Header ads

Header ads
» » » » Hologram - ảo và thực

Khái niệm Hologram (ảnh toàn ký) thường đến với mọi người thông qua điện ảnh, trong các phim viễn tưởng như Star Trek hoặc Star Wars. Điều này dẫn đến ngộ nhận phổ biến về Hologram.

Nhiều người hình dung hologram là một ảnh ba chiều lơ lửng trong không gian, quan sát được từ mọi phía. Bạn có nghĩ như vậy?
Ngày 18/11/2012, Công ty Deutsche Telekom tổ chức sự kiện âm nhạc mừng Giáng sinh mang tên Hologram Christmas Surprise, trong đó nữ ca sĩ danh tiếng Mariah Carey đồng thời trình diễn trước công chúng tại năm nước: Đức, Ba Lan, Croatia, Macedonia và Montenegro. Hình ảnh của Carey được truyền qua vệ tinh. Điểm khác thường của sự kiện là Carey xuất hiện cùng các nghệ sĩ địa phương, như thể đang trình diễn tại chỗ. Khán giả như trông thấy Carey thực sự đứng trên sân khấu trước mặt, hát bài Silent Night và gửi đến mọi người lời chúc Giáng sinh truyền thống. Cuộc trình diễn được báo chí ca ngợi rằng đã tạo nên tiếng vang cho công nghệ hologram.
Ảnh ảo của ca sĩ Mariah Carey trên sân khấu.
Thuật ngữ hologram cũng được giới truyền thông nhắc lại nhiều lần khi tường thuật sự kiện "chấn động" ngày 15/4/2012 tại Liên hoan Âm nhạc và Nghệ thuật Coachella, California: ca sĩ rap quá cố Tupac Shakur (mất năm 1996) xuất hiện trên sân khấu, trò chuyện và trình diễn cùng rapper đương đại Snoop Dogg. Hình ảnh của Shakur với kích thước như người thực được tạo bởi mô hình ba chiều trên máy tính như trong phim hoạt hình CG (Computer Graphics) và được chiếu lên sân khấu. Từ sự kiện này, nhiều trang tin cũng nhắc lại cuộc trình diễn ngoạn mục của danh ca Celine Dion cùng với Elvis Presley - "ông hoàng Rock and Roll" (mất năm 1977) - trước khán giả của American Idol 2007. Có ý kiến dự đoán rằng những người hâm mộ The Beatles sẽ có dịp thấy lại những thần tượng của mình trên sân khấu dưới dạng hologram.
Những hologram có thể tan biến trên sân khấu thành bụi lấp lánh đang được công nghiệp biểu diễn triệt để khai thác, gây dựng sự bí ẩn kỳ diệu thu hút người xem. Sân khấu và điện ảnh cùng nhau vun đắp ấn tượng sâu đậm trong công chúng về hologram. Trong nhiều năm, điện ảnh tạo nên cách hình dung phổ biến: hologram là hình ảnh ba chiều cho phép quan sát từ mọi phía bằng mắt trần, có thể trông giống người bình thường nhưng có tính xuyên thấu, không ai chạm vào được, tựa như... bóng ma. Trong phim Star Wars (1977), hologram là phương tiện thông dụng để gặp gỡ, trò chuyện với người ở xa.
Với cách hình dung như vậy, hologram phải là ảnh thực ba chiều quan sát được với mọi góc nhìn của một hệ quang học nào đó.
Hologram vốn là tên gọi của ảnh toàn ký - phát minh của nhà vật lý Dennis Gabor (người Anh gốc Hungary) trong thập niên 1940. Khi chiếu tia X vào một vật thể và ghi nhận trực tiếp tia phản xạ trên kính ảnh, Gabor thu được cấu trúc giao thoa ẩn chứa ảnh ba chiều của vật thể.
Từ thập niên 1960 trở về sau, phương pháp toàn ký được thực hiện ngày càng dễ dàng nhờ tia laser (tia sáng có bước sóng và pha xác định, không hỗn loạn như tia sáng thông thường). Sau khi chiếu tia laser vào một vật thể và ghi nhận trực tiếp tia phản xạ trên phim, nếu rọi phim bằng tia laser, ảnh ảo ba chiều của vật xuất hiện. Gọi là ảnh ảo vì người xem chỉ thấy ảnh khi nhìn qua phim (tương tự như ảnh ảo tạo bởi kính lúp). Gọi là ba chiều vì người xem quan sát được cả mặt trước và hai mặt bên của vật thể khi thay đổi góc nhìn. Phương pháp toàn ký cũng có thể tạo ảnh thực ba chiều với góc nhìn hạn chế.
Điều đáng chú ý là việc ghi nhận ảnh toàn ký của vật thể trên phim rất dễ bị nhiễu nếu vật thể bị rung, dù là chấn động rất nhẹ bởi âm thanh.
