hợp nhất lại làm một. Dần dần nhiều công ty sẽ nhận ra lợi ích của việc đó, và thế là họ hỗ trợ nhiều hơn một chuẩn trên thiết bị của mình. Trong dài hạn, rất có thể họ sẽ cùng nhau phát triển một giao thức chung cho cả ngành công nghiệp Internet of Things. Kết hợp với các cơ quan chính quy, dần dần những chuẩn được ứng dụng rộng rãi sẽ hình thành trong khoảng năm 2017, 2018.
Để biết được tiêu chuẩn nào sẽ phát triển mạnh hơn, chúng ta có thể nhìn vào quy mô, kích thước và tầm ảnh hưởng của các công ty đứng phía sau. Ví dụ, Samsung, Intel, Microsoft có sức ảnh hưởng lớn, có nguồn lực và nhiều tiền, thế nên những tiêu chuẩn được họ tham gia phát triển sẽ đi xa và nhanh hơn. Nhưng rồi cuối cùng, người dùng sẽ là những người quyết định xem chuẩn nào có thể tồn tại, chuẩn nào sẽ phải khăn gói ra đi. Lợi ích của bên nào mang lại nhiều hơn, giá thành tốt hơn và được hỗ trợ rộng rãi sẽ khiến người ta chịu chi tiền cho bên đó.
Tham khảo: PCWorld
Chủ đề tương tự
- [CES 2015] BlackBerry ra mắt nền tảng Internet of Things cho doanh nghiệp Đang tải...
- [DISTREE 2014] Microsoft chia sẻ chiến lược về hệ sinh thái và tầm nhìn với Internet of Things Đang tải...
- Google Physical Web, dự án xây dựng chuẩn mở giúp tương tác với thiết bị thông minh mà không cần app Đang tải...
- Toshiba thu hẹp mảng PC nhắm đến người tiêu dùng, dồn nguồn lực cho mảng doanh nghiệp và IoT Đang tải...
- [IFA 2014] Samsung mở rộng nền tảng Smart Home, hỗ trợ phần cứng bên thứ ba, điều khiển giọng nói Đang tải...