Hình ảnh của Tupac Shakur được tạo nên nhờ phương pháp thuộc bản quyền sáng chế của Công ty Musion Systems (Anh), hoàn toàn không phải phương pháp toàn ký. Trong phương pháp Musion, một tấm màn bán trong (semi-transparent) được đặt nghiêng 45 độ trước sân khấu. Phía trên màn bán trong, máy chiếu rọi ánh sáng xuống mặt phản chiếu lớn ở phía dưới màn bán trong (khán giả không thấy mặt phản chiếu). Ánh sáng phản xạ trên màn bán trong cho ảnh ảo. Khán giả vừa thấy ca sĩ thực Snoop Doog đứng sau màn bán trong, vừa thấy ảnh ảo của Shakur dường như đứng trên sân khấu. Ảnh ảo hiện rõ nếu cường độ của nguồn sáng đạt mức nhất định và hình ảnh được chiếu có độ tương phản lớn (quần áo có màu sáng nổi bật trên nền đen). Ảnh ảo tạo bởi phương pháp Musion về bản chất không khác với ảnh phản chiếu của bạn khi bạn đứng trước tấm kính trong.
Cơ chế tạo ảnh ảo của Tupac Shakur trên sân khấu (Công ty Musion Systems).
Hình ảnh của Mariah Carey cũng được tạo ra theo phương pháp Musion. Riêng màn song ca Celine Dion - Elvis Presley chỉ là sự lắp ghép trên từng khung hình của phim (được thực hiện bằng máy tính) và phim đơn giản được chiếu lên màn, không có sự dàn dựng đặc biệt nào trên sân khấu.
Bí mật công nghệ của phương pháp Musion tập trung ở màn hình bán trong, bảo đảm cho khán giả đồng thời thấy rõ cả người thực và người ảo.
Những cuộc trình diễn ngoạn mục của ca sĩ ảo Hatsune Miku (được giới thiệu là Japanese singing hologram Hatsune Miku) từ cuối năm 2010 cũng sử dụng màn bán trong. Hatsune Miku xuất hiện trước khán giả thực chất là mô hình ba chiều trên máy tính được tạo dựng theo phong cách manga. Khác với phương pháp Musion, hình ảnh Miku xuất phát từ máy chiếu thông thường đặt phía sau màn bán trong, rọi ánh sáng về phía khán giả. Máy chiếu được đặt ở vị trí thấp để tránh làm khán giả chói mắt. Khán giả vừa trông thấy Miku trên màn bán trong (ảnh thực), vừa trông thấy người thực đứng sau màn bán trong, làm "bạn diễn" của Miku.
Màn bán trong cho ảnh thực của Miku là tấm kính hoặc tấm nhựa trong acrylic thông thường có thêm lớp phủ thích hợp. Lớp phủ đóng vai trò một mạng lưới những thấu kính li ti, được chế tạo bởi Công ty Kimoto (Nhật).
Ảnh thực trên màn bán trong tạo bởi máy chiếu đặt phía sau (Công ty Screen Solutions).
Ảnh thực trên màn bán trong tạo bởi máy chiếu đặt phía sau (Công ty Screen Solutions).
Phương pháp tạo ảnh thực trên màn bán trong hiện là đối tượng nghiên cứu của nhiều công ty, là công nghệ then chốt cho giải pháp video on glass có tính thương mại cao: dễ dàng làm cho những tấm kính ở mặt tiền của những cửa hiệu, những cao ốc thành màn hình dành cho phim quảng cáo.
Vì là ảnh hai chiều, ảnh trên màn bán trong không hề là ảnh toàn ký. Những biến đổi kỳ ảo của ảnh trên sân khấu là kỹ xảo hình ảnh tạo bởi máy tính, không liên quan đến bản chất của hologram.
Hiện nay, ngoài những bộ đồ chơi hologram có khả năng tạo ảnh toàn ký thực sự bằng tia laser bán dẫn, nhiều loại đồ chơi khác tạo ra "hologram" dưới dạng ảnh thực lơ lửng nhờ hai gương cầu. Đồ chơi mang tên Mirage 3D Hologram Generator của Công ty Opti-Gone (Mỹ) là trường hợp điển hình. Khi đặt vật thể nhỏ (quả dâu, chiếc nhẫn,...) vào trong lòng Mirage, ảnh thực của vật thể xuất hiện phía trên Mirage, mọi người đều thấy dễ dàng bằng mắt trần. Người xem thường chỉ phát hiện vật thể trước mắt là ảnh tạo bởi một quang hệ khi không thể cầm nắm vật thể đó. Ảnh của Mirage là ảnh ba chiều, người xem có thể quan sát ảnh thực trọn một vòng nhưng không thể nhìn từ phía dưới.
Đồ chơi Mirage 3D Hologram Generator.
Dường như ngày càng có nhiều sản phẩm, có nhiều sự kiện góp phần củng cố sự ngộ nhận về hologram. Sự ngộ nhận rộng rãi đang vun đắp ý nghĩa... ảo cho hologram, bên cạnh ý nghĩa thực. Cái ảo được lặp lại trên phạm vi lớn rốt cuộc có thể trở nên... thực. Có lẽ hologram đang dần dần thay đổi ý nghĩa.
NGỌC GIAO

About Học viện đào tạo trực tuyến

Xinh chào bạn. Tôi là Đinh Anh Tuấn - Thạc sĩ CNTT. Email: dinhanhtuan68@gmail.com .
- Nhận đào tạo trực tuyến lập trình dành cho nhà quản lý, kế toán bằng Foxpro, Access 2010, Excel, Macro Excel, Macro Word, chứng chỉ MOS cao cấp, IC3, tiếng anh, phần mềm, phần cứng .
- Nhận thiết kế phần mềm quản lý, Web, Web ứng dụng, quản lý, bán hàng,... Nhận Thiết kế bài giảng điện tử, số hóa tài liệu...
HỌC VIỆN ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN:TẬN TÂM-CHẤT LƯỢNG.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn